Vượt qua những gian khó từ những ngày đầu thành lập tỉnh, suốt 3 thập kỷ qua, ngành GD-ĐT tỉnh đã từng bước khẳng định vai trò, vị thế trong hành trình vươn ra “biển lớn”. Trong cuộc hành trình đó, khoảng 20 năm đầu được coi là giai đoạn tạo dựng nền móng vững chắc, tạo đà để GD-ĐT vươn ra “biển lớn”.
Lãnh đạo tỉnh, Sở GD-ĐT và tập thể giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn tại lễ khai giảng năm học 2019-2020. |
NHỮNG NGÀY ĐẦU GIAN KHÓ
Ông Lê Huy Luyện, vị Giám đốc Sở GD-ĐT đầu tiên của tỉnh BR-VT nhớ lại: “Thời điểm tỉnh mới thành lập, cơ sở vật chất trường lớp hầu hết đều xập xệ, nghèo nàn. Ở nhiều huyện, trường lớp chưa được xây dựng kiên cố. Có nơi chỉ là những điểm trường tạm bợ, mái tranh, mấy bộ bàn ghế đơn sơ đủ cho vài lớp học. Khi đó, toàn tỉnh chỉ có 216 cơ sở giáo dục từ MN tới THPT, chỉ có duy nhất trường Sư phạm Phước Tuy đào tạo GV, không có bất cứ trường đào tạo nghề nào để phục vụ cho sự phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, đội ngũ GV vừa thiếu, vừa chưa đồng bộ và chưa chuẩn về trình độ đào tạo, chất lượng giáo dục còn nhiều hạn chế”, ông Luyện kể.
TP. Vũng Tàu - địa phương được coi là phát triển nhất tỉnh lúc bấy giờ, cơ sở vật chất trường lớp, đội ngũ cũng còn nhiều hạn chế. Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Hiệu trưởng Trường MN Châu Thành (TP. Vũng Tàu) kể, Trường Mẫu giáo Châu Thành (nay là trường MN Châu Thành), thành lập từ năm 1978 nhưng đến năm 1991 vẫn là 3 cơ sở được tu sửa lại từ nhà dân. Cả 3 cơ sở có tổng cộng 12 phòng học. Phụ huynh mang đến tặng nhà trường từ chiếc bàn, chiếc ghế, chiếc kệ… để cô trò sử dụng. Ban đầu, trường chỉ dạy 1 buổi, không có bán trú.
Trường chuyên Lê Quý Đôn (nay là Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) lúc đó cũng chưa có trường lớp khang trang. Ông Đỗ Thanh, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn cho hay: “Cuối năm 1988, Sở GD-ĐT tổ chức tuyển sinh khóa đầu tiên cho mô hình lớp chuyên cấp 2. Do chưa có cơ sở riêng, nên niên khóa đầu tiên, HS được gửi học ở trường cấp 1-2 Hạ Long (TP. Vũng Tàu). Khởi đầu có 2 lớp Văn, Toán khối 6 với 4GV và 60 HS. Đến năm 1991, UBND Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo ra quyết định thành lập trường với tên gọi “Trường chuyên Lê Quý Đôn” và chuyển về 58 Trần Hưng Đạo - cơ sở cũ của Trường CĐ Sư phạm BR-VT (hiện nay là trụ sở Trường THCS Châu Thành). Lúc này, trường cũng chỉ có 3 lớp chuyên với khoảng 9-10 GV.
ĐẦU TƯ CHO SỰ PHÁT TRIỂN
Ông Lê Huy Luyện cho biết, từ những ngày đầu thành lập, lãnh đạo tỉnh đã coi GD-ĐT là quốc sách hàng đầu. Đầu tư cho GD-ĐT là đầu tư cho sự phát triển. Giai đoạn này, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tập trung đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ và xây dựng môi trường giáo dục. GV được tạo điều kiện để bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn. Cùng với đó, tỉnh cũng dành sự quan tâm lớn cho giáo dục mũi nhọn với việc thành lập, đầu tư phát triển Trường chuyên Lê Quý Đôn, khôi phục lại Trường Văn Lương (huyện Long Điền) trên nền móng cũ…
Với mục tiêu xây dựng một ngôi trường đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng tốt nhu cầu đào tạo học sinh năng khiếu, năm 2009, công trình Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đã được khởi công xây dựng mới với tổng mức đầu tư 280 tỷ đồng trên đường 3/2 (TP. Vũng Tàu). Công trình được xây dựng từ ý tưởng về một không gian học tập năng động, thân thiện, gần gũi và gắn kết với thiên nhiên. Đây chính là quan điểm “trường học trong thiên nhiên và thiên nhiên trong trường học”. Trường có diện tích hơn 9ha, với 42 phòng học chính được trang bị camera, màn hình cảm ứng; 21 phòng máy tính, thí nghiệm; thư viện, khu hiệu bộ, nhà thi đấu đa năng. Ngoài ra, trường còn có khu ký túc xá, đáp ứng nhu cầu nội trú, bán trú miễn phí cho hơn 1.000 HS.
Cùng với đó, các cơ sở giáo dục từng bước được đầu tư xây mới, sửa sang, cải tạo, đội ngũ không ngừng được kiện toàn khiến bức tranh giáo dục bắt đầu xuất hiện nhiều điểm sáng. Từ 216 cơ sở giáo dục, đến năm 2009, toàn tỉnh đã có gần 380 cơ sở từ MN tới THPT. Tổng số HS toàn tỉnh tăng từ 122.514 HS lên 228.590 HS; tổng số cán bộ, GV, nhân viên toàn ngành tăng từ 5.976 người lên hơn 13 ngàn người.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy nhớ lại, nhiều trường mẫu giáo, trong đó có Mẫu giáo Châu Thành bắt đầu có bán trú, trẻ được học cả ngày ở trường. Năm 2005, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh di dời, Trường MN Châu Thành trở thành trường đầu tiên trên địa bàn thành phố được xây dựng mới, khang trang, quy mô 12 phòng học và 9 phòng chức năng, khánh thành vào năm 2006.
Năm 2009, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đã được xây dựng mới trên đường 3/2 (TP. Vũng Tàu). |
GIÁO DỤC KHỞI SẮC
Với sự đầu tư, quan tâm đúng hướng, GD-ĐT của tỉnh từng bước khởi sắc. Giai đoạn 1991-2009, chất lượng giáo dục và hiệu quả giáo dục được nâng lên rõ rệt, chiều hướng phát triển bền vững. Các ngành học, cấp học đều ổn định và tiếp tục phát triển, các loại hình trường lớp được đa dạng hóa, đáp ứng nhu cầu học tập của HS toàn tỉnh. Hệ thống trường, lớp trong tỉnh đã được xây dựng, kiên cố hóa toàn bộ, đáp ứng yêu cầu trường chuẩn quốc gia, bảo đảm trang thiết bị cho GV và HS thực hiện tốt việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Mỗi xã, phường đều có trường MN, TH, THCS. Các huyện, thị xã đều có ít nhất từ 3 trường THPT trở lên. Số trường, lớp mẫu giáo, nhà trẻ đều tăng, đặc biệt là trẻ 5 tuổi ra lớp cao so với mặt bằng chung của cả nước.
Năm học 2008-2009, ngành giáo dục đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến mới, như sự vươn lên, xây dựng uy tín để khẳng định mình của trường THPT Đinh Tiên Hoàng (TP. Vũng Tàu), những thành tích nổi trội để vươn lên vị trí Lá cờ đầu của Trường TH Nguyễn Thị Minh Khai (huyện Châu Đức), Trường THCS Phước Nguyên (TX. Bà Rịa), hay quyết tâm giữ vững và khẳng định bề dày thành tích, vị trí dẫn đầu của Trường THPT Vũng Tàu, Trường MN Châu Thành (TP. Vũng Tàu)… |
Giai đoạn này, chất lượng công tác nuôi dạy-giáo dục ở bậc MN bảo đảm tốt. Chất lượng giáo dục văn hóa và đạo đức ở bậc phổ thông ổn định và có một số mặt tiến bộ. Công tác phổ cập giáo dục TH đúng độ tuổi hoàn thành năm 2003 và công tác phổ cập giáo dục THCS hoàn thành cuối năm 2004, trong khi chỉ tiêu của cả nước là năm 2010. Việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông được triển khai tích cực, đạt yêu cầu cơ bản. Không chỉ vậy, toàn ngành tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện việc đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả của các hoạt động dạy, học và quản lý giáo dục. Các điều kiện để phát triển GĐ-ĐT tiếp tục được tăng cường. Cơ sở vật chất trường lớp và thiết bị, đồ dùng dạy học tiếp tục được đầu tư, đời sống của cán bộ, GV được quan tâm và cải thiện. Công tác đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ có nhiều chuyển biến tốt.
HOÀNG DƯƠNG
(Còn tiếp)