.

Chung tay chăm lo cho trẻ em

Cập nhật: 17:23, 17/06/2021 (GMT+7)

Các vụ tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em xảy ra ngày càng nhiều đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho gia đình và xã hội về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh.

Trẻ em chơi thể thao tại Ngày hội gia đình năm 2020 do Sở VH-TT tổ chức.
Trẻ em chơi thể thao tại Ngày hội gia đình năm 2020 do Sở VH-TT tổ chức.

NHỮNG VỤ VIỆC ĐAU LÒNG

Ngày 29/5, chị Lê Kim O. (SN 1983, tạm trú tại phường Mỹ Xuân, TX. Phú Mỹ) rụng rời khi hay tin 2 con của chị là L.Đ.K. (SN 2005) và L.Đ.Kh. (SN 2012) chết đuối trong hồ nước tại mỏ đất sét Mỹ Xuân 2 (KP. Phú Thạnh, phường Mỹ Xuân). Trước đó, từ 10 giờ ngày 28/5, các cháu đã rời nhà, nhưng gia đình cứ nghĩ các cháu đến chơi nhà người thân nên không đi tìm.

Đó là một trong nhiều vụ tai nạn thương tích trẻ em đầy thương tâm trong thời gian gần đây. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn xảy ra nhiều vụ bạo lực, xâm hại tình dục, tai nạn thương tích khác mà nạn nhân là trẻ em.

Bà Đinh Thị Trúc My, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh cho biết, trên địa bàn tỉnh có hơn 258.300 trẻ em. Trong đó, hơn 2.700 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, trẻ bị bỏ rơi, trẻ khuyết tật, trẻ bị nhiễm HIV/AIDS…), hơn 6.700 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt (trẻ sống trong gia đình nghèo, cận nghèo, trẻ bỏ học, trẻ sống trong gia đình có vấn đề xã hội như cha mẹ ly hôn, thường xảy ra bạo lực gia đình...). Từ năm 2020 đến 31/5/2021, toàn tỉnh xảy ra 97 vụ xâm hại tình dục, bạo lực, bỏ rơi, chiếm đoạt trẻ em; hơn 4.700 trẻ em bị tai nạn thương tích, trong đó có 31 trẻ tử vong. Riêng 5 tháng đầu năm 2021, có 29 trẻ bị xâm hại, tăng 3 trẻ so với cùng kỳ năm 2020. 

BR-VT đã và đang thực hiện tốt nhiều chính sách chăm lo cho trẻ em. Hiện nay, mức trợ cấp xã hội cho trẻ em của tỉnh từ 480 ngàn đồng đến 1,28 triệu đồng, cao hơn 1,2 lần quy định của Chính phủ về mức chuẩn trợ cấp. Hệ số trợ cấp xã hội cho trẻ em thuộc hộ nghèo hàng tháng tại cộng đồng được cộng thêm hệ số 1 so với quy định chung. Công tác thăm hỏi, tặng quà, các mô hình về giáo dục, kỹ năng sống, dạy bơi miễn phí cho trẻ em cũng được các cấp, các ngành, đoàn thể, địa phương quan tâm thực hiện.

CẦN QUAN TÂM, CHĂM SÓC ĐẶC BIỆT

Thời gian qua, chính quyền các cấp đã triển khai nhiều giải pháp chăm sóc, bảo vệ trẻ em, nhưng tình trạng mất an toàn, xâm hại, tai nạn... ở trẻ em vẫn diễn ra. Phân tích nguyên nhân các vụ trẻ bị đuối nước, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Trưởng Phòng TBLĐXH TX. Phú Mỹ cho biết, trên địa bàn thị xã có nhiều ao, hồ. Trong đó, nhiều DN đào đất làm công trình khai thác mỏ đá, mỏ sét tạo thành những ao sâu nhưng không rào chắn, không san lấp trả lại mặt bằng như hiện trạng. Một số ao, hồ chỉ có biển cảnh báo nguy hiểm là chưa đủ vì nhiều biển cảnh báo bị mất, hư hỏng, trong khi trẻ em thì tò mò, không lường được sự nguy hiểm. “Tôi đề nghị cần xử phạt nặng những đơn vị khai thác mỏ đá, mỏ sét tạo thành ao mà không rào chắn, cảnh báo, nhất là để xảy ra tai nạn đuối nước”, ông Bình đề xuất.

Về vấn đề bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, bà Dương Thị Bích Liễu, Phó Trưởng Phòng LĐTBXH huyện Đất Đỏ cho rằng, nguyên nhân xuất phát chủ yếu từ môi trường sống, việc giáo dục, quản lý trẻ em chưa tốt ở nhiều gia đình. Điều này dẫn đến nhiều trẻ bị đối tượng xấu lợi dụng, dụ dỗ, lừa gạt để xâm hại tình dục. Đơn cử, năm 2020, trên địa bàn huyện Đất Đỏ xảy ra 5 vụ trẻ bị xâm hại tình dục. Các vụ việc này xảy ra trong các gia đình có cha mẹ ly hôn hoặc trẻ bị bỏ rơi, thiếu tình yêu thương, quan tâm, chăm sóc, quản lý của người thân. 

Còn ông Nguyễn Kế Toại, Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh cho rằng, sự phức tạp của mạng xã hội đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, tính cách của trẻ. Nhiều kênh giải trí cho trẻ trên facebook, youtube không lành mạnh, chứa nội dung bạo lực, khiêu dâm… khiến trẻ tò mò. Sau khi xem, trẻ có những chuyển biến tâm lý, hành động phức tạp mà phụ huynh không biết được. “Chúng ta cần đầu tư các sân chơi giải trí hấp dẫn, phù hợp để thu hút trẻ; xây dựng thêm nhiều hồ bơi để trẻ học bơi, góp phần phòng, chống tai nạn đuối nước”, ông Toại nói.

Tại cuộc họp với các sở, ban, ngành, địa phương về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh vào ngày 4/6, ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, trẻ em là tương lai của đất nước nên phải được quan tâm, chăm sóc đặc biệt. Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương cần phát huy tinh thần trách nhiệm, có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em; xây dựng kế hoạch, giải pháp, chỉ tiêu cụ thể về bảo vệ, chăm sóc trẻ em phù hợp với hoàn cảnh thực tế tại đơn vị, địa phương và nhu cầu của trẻ, đặc biệt là nhóm trẻ yếu thế. Các sở, ngành, địa phương cần đưa công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em vào nhiệm vụ công tác thường xuyên. Đồng thời, cần tạo những sân chơi văn hóa, thể thao lành mạnh để thu hút trẻ em; xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi xâm hại tình dục, bạo lực trẻ em để răn đe.

Bài, ảnh: THI PHONG

.
.
.