KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2021

Các địa phương chủ động xây dựng kịch bản phù hợp

Thứ Năm, 27/05/2021, 21:18 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 27/5, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã chủ trì cuộc họp trực tuyến về công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 với 63 tỉnh, thành phố trên cả nước để bàn về công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

Điểm cầu tỉnh BR-VT do ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.
Điểm cầu tỉnh BR-VT do ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.

XÂY DỰNG PHƯƠNG ÁN TỔ CHỨC THI CHO TS CÓ “F”

Tại cuộc họp trưc tuyến, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, năm 2021, tổng số TS đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT là 1.021.345 TS, tăng 120.000 so với năm ngoái. Tính đến chiều ngày 26/5, cả nước có 18 HS lớp 12 mắc COVID-19 (F0), 394 HS lớp 12 thuộc diện F1, chủ yếu ở các tỉnh: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Điện Biên. “Hy vọng từ nay đến thời điểm thi, dịch bệnh được khống chế và số lượng này sẽ giảm”, ông Trinh nói.

Cũng theo ông Trinh, ngành GD-ĐT và các địa phương đã có kinh nghiệm tổ chức kỳ thi năm 2020 trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, đặc biệt là việc tổ chức kỳ thi đợt 2 ở Đà Nẵng và các tỉnh có một số TS “có F” không thể dự thi đợt 1. Năm nay, Bộ GD-ĐT đã tính toán, xây dựng các kịch bản để ứng phó với các tình huống khác nhau của dịch bệnh. Tuy nhiên, các địa phương cũng phải có kịch bản cụ thể sát với tình hình thực tế của địa phương mình. Trước khi kỳ thi diễn ra, BCĐ kỳ thi cấp tỉnh cần rà soát, phân loại HS “có F” để có phương án bảo đảm quyền lợi tối đa cho các em. Đại diện Bộ GD-ĐT cho hay, TS thuộc diện F0 được xét công nhận tốt nghiệp theo quy định của Quy chế thi. Riêng TS thuộc diện F1, các tỉnh chủ động dự kiến tổ chức 1 điểm thi riêng, có thể đặt ngoài hoặc trong khu cách ly. Còn TS thuộc diện F2 thì bố trí thi ở phòng thi riêng hoặc điểm thi riêng. “Tất cả các điểm thi dù có TS “có F” hay không đều phải thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 như phun khử trùng khử khuẩn sau mỗi buổi thi, thực hiện tốt 5K, có giải pháp điều phối tránh tụ tập đông người; bảo đảm giãn cách tối đa trong phòng thi, đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn… Mỗi điểm thi đều phải có bộ phận y tế túc trực, trang bị đầy đủ vật tư y tế để phòng dịch”, ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh.

TS dự thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tại điểm thi Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (TP.Vũng Tàu) rửa tay sát khuẩn trước khi vào phòng thi.
TS dự thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tại điểm thi Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (TP.Vũng Tàu) rửa tay sát khuẩn trước khi vào phòng thi.

XÂY DỰNG QUY TRÌNH PHÒNG DỊCH CHẶT CHẼ

Còn theo đại diện Cục Quản lý môi trường Y tế (Bộ Y tế), Bộ Y tế đã chỉ đạo các Sở Y tế phối hợp chặt chẽ với ngành GD-ĐT địa phương trong công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT. Các Sở Y tế sẽ bố trí nhân lực, trang thiết bị, các kíp trực tại tất cả các điểm thi để xử lý các trường hợp có dấu hiệu ho, sốt, khó thở hoặc có vấn đề về sức khỏe.

Đại diện Bộ Y tế lưu ý, về việc tổ chức thi cho các TS thuộc diện F1, tốt nhất nên tổ chức trong khu cách ly để hạn chế lây nhiễm chéo. Tuy nhiên, nếu bắt buộc phải tổ chức ngoài khu vực cách ly, phải bố trí xe đưa đón riêng, tuyệt đối không dùng phương tiện giao thông công cộng. Bên cạnh đó, cần chú ý giãn cách trong quá trình đưa đón TS, mở cửa sổ xe, lái xe và cán bộ tham gia phải mặc trang phục bảo hộ và thải bỏ đúng quy định sau khi làm nhiệm vụ. Nếu TS F1 đang âm tính thì cán bộ coi thi cho nhóm TS này không phải cách ly y tế sau khi làm nhiệm vụ. Còn TS thuộc diện F2 khi thi tại phòng riêng thì phòng thi phải thông thoáng, có cửa ra vào riêng, trang bị dung dịch sát khuẩn tay, bố trí giãn cách phù hợp tùy theo diện tích phòng. Trong công tác chấm thi, bài thi của TS F1, F2 được chấm riêng. Khu vực rọc phách, túi, thùng đựng bài thi được phun khử khuẩn nhưng không khử khuẩn bài thi. Nhân sự làm công tác rọc phách, chấm thi phải mặc trang phục bảo hộ.

Ngoài ra, TS và cán bộ không thuộc nhóm đối tượng “có F” trước khi tới điểm thi cũng phải tự theo dõi sức khỏe. Nếu có dấu hiệu nghi ngời phải báo cho lãnh đạo điểm thi, Ban chỉ đạo kỳ thi để có phương án phù hợp như thay thế nhân sự, cho TS thi tại phòng thi dự phòng.

Để bảo đảm kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyễn Đức Cường cho biết, Bộ sẽ thành lập 10 đoàn kiểm tra tại 20 Sở GD-ĐT, riêng BCĐ cấp Quốc gia thành lập 5 đoàn kiểm tra tại các địa phương trong suốt quá trình chuẩn bị và tổ chức thi. Cùng với đó, Bộ thành lập 63 đoàn kiểm tra tại tất cả các Sở GD-ĐT để kiểm tra công tác coi thi, chấm thi và kiểm tra lưu động công tác chấm phúc khảo tại một số Sở GD-ĐT.

KHUYẾN KHÍCH TIÊM VẮC XIN COVID-19 CHO TS

TS dự thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tại điểm thi THPT Vũng Tàu phải tuân thủ các quy định phòng chống dịch bệnh COVID-19.
TS dự thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tại điểm thi THPT Vũng Tàu phải tuân thủ các quy định phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao công tác chuẩn bị của các địa phương. Thứ trưởng nhấn mạnh, đề thi năm nay sẽ ra ở mức độ phù hợp, giảm mức đòi hỏi về trình độ so với đề thi tham khảo mà Bộ đã công bố. Đồng thời, Bộ đã có phương án bảo đảm độ cân bằng về đề thi của các đợt thi. Bộ sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn về việc tổ chức thi đối với các trường hợp TS thuộc diện F0, F1, F2. Kỳ thi được thống nhất tổ chức vào ngày 7 và 8/7/2021 theo kế hoạch. Trong trường hợp tình hình dịch bệnh diễn biến quá phức tạp, các địa phương đề xuất các phương án tổ chức kỳ thi để Bộ đưa ra quyết định. Thứ trưởng khuyến khích các địa phương tiêm vắc xin cho TS dự thi, cho cán bộ, giáo viên tham gia tổ chức kỳ thi, nhất là tại cac khu vực có dịch. Ngoài ra, các địa phương tùy theo điều kiện có thể xét nghiệm cho 100% TS trước ngày thi để sàng lọc trường hợp có liên quan tới dịch COVID-19. Các địa phương cần chuẩn bị tốt nhất mọi điều kiện, phương án để kỳ thi diễn ra an toàn, đúng quy chế. Các địa phương cần chú trọng chọn đúng người, giao đúng việc, tổ chức tập huấn một cách nghiêm túc cho đội ngũ làm công tác thi…

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: “ Kỳ thi năm nay cơ bản tiếp nối những kết quả, phương thức đã triển khai năm 2020, trên cơ sở vừa bảo đảm chất lượng chuyên môn, vừa phù hợp tình hình phòng chống dịch bệnh tại các địa phương. Ngành GD-ĐT và các địa phương không vì tập trung chuyên môn mà lơ là phòng chống dịch và ngược lại. Tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với các ngành chức năng để ban hành các hướng dẫn cụ thể trong việc tổ chức kỳ thi trong bối cảnh có dịch”.

Toàn tỉnh dự kiến có 13.200 TS dự thi

Theo bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT, đến nay địa phương đã hoàn thành công tác kiểm tra học kỳ 2, tiếp tục tổ chức ôn tập trực tuyến cho HS lớp 12. Để chuẩn bị cho kỳ thi, Sở GD-ĐT đã huy động gần 100 máy đo thân nhiệt, 58 nhân viên y tế hỗ trợ tại các điểm thi. Ngành cũng đã rà soát, kiểm tra cơ sở vật chất tại 22 điểm thi trong toàn tỉnh; bổ sung trang thiết bị phục vụ in sao đề thi và giám sát tại điểm thi. Bên cạnh đó, Sở cũng phối hợp với các địa phương bố trí nhân sự làm công tác thi, dự kiến nhân dự cho các vị trí trí quan trọng. Đặc biệt, các phương án phòng chống dịch cũng đã được ngành thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Kỳ thi năm nay, toàn tỉnh có gần 13.200 TS đăng ký dự thi, tăng 1.700 TS so với năm 2021. Trong đó, TS dự thi để xét tốt nghiệp THPT và xét ĐH là hơn 10.200 TS; TS dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT là hơn 2.600 TS; TS dự thi chỉ để xét ĐH-CĐ là hơn 300 TS; Số TS miễn thi Ngoại ngữ trong xét tốt nghiệp THPT là hơn 900 em, tăng gần 400 em so với năm 2020.

Bài, ảnh: KHÁNH CHI

;
.