“Alo, Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em xin nghe”, giọng điện thoại viên nhẹ nhàng đáp khi nhận cuộc gọi đến Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 (gọi tắt là Tổng đài 111). Từ đây, rất nhiều trẻ bị bạo hành, xâm hại tình dục, bóc lột… đã được hỗ trợ kịp thời.
Bà Triệu Thị Lan, công chức VH-XH phường Tân Phước, TX. Phú Mỹ tuyên truyền bằng tờ rơi về Tổng đài 111 cho em Ngô Thị Thu Thủy, 15 tuổi (tổ 5, khu phố Ông Trịnh, phường Tân Phước, TX. Phú Mỹ). |
HÃY GỌI 111 ĐỂ BẢO VỆ TRẺ
Thời gian qua, Tổng đài 111 đã phát huy hiệu quả, là kênh kết nối hữu ích, giúp nhiều người cung cấp thông tin, tố cáo các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em. Từ đó, nhiều trẻ em trên khắp cả nước đã được bảo vệ, hỗ trợ kịp thời. Tại BR-VT, nhiều phụ huynh, người thân, người quen và chính các em đã lên tiếng để bảo vệ trẻ em qua Tổng đài 111. Em N.T.T, 15 tuổi và N.V.N, 19 tuổi (cùng tạm trú tại hẻm 780, Bình Giã, phường 11, TP.Vũng Tàu) có quan hệ tình cảm. Đầu năm 2021, người nhà phát hiện em T. mang thai. Bất bình, mẹ em T. đã gọi đến Tổng đài 111 để tố cáo việc con gái bị xâm hại tình dục dẫn đến mang thai. Hồi đáp, Tổng đài 111 đã báo về địa phương, cụ thể là qua Sở LĐTBXH và Phòng LĐTBXH TP.Vũng Tàu. Bà La Thị Nhung, Phó Trưởng Phòng LĐTBXH TP.Vũng Tàu xác nhận có vụ việc trên. Sau khi nhận được phản ánh từ Tổng đài 111, Phòng LĐTBXH TP.Vũng Tàu đã phối hợp với UBND phường 11 xác minh, tìm hiểu vụ việc, đồng thời hỏi thăm, động viên tinh thần em T. và gia đình. Hiện gia đình đã đưa em về quê một tỉnh ở miền Tây sinh sống. Vụ việc đang được công an địa phương thụ lý.
Tương tự, đầu năm nay, người thân một bé trai 5 tuổi trú tại phường Nguyễn An Ninh, TP.Vũng Tàu đã gọi điện đến Tổng đài 111 tố cáo cháu nội bị ba mẹ ép ăn uống theo hình thức cực đoan. Nhận được thông tin phản hồi, Phòng LĐTBXH TP.Vũng Tàu đã phối hợp với UBND phường Nguyễn An Ninh thành lập đoàn xác minh. Qua tìm hiểu, bé trai này vẫn ngoan ngoãn, khỏe mạnh, tuy nhiên cháu chậm lớn. Đoàn đã động viên, tư vấn cho gia đình về cách chăm sóc trẻ. Sau đó, gia đình đã đưa bé đi khám dinh dưỡng để chọn cách con chăm sóc phù hợp.
Tổng đài 111 là dịch vụ công thực hiện tiếp nhận thông tin, thông báo, tố giác từ cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân và trẻ em qua điện thoại, góp phần thực hiện chức năng phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xác minh thông tin và kịp thời cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; cung cấp thông tin, tư vấn về pháp luật, tham vấn về tâm lý cho trẻ em, cha, mẹ, thành viên gia đình, trong chăm sóc trẻ em... Theo Sở LĐTBXH, tại BR-VT, từ năm 2017 đến nay, từ Tổng đài 111, đã có 68 vụ việc liên quan đến trẻ em trên địa bàn tỉnh được tiếp nhận và hỗ trợ. Mức độ quan tâm của người gọi tới các nhóm trẻ em ở tuổi dậy thì và vị thành niên ngày càng tăng. Độ tuổi của trẻ em được người gọi quan tâm nhiều nhất là nhóm từ 11-14 tuổi (30,5%); tiếp đến là nhóm trẻ em 7-10 tuổi (23,9%). Giới tính trẻ em được người gọi quan tâm nhiều hơn là trẻ em gái chiếm hơn 60%.
PHỔ BIẾN RỘNG TỔNG ĐÀI 111
Thời gian qua, Sở LĐTBXH đã tham mưu cho UBDN tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành và các địa phương tăng cường quảng bá về Tổng đài 111 để người dân, nhất là trẻ em và gia đình có địa chỉ tin cậy để được kết nối hỗ trợ, can thiệp khi cần thiết. Tại các địa phương trên toàn tỉnh, đã có nhiều cách tuyên truyền về Tổng đài 111 để trẻ em, bậc phụ huynh, nhà trường, người dân biết, nhằm thực hiện các cuộc gọi thông tin các vụ việc liên quan đến trẻ em. Bà Triệu Thị Lan, công chức VH-XH phường Tân Phước, TX. Phú Mỹ cho biết, với đặc thù là nơi có nhiều gia đình công nhân lao động ở trọ, phường đã tập trung tuyên truyền đến chủ nhà trọ, người dân và trẻ em bằng cách phát tờ rơi và gắn các bảng thông tin về Tổng đài 111. Từ năm 2020 đến nay, phường Tân Phước đã gắn hơn 100 bảng thông tin về Tổng đài 111 tại các khu nhà trọ, trường học, khu dân cư và phát hàng ngàn tờ rơi đến người dân. Còn bà Mai Thị Thanh Thủy, công chức VH-XH phường Phước Hòa, TX. Phú Mỹ cho biết, phường tuyên truyền rộng rãi về Tổng đài 111 đến người dân qua loa truyền thanh không dây, gắn 20 bảng thông tin và 20 tấm panô thông tin về Tổng đài 111 tại các phòng trọ, trường học, trụ sở khu dân cư.
Ngoài ra, các địa phương, sở, ngành cũng tăng cường công tác tuyên truyền về Tổng đài 111 bằng nhiều hình thức. Tính đến nay, các cấp, ngành, địa phương đã phát hành hơn 418.200 các sản phẩm truyền thông (tờ rơi, băng rôn, áp phích, sổ tay, quạt cầm tay, vòng tay...) tuyên truyền về Tổng đài 111 cho các trường học, trụ sở cơ quan, chợ, nhà nghỉ, khách sạn, hộ gia đình. Lồng ghép tuyên truyền về Tổng đài 111 tại các lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em cho hơn 100.000 lượt trẻ em tham gia; 6.216 lớp tập huấn, hội thi, diễn đàn, nói chuyện chuyên đề cho hơn 774.000 lượt HS, phụ huynh, cán bộ, cộng tác viên, hội viên. Những việc làm này đã góp phần nâng cao nhận thức của toàn dân để bảo vệ trẻ em trước những mối nguy trong xã hội.
Tổng đài 111 Cục Trẻ em (Bộ LĐTBHX) quản lý, chính thức ra đời từ tháng 12/2017, trên tiền đề của Đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em - Phím số diệu kỳ 18001567, hoạt động từ tháng 5/2004. Tổng đài hoạt động 24/24 giờ tất cả các ngày trong tuần và hoàn toàn miễn phí cước viễn thông. Tính đến nay, Tổng đài đã nhận hơn 4,5 triệu cuộc gọi đến, trong đó, đã tư vấn cho 410.552 ca và hỗ trợ, can thiệp cho 6.923 trường hợp trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực, bị mua bán, trẻ bị lạc, bị bỏ rơi, trẻ cần hỗ trợ về tài chính.
(Nguồn từ tongdai111.vn)
|
Bà Đinh Thị Trúc My, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH cho biết, trong thời gian tới, Sở LĐTBXH tiếp tục phối hợp với các ngành, các cấp tăng cường việc phổ biến rộng rãi thông tin về Tổng đài 111 đến mọi người dân trong tỉnh. Đặc biệt, chú trọng tuyên truyền đến các trường học, trụ sở làm việc, chung cư, khu nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn… Trong tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, Sở LĐTBXH khuyến khích các địa phương, các cấp, ngành ưu tiên các hình thức tuyên truyền thông gián tiếp qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, phát hành các sản phẩm tuyên truyền đến tận tay người dân.
“Các cơ quan, tổ chức, cá nhân hãy sử dụng số điện thoại 111 để lên tiếng thông tin, tố cáo mọi hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em và thực hiện các việc tư vấn kiến thức liên quan. Với sự quyết tâm của các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, mỗi gia đình và toàn xã hội, chúng ta cùng chung sức, đồng lòng chăm lo cho trẻ em, với tinh thần ưu tiên bảo vệ trẻ, để các em được sống trong môi trường ngày càng an toàn, lành mạnh và được phát triển toàn diện”, bà Đinh Thị Trúc My, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH nói.
Bài, ảnh: THI PHONG