.

Thanh niên và những công trình làm sống dậy lịch sử

Cập nhật: 22:32, 31/05/2021 (GMT+7)

Những thông điệp ngắn gọn, dễ hiểu về lịch sử địa phương, về các danh nhân, anh hùng, liệt sĩ... được các tổ chức Đoàn thể hiện trên những công trình thanh niên (CTTN) có ý nghĩa tích cực trong tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ...

Người dân đọc thông tin trên bảng CTTN “Lịch sử Đảng bộ xã Phước Tỉnh” tại trụ sở ấp Phước Thái  (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền).
Người dân đọc thông tin trên bảng CTTN “Lịch sử Đảng bộ xã Phước Tỉnh” tại trụ sở ấp Phước Thái (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền).

Tại trụ sở các ấp ở xã Phước Tỉnh (huyện Long Điền), mỗi lần đến tham dự cuộc họp của ấp, bà con địa phương và ĐVTN đều chăm chú đọc bảng tóm tắt về quá trình hình thành và phát triển của Đảng bộ xã Phước Tỉnh được đặt trước lối ra vào.

Thông tin về “Lịch sử Đảng bộ xã” được chia thành 2 giai đoạn hình thành và phát triển, từ 1930-2010 và 2010-2020, với các nội dung: giới thiệu khái quát về vùng đất, con người; phong trào cách mạng của nhân dân xã Phước Tỉnh trong chiến tranh; quá trình xây dựng xã Phước Tỉnh từ sau ngày đất nước được hoàn toàn độc lập, đặc biệt là quá trình thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới. Đây là CTTN do Đoàn xã Phước Tỉnh thực hiện, được lãnh đạo địa phương và bà con nhân dân trên địa bàn đánh giá cao. Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Ban công tác mặt trận ấp Phước Thái (xã Phước Tỉnh) cho biết, từ ngày Đoàn xã tiến hành gắn bảng CTTN “Lịch sử Đảng bộ xã Phước Tỉnh” cho 9 ấp trên địa bàn xã, bà con đi làm về, hay đi bộ thể dục đều dừng lại đọc thông tin. Mỗi ngày đọc một ít, dần tạo thành thói quen, giúp bà con nhớ lâu hơn về quá trình hình thành và phát triển của Đảng bộ địa phương. Qua đó thấy tự hào và thêm yêu quê hương mình để ra sức thi đua xây dựng ngày càng giàu đẹp hơn.

Nói về công trình ý nghĩa này, anh Nguyễn Minh Quân, Bí thư Đoàn xã Phước Tỉnh chia sẻ, với mong muốn tuyên truyền cho đông đảo ĐVTN và bà con nhân dân về lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, truyền thống cách mạng của quê hương, quá trình hình thành lịch sử Đảng bộ địa phương, năm 2014 Đoàn xã đã tiến hành gắn các bảng tuyên tuyền tại những trục đường chính trên địa bàn xã. Tuy nhiên, nội dung còn đơn giản và những tấm bảng này đã hư hỏng theo thời gian. Tháng 3/2021, Đoàn Thanh niên xã đã tham mưu với Đảng ủy xã, tham khảo tài liệu từ quyển “Lịch sử Đảng bộ xã Phước Tỉnh”, tóm tắt các nội dung quan trọng, sau đó in vào bảng gắn tại trụ sở các ấp. Đến nay, Đoàn xã đã gắn được 9 bảng, đặt tại vị trí dễ thấy ở các trụ sở ấp trên địa bàn xã, với tổng chi phí thực hiện hơn 6 triệu đồng. Thời gian tới, Đoàn Thanh niên xã tiếp tục lắp đặt các CTTN tương tự ở khu vực trường học và những nơi đông dân cư với mục đích càng nhiều người hiểu rõ về quê hương Phước Tỉnh càng tốt.

Với Huyện Đoàn Châu Đức, việc tuyên truyền, giáo dục lịch sử được sáng tạo, gắn luôn trên các bảng tên đường. Tại thị trấn Ngãi Giao, dễ bắt gặp những bảng tên đường tại các ngã ba, ngã tư trong nội ô thị trấn được chú thích đầy đủ thông tin về các sự kiện lịch sử, tiểu sử của anh hùng dân tộc, danh nhân Đất Việt. Đơn cử như bảng tên đường Lê Hồng Phong được huyện Đoàn đặt chú thích: “Lê Hồng Phong (sinh 1902, mất 1942), ông là Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Đông Dương, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1935 đến 1936”; hay đường Hùng Vương: “Hùng Vương là cách gọi các vị vua nước Văn Lang của người Lạc Việt gồm 18 đời vua Hùng kéo dài 2.622 năm”…

Anh Lê Thiên Quang, Phó Bí thư Huyện Đoàn Châu Đức chia sẻ, huyện Châu Đức là địa bàn ghi nhiều mốc son qua 2 cuộc kháng chiến với các địa danh: Bình Giã, Tầm Bó, Sông Cầu, Bình Ba, địa đạo Kim Long... Việc làm mềm những kiến thức lịch sử thông qua phương pháp đặt tên trên các đường phố có chú thích ngắn gọn, rõ ràng, gắn với thực tế địa phương… sẽ giúp người dân, HS và giới trẻ nói chung tiếp nhận dễ dàng hơn. Đến nay, Huyện Đoàn đã vận động các DN và ĐVTN đóng góp gần 50 triệu đồng để làm 67 bảng chú thích sự kiện, nhân vật lịch sử, gắn trên các tuyến đường khu vực thị trấn Ngãi Giao. 

Để ghi chú tiểu sử các nhân vật lịch sử thông qua bảng tên đường một cách chính xác, Huyện Đoàn phối hợp với Phòng VH-TT, Công an huyện Châu Đức sưu tầm, trích yếu tiểu sử và thống nhất địa điểm lắp đặt bảng tên đường. Nội dung được tóm tắt trên bảng được giới hạn trong khoảng 30 từ nhằm giúp cho người dân dễ thuộc và dễ nhớ lâu hơn.

Theo anh Nguyễn Văn Tuân, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, việc lồng ghép tuyên truyền lịch sử thông qua các CTTN là cách làm hiệu quả, góp phần tuyên truyền, giáo dục lịch sử của quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ ngày nay. Ngoài thị trấn Ngãi Giao (huyện Châu Đức), xã Phước Tỉnh (huyện Long Điền), hiện một số địa phương khác như thị trấn Phước Hải và thị trấn Đất Đỏ (huyện Đất Đỏ) cũng đã lắp đặt bảng tên đường có chú thích tóm tắt thông tin về nhân vật, sự kiện. Qua đó, giúp mỗi người dân hay du khách khi đến với BR-VT tìm hiểu những thông tin bổ ích, hiểu thêm về lịch sử địa phương, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm với quê hương, đất nước của ĐVTN trong tỉnh.

Bài, ảnh: DIỄM QUỲNH

 
.
.
.