"Thương Lắm" Xà bông của người khuyết tật

Thứ Bảy, 03/07/2021, 07:49 [GMT+7]
In bài này
.

Hôm nay nhận đủ đơn đặt hàng, nhóm lại làm xà bông “Thương Lắm”. Em đến nhé!  - Đó là tin nhắn hồi âm từ bà Lê Thị Thạch Hà, Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật TP.Vũng Tàu gửi cho chúng tôi sau lời hẹn tìm hiểu về dự án làm xà bông của người khuyết tật.

Bà Lê Thị Thạch Hà (đứng ở giữa), Phó Chủ tịch Hội Người Khuyết tật TP.Vũng Tàu là người khởi xướng dự án xà bông “Thương Lắm”
Bà Lê Thị Thạch Hà (đứng ở giữa), Phó Chủ tịch Hội Người Khuyết tật TP.Vũng Tàu là người khởi xướng dự án xà bông “Thương Lắm”

XÀ BÔNG “THƯƠNG LẮM” 

Những chiếc bánh xà bông thủ công với các tạo hình xinh xắn: trái tim, hoa hồng, hướng dương, tulip và các con thú ngộ nghĩnh như heo, thỏ… là sản phẩm khởi nghiệp của nhóm dự án sản xuất xà bông hiệu “Thương Lắm”. Thoạt nhìn những sản phẩm thủ công này như những miếng rau câu màu nâu sẫm hấp dẫn, có mùi thơm nức như chiếc bánh nướng. Nhưng đó là những bánh xà bông hoàn toàn từ nguyên liệu tự nhiên hiện đang rất được ưa chuộng. Những sản phẩm này đều do những người khuyết tật - hội viên Hội Người Khuyết tật TP.Vũng Tàu làm ra.

Bộ đồ nghề để làm xà bông của nhóm rất đơn giản: vài chiếc khuôn làm bánh, làm rau câu, hương liệu, phôi xà phòng. Thành phần nấu xà phòng gồm: dầu dừa, cám gạo, tinh dầu… Sản phẩm được làm bằng nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên và không sử dụng bất kỳ hóa chất nào. Sau khi pha chế dầu dừa, cám gạo, tinh dầu với lượng vừa đủ, nguyên liệu được đánh quyện rồi nấu bằng nồi cơm điện. Khi thành phẩm nguội thì đổ vào khuôn rau câu có sẵn các hình để tạo ra hình hoa, trái tim, các con thú… và ép thành những bánh xà bông. Mỗi công đoạn như vậy chỉ mất từ 3 đến 4 phút.

Các thành viên của nhóm thường tập trung tại căn nhà nhỏ của bà Hà để gia công và tạo thành sản phẩm đóng hàng cho khách. Mỗi buổi, nhóm sản xuất được khoảng 130 -260 bánh xà bông tuỳ theo đơn đặt của khách. Mỗi bánh xà bông thành phẩm sẽ được các thành viên sử dụng khăn voan lưới đủ sắc màu để đóng gói sản phẩm. Sản phẩm đóng hàng giao khách cũng được bọc bằng giấy, không sử dụng bao ni-lông. Mỗi bánh xà bông thủ công như vậy có giá 19 ngàn đồng.

“CÁNH CỬA” VIỆC LÀM CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

 “Tình thương chữa lành mọi nỗi đau - Bạn mua “Thương Lắm” là đang giúp đỡ người khuyết tật, sử dụng sản phẩm thiên nhiên bảo vệ người thân và bảo vệ môi trường”, lời nhắn gửi đính kèm sản phẩm xà bông của Hội Người Khuyết tật TP.Vũng Tàu cũng như một lời kêu gọi mọi người chung tay ủng hộ sản phẩm, tạo việc làm, thu nhập cho người có hoàn cảnh không may mắn.

Bà Lê Thị Thạch Hà cho hay: “Người khuyết tật rất khó để có được công việc ổn định. Đa số mọi người đều làm công việc thời vụ như bán vé số, phụ rửa chén ở quán ăn,… nhưng do dịch bệnh COVID-19, thu nhập rất bấp bênh. Chính vì vậy, khởi xướng dự án xà bông “Thương Lắm”, chúng tôi mong muốn tạo công việc, mang lại thu nhập ổn định cho họ”.

Với đôi chân không lành lặn, ông Hồ Thanh Hà (50 tuổi, ngụ 225/4A Lưu Chí Hiếu, phường 10, TP.Vũng Tàu) miệt mài bên khâu nấu xà phòng rồi đổ vào khuôn. Ông Hà cho hay: “Bình thường tôi bơm sửa xe đạp, xe máy ở lề đường Lưu Chí Hiếu nhưng dịch bệnh nên cũng ít khách. Khi có công việc làm xà bông, chúng tôi tham gia ngay với hy vọng mặt hàng này sẽ được người tiêu dùng biết đến, ưa chuộng, đặt mua nhiều, tạo công việc cho người khuyết tật”.

Còn Bùi Nguyễn Khánh Ngân (26 tuổi, ngụ phường Rạch Dừa, TP.Vũng Tàu) một bên mắt không nhìn thấy ánh sáng nên cũng rất khó khăn khi tìm việc. Bình thường Ngân xin phụ rửa chén bát tại các quán ăn nhưng do dịch COVID-19, hàng quán ngưng bán nên thành ra thất nghiệp. “Tham gia làm xà phòng, chúng tôi đều mong cộng đồng ủng hộ để chúng tôi có thêm cơ hội việc làm”, Ngân bày tỏ.

Bà Lê Thị Thạch Hà cho biết: “Với số vốn ban đầu khoảng 10 triệu đồng, tôi đã đầu tư để mua nguyên liệu và kêu gọi các thành viên trong Hội Người Khuyết tật thành phố cùng tham gia. Cũng là người khuyết tật và thấu hiểu tâm lý mọi người nên tôi luôn mong muốn sẽ làm một điều gì đó để giúp họ vươn lên. Khi có việc làm, có thu nhập sẽ giúp những người như chúng tôi tự tin vào bản thân để hòa nhập với cộng đồng”.

Hiện dự án đang ở bước khởi điểm để các thành viên trong nhóm làm quen với công việc và bắt đầu giới thiệu sản phẩm đến với người tiêu dùng. Nhóm cũng đã nhận nhiều phản hồi tích cực từ khách hàng về chất lượng sản phẩm. Vì có thời hạn sử dụng ngắn nên khi có đơn đặt hàng đủ số lượng, nhóm mới tập trung cùng nhau làm, lên đơn và phân công nhau đi xe máy để giao hàng nhằm giảm chi phí. Đến nay sau hơn 1 tháng triển khai dự án, nhóm đã sản xuất được 10 đợt với khoảng 1.300 bánh xà bông thu về khoảng 24,7 triệu đồng chưa tính chi phí nguyên liệu. Bước đầu, số tiền lời thu được đang góp vào qũy của nhóm để tạo vốn mua nguyên liệu.

“Đây là dự án rất nhân văn vì nó tạo công việc làm cho những người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ có điều kiện làm công việc phù hợp với sức khoẻ và môi trường an toàn. Chúng tôi hy vọng cộng đồng lan toả và ủng hộ sản phẩm để người khuyết tật có thêm thu nhập, để cuộc sống đỡ cực hơn”, bà Lê Thị Thạch Hà chia sẻ.

Bài, ảnh: HUYỀN TRANG

;
.