“Anh ơi, anh à. Sao giờ này chưa tới?”. Có thể đây là nỗi lòng của nhiều người; hoặc trút nỗi bực dọc này vào tin nhắn; hoặc cằn nhằn ra miệng. Hôm ấy, đã hẹn nhau lúc tan sở, chàng đến công ty của nàng, đón nàng rồi cùng đi vào bệnh viện thăm người bệnh. Do đã hẹn, nàng phải tranh thủ làm mọi việc nhanh hơn mọi ngày, phải xong việc sớm để lúc chàng đến là có thể đi ngay, không phải chờ đợi.
Minh họa: MINH SƠN |
Vậy mà….
Nhịp kim đồng hồ tích tắc trôi qua từng giây, từng phút vẫn không thấy bóng dáng chàng đâu. Sốt ruột lắm. Công ty vắng hoe, mọi người đã lần lượt ra về. Nhưng rồi, nàng cứ mãi ngong ngóng chàng. Thử hỏi, ai không bực mình?
Nhiều người vẫn có thói quen xài giờ cao su/ giờ dây thun. Một trong những biểu hiện đó, còn có thể kể thêm chuyện đi ăn đám cưới. Thay vì có mặt đúng giờ, họ cứ cù cưa chậm lụt, người này nghĩ rằng, chắc gì người khác đúng giờ? Thế là cứ nấn ná, chẳng việc gì phải vội vàng. Cuối cùng, đợi đến thức ăn bày biện trên bàn cũng là lúc có người đói muốn xỉu.
Tôi có người bạn thân, cô kể rằng lúc hẹn hò với tình nhân - nay đã là chồng thì bao giờ cô cũng đến trễ. “Ủa, bộ không sợ người ta giận à?”. Cô cười: “Bộ anh không nhớ câu thơ “Thuở đợi chờ, ôi, thời gian rét lắm” của Huy Cận à?”. Tôi hiểu, có thể do sự nôn nóng, hồi hộp, bồn chồn khiến sự hẹn hò mới thêm phần lãng mạn chăng? Thế nhưng khi đã thành vợ thành chồng thì lại khác.
Này nhá, sau chuyến đi công tác dài ngày, chị bạn tôi đã điện thoại, email cho chồng thông báo ngày giờ về đến sân bay. Tất nhiên, ngày đó, dù có bận rộn thế nào thì dứt khoát ông xã cũng phải có mặt. Chị tưởng tượng cảnh lúc vừa bước ra khỏi dòng người nườm nượp, ồn ào, nhốn nháo bỗng nghe tiếng chồng “hồ hởi, phấn khởi” gọi toáng tên mình. Anh ta chạy ùa tới, ôm thật chặt và khẽ thì thầm bên tai: “Em khỏe không? Anh nhớ em quá chừng chừng”. Bao nhiêu mệt nhọc trên chuyến bay dài cả chục giờ đồng hồ, bỗng dưng tan biến. Chưa hết, sau khi siết vai thật mạnh, chị còn thấy trên tay chồng một bó hoa tươi thắm. Từng cánh hoa sắc màu trắng muốt ấy mới thân thiện làm sao, đáng yêu làm sao. Chỉ cần nghĩ đến thế, chị đã cảm thấy xúc động và yêu chồng hơn bội phần.
Và ngày đó đã đến.
Ngay tại sân bay, từng khoảnh khắc trôi qua mà chẳng thấy tăm hơi của chồng đâu. Những đồng nghiệp cùng đi công tác rủ về chung, nhưng chị vẫn lắc đầu: “Tui chờ chồng đến đón”. Nhiều người kêu lên: “Chà, thế là nhất. Được chồng cưng chiều, đón đưa thế này thì hạnh phúc quá đi thôi”.
Nghe bạn nói thế, chị hãnh diện lắm. Phải thế chứ, vợ đi công tác hơn một tuần, chắc chồng sốt ruột, nôn nóng lắm đây. Nhịp kim đồng hồ chậm rãi trôi qua, từ 5 phút nhích gần lên nửa tiếng đồng hồ vẫn không thấy chồng đâu. Suốt ruột quá, gọi điện thoại cho chồng thì máy ò í e, chị đành bắt chiếc taxi vậy. Trên đường đi về nhà, chị lo lắng, biết đâu chồng tai nạn gì chăng, nếu họp hành thì chuông điện thoại phải reo chứ?
Thì đây, mở khóa bước vào trong nhà, chị sững người khi nhìn thấy chồng đang nằm “ngay đơ cán cuốc”, nồng nặc mùi men. “Anh ơi, em về nè”. Nghe tiếng vợ gọi, người chồng ú a ú ớ mở mắt ra, lầu bầu đôi câu, nôn thốc nôn tháo rồi nhắm tịt mắt ngủ tiếp! Chị cảm thấy phũ phàng như ai đó vừa tạt một gáo nước lạnh vào mặt.
Thế đấy, chẳng thà đừng hẹn hò thì thôi, chứ xảy ra tình huống này mà không gây gổ mới lạ.
Nhiều người có tâm lý lạ đời, một khi đã hẹn hò với vợ/chồng hoặc bồ bịch thì mình phải đến trễ “một chút” hoặc “nhiều chút”. Có như thế, mới “sáng giá”, vì mình đến trễ nhưng đố người đó dám cằn nhằn, bắt lỗi bắt phải?
Tâm lý này nói lên rằng, không chỉ mình là người của công việc, lúc nào cũng bận rộn mà còn là sự thể hiện thái độ “trên cơ” nữa. Nếu trong làm ăn, ký kết hợp đồng, họp hành ắt chẳng ai dại dột làm thế, nhưng trong quan hệ tình cảm thì có người nghĩ rằng họ được “cái quyền” đó.
Sau khi nghe tôi phát biểu, cô em gái tôi cười khì khì và gật đầu cái rụp: “Anh phân tích đúng. Người yêu của em đố dám ý kiến ý cò lúc em đến muộn. Dù thừa thời gian đến đúng hẹn, em vẫn đến trễ. Anh biết tại sao không? Đó cũng là dịp “thử thách” tình cảm của anh ta dành cho em nhiều hay ít”.
Ít hoặc nhiều trong chuyện tình đó, thú thật, tôi không rõ. Thông thường, lúc mới tán tỉnh, làm quen thì chuyện sử dụng “giờ dây thun” cũng còn có thể châm chước, nói như nhà thơ Hồ Dzếnh: “Tôi sẽ trách - cố nhiên - nhưng rất nhẹ”. Thôi thì, được đợi chờ trong giây phút hẹn hò ấy cũng là khoảng khắc cho sự tưởng tượng, hình dung ra bao điều mới mẻ nữa. Nhưng một khi nó lặp đi lặp lại, ai chịu nổi?
Mới đây thôi, anh chàng người yêu của cô em gái gặp tôi phàn nàn: “Cô ấy thiếu tôn trọng em. Mới yêu nhau, chưa ràng buộc gì, đã thế, huống gì sau này cưới nhau?”. Lời trách móc ấy đúng lắm.
Lại có chuyện chia tay của anh bạn tôi cũng na ná. Rằng, sau nhiều lần mời mọc, năn nỉ, hẹn hò thì cô ấy mới xiêu lòng đồng ý đi ăn sáng với bạn tôi. Khổ nổi cô lại hẹn vào buổi sáng thứ hai đầu tuần với lý do: “Ăn xong rồi đi làm luôn cho tiện”. Ừ, thế cũng hay. Bạn tôi mừng lắm. Sáng đó, hắn ta dậy sớm, diện bộ quần áo mới kẻng; giày đánh xi-ra láng cóng, tóc tai chỉn chu, gọn gàng, râu ria tỉa tót cẩn thận, tất nhiên không quên xứt thêm một chút nước hoa thật “men”.
Dù có đưa ra bất kỳ lý do gì nhưng cũng đừng quên rằng, lúc đã hẹn hò thì nên thu xếp trước công việc, cần đến đúng giờ. Câu thơ của Huy Cận:“Thuở đợi chờ, ôi, thời gian rét lắm”, nếu đến lúc người trong cuộc buộc lòng đổi từ “rét” sang “chán” thì nguy to. Một trong những điều then chốt cần thiết nhất trong quan hệ tình cảm giữa hai người vẫn là sự tôn trọng lẫn nhau, ít ra phải đúng thời gian lúc hẹn hò. Lạm dụng “giờ cao su” trong trường hợp này, xem ra chẳng nên một chút nào.
LÊ MINH QUỐC