.

Chống dịch thì phải ngồi nhà, nhớ chưa?

Cập nhật: 21:43, 28/05/2021 (GMT+7)

Tâm lý của con người ta là khoái đi. Trong một ngày, dù muốn dù không cũng phải bước chân ra khỏi nhà. Đôi khi chỉ vì mưa, đã cảm thấy “Trong lòng phố mưa đêm trói chân”. Phải ngồi yên một chỗ, dù chỉ trong chốc lát, đã lấy làm khó chịu, bức bối lắm rồi, chứ huống gì những ngày này mọi người cùng nhau nhắc nhở: “Chống giặc thì phải xông pha/ Chống dịch thì phải ngồi nhà, nhớ chưa?”. Tất nhiên là nhớ.

Minh họa: MINH SƠN
Minh họa: MINH SƠN

Còn nếu Corona liều lĩnh mò đến nhà thì sao? Lại có bài vè hiện đại: “Đừng cà khịa tao/ Tao chẳng cần dao/ Chẳng cần súng đạn/ Tao uống rượu mạnh/ Cho mày chết say/ Tao năng rửa tay/ Cho mày chết sặc/ Coi mày như giặc/ Tao chống đến cùng/ Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào/ Đang ở chỗ nào thì ở yên chỗ đấy”. Biết là thế. Nhớ là thế. Nhưng rồi chân tay ngứa ngáy lắm cơ.

Ai đó đã nói rằng, hễ gặp một tình huống không ưng ý, đối phó lại bằng cách tốt nhất vẫn là tiếp nhận nó bằng thái độ lạc quan, cảm nhận qua góc nhìn tích cực. Có như thế mới… dễ thở.

Rằng, do ở nhà, không phải phân tâm vì bất cứ lý do gì phải bước chân ra khỏi cửa nhà, bấy giờ người ra sẽ làm gì để “giết” thời gian một cách hợp lý? Có lẽ hầu hết trong thời điểm này mới chính thức quan tâm đến… cái nhà của mình. Mọi ngày đi làm, mở mắt ra là phải chỉnh tề quần áo, xách xe ra khỏi nhà, phóng vù vù để sở làm, đôi khi do thức dậy muộn, còn không kịp ăn sáng, con người ta cứ thế mà chạy đua với nhịp kim đồng hồ. Cái nhà chỉ là nơi quay về ngủ. Ngủ dậy là đi. Do đó, ngươi ta ít có thời gian “chăm sóc” đến nó.

Kìa, cái cổng đã hoen rỉ, tróc sơn rồi kìa. Chi bằng, mua sơn về, tự tay mình “trang điểm” lại cho nó, tùy thích. Cần gì phải gọi thợ, tốn tiền không đáng, trong khi đó, ngoài mình còn có cả một “lực lượng” hùng hậu là vợ và con nữa. Lâu lắm cả nhà mới có dịp làm chung việc nhà với nhau, mà đâu chỉ là sơn với phết, đó còn là lúc cả nhà trò chuyện rôm rã cùng nhau. Có những câu chuyện ít khi trao đổi vì chẳng ai có thời gian rộng rãi dành cho nhau. Nay đã khác, tha hồ tâm sự tíu tít.

Kìa, bé nhóc lớn rồi, thế thì lâu nay nó học hành thế nào nhỉ? Những  ngày này, các bậc phụ huynh mới quan tâm đến con nhiều hơn. Biết bao câu chuyện giữa cha mẹ và con cái mới thật sự tâm tình cởi mở. Lâu nay, con học thế nào? Con thích môn gì nhất? Cô giáo dạy con, con thích cô nào? v.v… Cứ như “đôi bạn” thân thiết đang hú hí, tỉ tê cùng nhau. Thân mật lắm.

Và, còn biết bao chuyện đã diễn ra trong những ngày này.

Đành rằng, tâm lý con người ta thích đi nhưng bên cạnh đó, họ còn có nhu cầu là được nói. Dịp này, do cùng ở nhà nên mọi người tha hồ nói cùng nhau. Nói và nghe cũng là một cách cách gắn kết sâu đậm hơn. Vậy mà, lâu nay mình lại ít để ý đến. Đơn giản chỉ vì lúc đi làm việc về, đã mệt phờ râu, cần nghỉ ngơi nên câu chuyện trao đổi vẫn là những gì thiết yếu nhất, cứ khó có thể “cà kê dê ngỗng”, “chuyện nọ xọ chuyện kia” cho vui cửa vui nhà, phá lên cười như thời… mới cưa cẩm, tán tỉnh nhau.

Đành ra, không ai có thể ở nhà, đơn giản vì trong nhà không có thể hái ra tiền, phải ra ngoài tất bật kiếm sống thế nhưng rồi ở nhà, ơ hay, lại lý thú ghê. Lý thú ở chỗ do thu nhập không còn “dạt dào” như trước, mỗi người bỗng dưng ý thức phải tằn tiện hơn. Tiết kiệm lại. Trong cái khó ló cái khôn, tức là lúc họ tận dụng, tổ chức lại vấn đề chi xài ngay trong ngôi nhà mình. Nào phải đâu xa, có thể “cải tạo” mảnh đất trống bấy lâu không thèm đếm xỉa tới hoặc những chậu xô nọ kia đang vứt lăn lóc được “xử lý” để trồng rau chẳng hạn. Hễ có thể là họ làm ngay vì tâm lý “bớt đồng nào hay đồng đó” mà vẫn sống ngon lành cành đào, chứ nào thua kém ai.

Có thể nói, cây mỗi hoa nhà mỗi cảnh, vậy nên, trong thời gian giãn cách vì Corona với mục tiêu đem lại sự an toàn cho cộng đồng, ai cũng có cách thích ứng một cách hài lòng miễn là biết nhìn sự việc theo chiều hướng tích cực.

LÊ MINH QUỐC

.
.
.