Phát triển xã hội học tập là phát triển một nguồn lực đặc biệt của quốc gia

Thứ Sáu, 18/06/2021, 20:07 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 18/6, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 8 năm thực hiện QĐ 89/QĐ-TTg của TTCP về “Xây dựng xã hội học tập (XHHT) giai đoạn 2012-2020”. PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT; TS. Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT; GS-TS Phạm Tất Dong Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam chủ trì hội nghị. Điểm cầu tỉnh BR-VT do ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.

Ông Bùi Xuân Vịnh, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh được nhận  Bằng khen của Bộ GD-ĐT vì có thành tích xuất sắc trong công tác triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”.
Ông Bùi Xuân Vịnh, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh được nhận Bằng khen của Bộ GD-ĐT vì có thành tích xuất sắc trong công tác triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”.

VIỆC XÂY DỰNG XÃ HỘI HỌC TẬP ĐẠT NHIỀU KẾT QUẢ QUAN TRỌNG

Đánh giá kết quả Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ nhận định, trong 8 năm qua, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Bộ GD-ĐT với các bộ, ngành liên quan, sự nỗ lực của các địa phương, cơ quan, tổ chức xã hội, các mục tiêu của Đề án 89 đã cơ bản hoàn thành, các nhiệm vụ đã được thực hiện đúng tiến độ và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ được củng cố vững chắc; công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn lý luận chính trị cho CBCCVC, người lao động được tăng cường. Các cơ sở giáo dục đã đẩy mạnh dạy học từ xa, dạy học trực tuyến; các thiết chế văn hóa, các phương tiện thông tin đại chúng đã tham giá cung ứng các chương trình học tập suốt đời. Việc triển khai các mô hình học tập được thực hiện linh hoạt, từng bước vững chắc, nhận được sự đồng thuận của nhân dân… Trong 8 năm thực hiện đề án, mạng lưới 17.459 cơ sở GDTX được định hình, bao gồm các trung tâm GDTX cấp tỉnh, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - GDTX cấp huyện, gần 10.500 trung tâm học tập cộng đồng, trên 6.000 trung tâm ngoại ngữ - tin học, trung tâm giáo dục kỹ năng sống… Đến nay, thành quả của XHHT là 100% tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục TH mức độ 2 chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 1; tỷ lệ người biết chữ độ tuổi từ 15-60 là 97,85%...

BR-VT được đánh giá là một trong những địa phương xây dựng XHHT một cách hiệu quả. Theo báo cáo tham luận của UBND tỉnh, hệ thống giáo dục chính quy trên địa bàn tỉnh đã phát triển cả về số lượng và chất lượng với hơn 460 cơ sở giáo dục chính quy, cơ sở vật chất, đội ngũ GV và cán bộ quản lý được tăng cường. Tỷ lệ huy động trẻ ra lớp vượt chỉ tiêu Bộ GD-ĐT; 83,8% trường TH dạy học 2 buổi/ngày, 100% trường TH thực hiện tiết đọc sách với thời lượng tối đa 4 tiết/tháng, 100% HS lớp 3,4,5 được học tiếng Anh 4 tiết/tuần; Tỷ lệ tốt nghiệp THCS đạt 98,69%, tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 99,13%. Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục không chính quy trên địa bàn tỉnh đã phát triển rộng khắp, với nhiều loại hình, đáp ứng được nhu cầu học tập đa dạng, phong phú của người dân. Toàn tỉnh có 8/8 huyện, thị xã, thành phố, 79/82 xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, toàn tỉnh được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, cũng là mức độ cao nhất. Ngoài ra, có 186.682 gia đình được công nhận danh hiệu gia đình học tập, 7 dòng họ được công nhận danh hiệu dòng họ học tập...

BR-VT sẽ tiếp tục phát triển mạnh hệ thống giáo dục chính quy bằng cách tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, tạo điều kiện cho tất cả trẻ em trong độ tuổi được đi học trong điều kiện thuận lợi nhất, tạo điều kiện cho các em được học ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống; tạo điều kiện để các trung tâm GDTX liên kết với các trường ĐH mở các chi nhánh đào tạo tại chức, từ xa, các lớp văn bằng 2, các lớp nâng chuẩn ĐH. Địa phương cũng tăng cường đầu tư cơ sở vật chất để các trung tâm GDTX huyện, thị xã, thành phố là đầu mối quan trọng nhất thúc đẩy phong trào xây dựng XHHT tại địa phương; tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tấm văn hóa, thể thao, học tập cộng đồng; phát triển các Trung tâm ngoại ngữ, tin học, giáo dục kỹ năng sống; đẩy mạnh công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.

 HS, GV học tập, tìm kiếm tài liệu tại thư viện số Trường THPT Châu Thành (TP. Bà Rịa)
HS, GV học tập, tìm kiếm tài liệu tại thư viện số Trường THPT Châu Thành (TP. Bà Rịa)

KIẾN NGHỊ “XÓA MÙ CHỨC NĂNG”

Tại hội nghị, GS-TS Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, trong xã hội ngày nay, nhiều người có học vấn cao cũng rơi vào tình trạng mù chữ chức năng do không cập nhật được kỹ năng mới, không đáp ứng được những thay đổi về nội dung, phương pháp lao động, sản xuất của các lĩnh vực nghề nghiệp. Theo GS.TS Phạm Tất Dong, ngoài các dòng họ khuyến học, trung tâm học tập cộng đồng như trước đây, cần có những khu công nghiệp học tập, khu chế xuất học tập để cập nhật công nghệ phục vụ chính công việc tại chỗ, phục vụ yêu cầu mới ở nhiều lĩnh vực nghề nghiệp. Ông Nguyễn Đắc Hưng, Vụ trưởng Vụ GDĐT - Dạy nghề (Ban Tuyên giáo Trung ương), cũng cho rằng, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp, chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, cần mạnh dạn thay đổi tư duy trong việc xây dựng XHHT. “Ở giai đoạn tới, chúng ta phải xóa mù chức năng chứ không phải xóa mù chữ. Và chỉ có sử dụng công nghệ mới đáp ứng được yêu cầu. Phải đổi mới tư duy, đổi mới cách làm trên cơ sở tận dụng tối đa nguồn lực số để xây dựng học liệu điện tử”, ông Hưng nói.

Bộ GD-ĐT đã tặng Bằng khen cho 71 tập thể và 92 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”. Trong đó, tỉnh BR-VT có 2 cá nhân: ông Bùi Xuân Vịnh, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh; ông Phạm Văn Nhâm, Chủ tịch Hội Khuyến học TX. Phú Mỹ và tập thể Phòng GD-ĐT huyện Côn Đảo được khen thưởng.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, xây dựng XHHT không chỉ là nhiệm vụ của ngành giáo dục, của tổ chức hay một số cá nhân mà là nhiệm vụ của toàn xã hội và của cả hệ thống chính trị. “Phát triển XHHT là phát triển một nguồn lực đặc biệt của quốc gia. Phát triển XHHT thực chất là thúc đẩy, khuyến khích, gia tăng các nhu cầu học tập và bằng mọi cách để thỏa mãn được các nhu cầu đó. Trong đó, mỗi người, mỗi đơn,vị, mỗi tổ chức được học tập mọi nơi, mọi lúc, mọi phương tiện, mọi nội dung, mọi nhu cầu”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh. Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tới là xác định rõ vai trò của các thành tố và các bên liên quan đến công cuộc phát triển XHHT. Thành tố quan trọng nhất là chính là bản thân mỗi người. Mỗi cá nhân phải nhận thức đầy đủ được nhu cầu học tập để tự phát triển bản thân, sự phát triển đó phải được ghi nhận, khích lệ trong quá trình học tập. Bên cạnh đó còn cần có sự vào cuộc của các DN để tạo động lực cho sự phát triển của XHHT. “Giai đoạn sắp tới, GD-ĐT sẽ ưu tiên làm tốt một số việc như xóa mù chữ, phát triển hệ thống đào tạo từ xa, tăng cường khuyến học, truyền thông, gia tăng nguồn tài nguyên số phục vụ cho học tập thường xuyên, đồng thời kiến nghị Quốc hội cho chủ trương xây dựng dự án Luật học tập suốt đời”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

HOÀNG DƯƠNG

;
.