Phẫu thuật khôi phục khả năng vận động cho người bị sẹo bỏng co rút

Thứ Sáu, 09/07/2021, 23:17 [GMT+7]
In bài này
.

Bé trai 11 tuổi đã được các bác sĩ Đơn vị Phẫu thuật Tạo hình, Bệnh viện Bình Dân phẫu thuật khôi phục chức năng cánh tay phải sau nhiều năm bị giới hạn vận động do bị sẹo bỏng co rút.

Các bác sĩ phẫu thuật tạo hình dáng thực hiện phãu thuật tại bệnh viện Bình Dân.
Các bác sĩ phẫu thuật tạo hình dáng thực hiện phãu thuật tại bệnh viện Bình Dân.

Bệnh nhi B.T.T (11 tuổi, TP.HCM) bị tai nạn bỏng nước sôi nhiều năm trước. Ngoài những đau đớn do bỏng, tai nạn đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của T.  Các sẹo co kéo sau bỏng diện tích lớn kéo dài từ phần ngực, xuống nách, lan xuống khủy tay, kéo dài đến tận bàn tay phải khiến em không thể duỗi thẳng tay, cũng không thể dơ tay lên cao. Sẹo xấu cũng khiến em chịu nhiều mặc cảm. Ca phẫu thuật đã trả lại cho em T. một đôi tay toàn vẹn chức năng và mang đến cho em một tương lai mới.

Phẫu thuật tạo hình cắt sẹo, xoay vạt da

Sau thăm khám và hội chẩn trường hợp của bệnh nhi T., các chuyên gia phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Bình Dân quyết định thực hiện phẫu thuật tạo hình bằng xoay vạt da cho người bệnh. TS.BS Nguyễn Văn Phùng, bác sĩ phẫu thuật chính cho bệnh nhân T. cho biết: “Sau phẫu thuật, bệnh nhân đã được giải phóng khỏi sẹo co kéo, có thể duỗi tay, mặc áo và thực hiện các hoạt động bình thường trong sinh hoạt hằng ngày.”

Những điều nên làm khi sơ cứu người bị bỏng
Tách bệnh nhân khỏi nguồn gây bỏng. Xả nước trực tiếp, ngâm rửa vết bỏng, càng sớm càng tốt để giảm nhiệt độ bề mặt và giúp giảm độ sâu của vết bỏng. Thời gian ngâm rửa từ 15-30 phút. Tránh làm trợt vỡ nốt phỏng.
Bỏng điện: Ngắt nguồn điện ngay. Sơ cấp cứu bằng ấn ngực ngay nếu có ngưng tim.
Bỏng hóa chất: Cắt bỏ quần áo, tư trang, trang sức, vùng bị bỏng, rửa vết bỏng dưới vòi nước liên tục.
Bỏng do lửa: Dội nước để làm tắt lửa trên người nạn nhân. Trường hợp bỏng nặng, da dính vào quần áo, giữ nguyên hiện trạng và dùng băng y tế, vải sạch che chắn vùng bị thương và đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế.
Nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế sau khi sơ cứu.

 

 

Làm gì để hạn chế sẹo di chứng bỏng?

Sẹo di chứng bỏng là trình trạng sẹo hình thành do hậu quả của bỏng (do nhiệt, hoá chất...). Bỏng để lại nhiều mức độ tổn thương. Bỏng độ 1 thường tạo tổn thương khu trú trên bề mặt da và lành trong khoảng 1 tuần, bỏng độ 2 với biểu hiện thường thấy là da phồng rộp, đỏ, sưng và có thể cần 2-3 tuần để lành thương; bỏng độ 3, độ 4 không chỉ làm tổn thương toàn bộ các lớp da mà còn ảnh hưởng đến các mô và cấu trúc cơ, mạch máu bên dưới da, gây nhiều đau đớn, thậm chí có thể tử vong. Đây là mức độ bỏng có thể để lại các hình thức sẹo dị chứng co kéo phức tạp.

Sẹo do di chứng bỏng, đặc biệt ở các vùng vận động như vùng khớp tay, chân, có xu hướng gây co kéo, ảnh hưởng đến chức năng vận động, gây khó khăn cho lao động, sinh hoạt của bệnh nhân. Bên cạnh đó, sẹo cũng gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ, đặc biệt khi sẹo ở vùng mặt, làm cho bệnh nhân có mặc cảm tự ti, khó hoà nhập với xã hội.

Theo TS.BS Nguyễn Văn Phùng, trưởng Đơn vị Tạo hình, Bệnh viện Bình Dân, cần trang bị tốt những biện pháp xử lý khi bị bỏng để hạn chế tối đa các di chứng do bỏng gây ra. Sau khi bị bỏng, nạn nhân cần được đưa đến các cơ sơ y tế để khám và xử lý các vết bỏng đúng cách. Trong điều trị bỏng và di chứng do bỏng, đòi hỏi sự kết hợp cả vật lý trị liệu và các phương pháp tập luyện sau khi lành vết thương. Người bệnh và gia đình cần được tư vấn về luyện tập, dự phòng và điều trị như đặt nẹp chống co kéo từ sớm, luyện tập vận động, tránh việc bệnh nhân cố định lâu một tư thế làm tăng nguy cơ co rút của các dải xơ sẹo… dẫn đến hình thành nhiều sẹo co kéo nặng nề ảnh hưởng đến chức năng của người bệnh.

Một khi các di chứng do bỏng không được cải thiện thông qua chăm sóc và luyện tập, cần phải tiến hành phẫu thuật.

Điều nên tránh khi sơ cứu bỏng
Không ngâm vết bỏng vào nước đá lạnh vì dẫn tới hạ thân nhiệt, co mạch, co cơ làm vết bỏng nghiêm trọng hơn.
Không bôi kem đánh răng, nước mắm, nước vắt cây cỏ lên vết bỏng vì làm gia tăng nguy cơ nhiễm trùng.

 

 

Phẫu thuật điều trị di chứng sau bỏng

Khi có di chứng bỏng, bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế có chuyên khoa phẫu thuật tạo hình để khám và tìm giải pháp điều trị thích hợp. Phẫu thuật là can thiệp có tính xâm lấn cao và phải được thực hiện bởi các bác sĩ có tay nghề và kỹ thuật, chuyên sâu về tạo hình để bảo đảm giải phóng sẹo, cầm máu và ghép da hiệu quả. Bệnh nhân sẽ được khám và tư vấn các phương pháp điều trị tuỳ mức độ, vị trí và tính chất của sẹo. Thông thường, phẫu thuật tạo hình bỏng được chỉ định phẫu thuật sau tai nạn khoảng 6 tháng hoặc hơn, khi đảm bảo sẹo đã ổn định, không còn tế bào viêm. Đối với nhiều trường hợp sẹo bỏng co kéo phức tạp, có thể cần phải phẫu thuật nhiều đợt, kết hợp các bài tập vận động phù hợp để phục hồi chức năng của cơ quan bị bỏng.

Có nhiều phương pháp phẫu thuật đã được dùng để điều trị sẹo do di chứng bỏng như: cắt khâu trực tiếp, ghép da, vạt tại chỗ, vạt tổ chức lân cận, vạt tự do, vạt giãn tổ chức… Mỗi phương pháp đều có những ưu điểm và những mặt hạn chế nhất định, tuỳ vào vị trí, diện tích, cũng như tính chất của sẹo do di chứng bỏng để lựa chọn phương pháp phù hợp và đem lại hiệu quả nhất.

Việc điều trị sẹo do di chứng bỏng nhằm mục đích phục hồi chức năng vận động và trả lại tính thẩm mỹ, giúp bệnh nhân hoà nhập với cộng đồng. Điều này chỉ có thể đạt được khi có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều phương pháp như phẫu thuật, vật lý trị liệu và phục hồi chức năng sau phẫu thuật…

TRẦN NHUNG

 
;
.