Bệnh lao là bệnh truyền nhiễm gây tử vong đứng hàng thứ 2 trong số các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp tại Việt Nam. Đây cũng là căn bệnh cướp đi sinh mạng của 1,5 triệu người trên thế giới mỗi năm. Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc phát hiện và điều trị lao gặp trở ngại khiến nguy cơ bệnh diễn tiến nặng và lây lan cộng đồng tăng lên.
Bác sĩ đang đánh giá một trường hợp lao phổi qua phim X-quang. |
Bệnh lao là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra. Lao có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan nhưng 85% các trường hợp mắc lao là lao phổi. Người bị lao thường có các dấu hiêu như ho kéo dài, ho ra máu, sốt, đổ mồ hôi đêm, ớn lạnh, mệt mỏi, chán ăn, sụt cân không rõ nguyên nhân. Bệnh lao có thể điều trị khỏi, tránh được di chứng, biến chứng nếu được điều trị sớm, điều trị đúng.
CƠ CHẾ LÂY CỦA LAO CAO HƠN COVID-19
Vi khuẩn lao lây qua đường không khí dưới dạng các hạt mịn li ti, kích thước từ dưới 5 micro mét, phát tán trong không khí khi người bệnh lao không được điều trị ho, hắt hơi, khạc nhổ, cười, hát. Trong khi đó, SARS-Cov 2 gây bệnh COVID-19 không đủ nhẹ để bay lơ lửng trong không khí mà cơ chế lây là lây qua giọt bắn. Vi khuẩn lao có khả năng đối phó, thích nghi với điều khắc nghiệt của môi trường trong thời gian dài. Cụ thể, trong môi trường ẩm, tối vi khuẩn lao có thể tồn tại hơn 3 tháng trong không khí mà vẫn giữ nguyên độc lực trong khi đó SARS-Cov 2 có thể tồn tại trong không khí khoảng 3 tiếng. Mặc dù không phải mọi trường hợp nhiễm vi khuẩn lao đều phát triển thành bệnh lao nhưng nếu người bệnh lao không được phát hiện và điều trị, bệnh sẽ phá hủy các cơ quan nơi có vi khuẩn lao phát triển.
TS.BS Đỗ Châu Giang, Tổng thư ký hội Lao - Bệnh phổi TP.HCM cho biết thêm: Khác với COVID-19, lao không được xếp vào nhóm có nguy cơ gây đại dịch toàn cầu vì chúng ta có phương tiện chẩn đoán, có phương pháp điều trị, có mạng lưới kiểm soát toàn cầu. Tuy nhiên, lao phổi có khả năng lây lan cao, để lại nhiều di chứng nặng nề, không thể hồi phục trên sức khỏe của người bệnh.
ẢNH HƯỞNG CỦA DỊCH COVID-19 ĐẾN VIỆC PHÁT HIỆN VÀ ĐIỀU TRỊ LAO
Đại dịch COVID-19 kéo dài hơn 1 năm qua đã cướp đi sinh mạng của gần 3,3 triệu người và gần 157 triệu người mắc tại 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. COVID-19 được xếp loại là bệnh lây nhóm A, nhóm đặc biệt nguy hiểm. Mức độ lây lan và tàn phá hệ hô hấp nhanh chóng và nặng nề của COVID-19 đã dẫn tới một thực tế là công tác phát hiện, theo dõi điều trị cho người bệnh lao giảm đi đáng kể do các vấn đề về cách ly, hạn chế đi lại, trong khi đó lao là bệnh lây nhóm B, nhóm nguy hiểm, đòi hỏi người bệnh phải kiên trì tuân thủ dùng thuốc.
Cụ thể 6 tháng đầu năm 2020, số liệu phát hiện của Chương trình chống lao quốc gia cho thấy có xu hướng giảm mạnh (11%) so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ lệ bỏ điều trị tiếp tục ở mức cao (15,3%) và luôn ở mức cao trong các năm gần đây. Ngoài ra, theo ước tính, khoảng 40% số người mắc lao trong cộng đồng không được phát hiện, điều trị. Đây là một điều đáng lo ngại vì Việt Nam hiện xếp thứ 11 trong số nước có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới, là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.
Xét nghiệm phát hiện lao tiềm ẩn
Lao tiềm ẩn không có triệu chứng, không lây nhưng người bị lao tiềm ẩn có nguy cơ phát triển thành bệnh lao hoạt động, đặc biệt khi người này có bệnh lý nền như đái tháo đường, HIV…
Công cụ chẩn đoán lao tiềm ẩn: TST (Mantoux), interferon (xét nghiệm phóng thích interferon-gamma hoặc IGRAs). Hiện nay các xét nghiệm phóng thích IGRA như xét nghiệm QuantiFERON đang được ưa tiên lựa chọn vì cho kết quả nhanh, tính chính xác cao và tránh được tỉ lệ dương tính giả khi thực hiện TST trên người đã có chủng ngừa vaccine lao (BCG).
Khi kết quả QuantiFERON dương tính nghĩa là trong máu có vi khuẩn lao. Lúc này cần xác định bệnh nhân nhiễm lao tiềm ẩn hay mắc bệnh lao (lao hoạt động). Ngoài lao phổi (cần chụp X-quang ngực thẳng để hỗ trợ chẩn đoán) còn phải xác định cả các lao ngoài phổi như lao mạch máu, lao màng não, lao niệu sinh dục… Bác sĩ chỉ định điều trị lao tiềm ẩn khi đã loại trừ lao hoạt động.
|
TĂNG CƯỜNG PHÁT HIỆN, ĐIỀU TRỊ SỚM
Một người mắc lao phổi không được phát hiện và điều trị kịp thời để cắt đứt nguồn lây có khả năng lây bệnh cho 20 người. Do đó, việc phát hiện sớm và tuân thủ điều trị lao là rất cần thiết. TS.BS Đỗ Châu Giang chia sẻ: Trước đây, nhiều trường hợp lao phổi có triệu chứng ho ra máu mới tới bệnh viện và được phát hiện, điều trị lao phổi. Hiện nay, điều đáng mừng là nhận thức của cộng đồng đã gia tăng, sự hoạt động hiệu quả của Chương trình chống lao quốc gia đã giúp phát hiện sớm và điều trị nhiều trường hợp bệnh. Người bệnh lao càng phát hiện trễ thì vi khuẩn lao phát tán ra cộng đồng càng nhiều, số người nhiễm vi khuẩn lao càng nhiều, gia tăng nguy cơ mắc lao trong cộng đồng. Để tiếp cận mục tiêu phòng chống lao cần phải: Kiểm soát nguồn lây bằng cách phát hiện và điều trị sớm, điều trị đúng cho người bệnh lao; khống chế người đã nhiễm lao (bị lao tiềm ẩn) để người này không phát triển thành bệnh lao (lao hoạt động).
Vấn đề lớn trong điều trị lao là thuốc lao có nhiều tác dụng phụ, đòi hỏi điều trị dài ngày, đặc biệt là các trường hợp lao kháng thuốc, lao đa kháng thuốc. Điều này ảnh hưởng đến việc tuân thủ điều trị của người bệnh. Người bệnh có thể ngưng uống thuốc do quên, uống không đều, bỏ điều trị dẫn tới tăng nguy cơ lao kháng thuốc. Các bác sĩ khuyến cáo người bệnh cần kiên trì tuân thủ điều trị đúng, đủ, đều theo hướng dẫn của bác sĩ. Người bệnh không nên lo lắng khi thấy xuất hiện các tác dụng phụ nhẹ, thoáng qua như ngứa, nổi mẩn ngoài. Nếu có xuất hiện triệu chứng vàng da hoặc nặng hơn như vàng da, nôn ói, xuất huyết trong thời gian dùng thuốc thì cần liên lạc ngay với bác sĩ để được hỗ trợ dung nạp phác đồ điều trị tốt hơn, tránh bỏ điều trị giữa chừng.
TRẦN NHUNG