Chạy nước rút ôn thi vào lớp 10

Thứ Tư, 26/05/2021, 18:31 [GMT+7]
In bài này
.

Khoảng 1 tuần nữa, gần 14 ngàn HS toàn tỉnh sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2021-2022. Để chuẩn bị tốt nhất cho “chặng nước rút” này, các nhà trường, HS đang khẩn trương ôn tập. Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc ôn tập được triển khai dưới hình thức trực tuyến, nhưng vẫn phải bảo đảm về nội dung chương trình, chất lượng dạy và học.  

Cô Mai Thị Ánh Ngọc, GV bộ môn Ngữ văn, Trường THCS Duy Tân (TP. Vũng Tàu) ôn tập trực tuyến cho HS lớp 9 để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10.
Cô Mai Thị Ánh Ngọc, GV bộ môn Ngữ văn, Trường THCS Duy Tân (TP. Vũng Tàu) ôn tập trực tuyến cho HS lớp 9 để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10.

DẠY HỌC, ÔN TẬP TRỰC TUYẾN

Thời điểm này, các trường THCS vẫn tiếp tục cho HS học trực tuyến để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Ông Vũ Đạt Tôn, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (TP. Bà Rịa) cho biết, từ ngày 17/5 đến nay, nhà trường đã triển khai dạy học trực tuyến cho HS khối 9 vừa để hoàn thành chương trình, vừa ôn tập 3 môn thi tuyển sinh lớp 10. Đến ngày 22/5, HS khối 9 đã hoàn thành chương trình chính khóa. GV 3 bộ môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh tiếp tục ôn tập cho HS với thời lượng 3 tiết/tuần vào các buổi chiều thứ 2, 4, 6. Ngoài ra, GV có thể chủ động tăng thời lượng ôn tập cho HS, giúp các em có sự chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi sắp tới. Ông Vũ Đạt Tôn cho biết thêm, từ ngày 5/4, GV bộ môn đã hệ thống hóa kiến thức cho HS nên nội dung ôn tập trong giai đoạn “nước rút” này chủ yếu là giới thiệu ma trận đề, ôn lại những kiến thức trọng tâm và luyện giải đề.

Tại Trường THCS Duy Tân (TP. Vũng Tàu), nhà trường cũng khẩn trương dạy học trực tuyến trên ứng dụng Google Meet nhằm trang bị cho HS những kiến thức, kỹ năng cần thiết để bước vào “cuộc đua” tuyển sinh lớp 10. Ông Đào Vĩnh Bộ, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Duy Tân cho hay, trường đã hoàn thành chương trình chính khóa để tập trung ôn tập cho HS khối 9. Nhà trường đã tăng tổng thời lượng ôn tập 3 môn thi từ 12 tiết/tuần lên 20 tiết/tuần. Trong đó, môn Toán dạy 7 tiết, môn Ngữ văn 8 tiết và môn tiếng Anh 5 tiết. Do giảng dạy trực tuyến nên GV soạn giảng bằng giáo án điện tử, nội dung súc tích, cô đọng để HS dễ tiếp thu, đồng thời cho các em luyện giải đề các môn thi. “Năm nay, HS phải ôn thi bằng hình thức trực tuyến nên tính tự giác trong học tập của các em có vai trò quan trọng. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần sâu sát hơn với việc học của con em mình, thường xuyên liên hệ với GV bộ môn để nắm bắt tình hình học tập của các em”, ông Bộ lưu ý.

MÔN TIẾNG ANH: KIẾN THỨC TRỌNG TÂM HỌC KỲ 2

Cô Phạm Thị Ngọc Loan, GV bộ môn tiếng Anh, Trường THCS Nguyễn Du cho biết, trong mỗi buổi học, cô chú trọng ôn kiến thức trọng tâm rồi cho HS luyện đề và sửa bài cho các em. Trong quá trình sửa bài, GV sẽ lưu ý những kiến thức các em dễ quên, hay sai sót. Ngoài ra, cô Loan cũng cung cấp thêm một số website học tiếng Anh uy tín như tienganh123.com. tienganhdoc.com… để các em tranh thủ luyện tập thêm. Theo cô Loan, đối với môn tiếng Anh, kiến thức trọng tâm chủ yếu nằm ở học kỳ 2 với các dạng bài về đại từ quan hệ, câu điều kiện, câu tường thuật… Ngoài ra, cũng có một phần kiến thức trọng tâm của học kỳ 1 như câu bị động, câu ước, liên từ, cách dùng cụm từ… Khi làm bài thi, HS nên đọc hết toàn bộ đề một lượt, nhận dạng đề, phần nào vừa sức thì ưu tiên làm trước. Thông thường, yêu cầu viết đoạn văn là phần khó nhất, HS nên làm cuối cùng, sau khi đã chắc chắn không sai sót ở những bài trên. Ở bài viết đoạn văn theo chủ đề, các em nên lưu ý một số chủ đề như môi trường, tiết kiệm năng lượng, tình yêu thương gia đình…

Bên cạnh đó, GV cũng chỉ “mẹo” cho HS tiết kiệm thời gian trong quá trình làm bài thi. Ví dụ, với bài đọc hiểu, các em nên đọc lướt đoạn văn một lượt để nắm nội dung, ý chính của đoạn văn. Với yêu cầu điền từ vào chỗ trống thì nên chú ý tới từ loại, ngữ pháp phía trước và sau chỗ trống, để tìm được từ phù hợp còn thiếu. Với yêu cầu chọn câu trả lời đúng cho các câu hỏi, trên cơ sở hiểu ý của đoạn văn, cần “khoanh vùng” các đoạn chứa ý đang hỏi để tập trung tìm ra đáp án. Với bài đọc hiểu, HS cần có vốn từ vựng về từ đồng nghĩa với từ trong nội dung bài đọc đề ra. Do đó, trong quá trình ôn tập, cô thường xuyên cung cấp cho các em những cặp từ đồng nghĩa để vận dụng khi làm bài.

MÔN NGỮ VĂN: NẮM VỮNG KIẾN THỨC

Cô Mai Thị Ánh Ngọc, GV bộ môn Ngữ văn, Trường THCS Duy Tân cho hay, giai đoạn này, sau khi ôn hết các chuyên đề thơ hiện đại và truyện ngắn hiện đại, cô đang tập trung cho HS luyện đề. Sau khi làm xong, các em chụp hình hoặc gửi email để cô sửa bài, góp ý để HS rút kinh nghiệm. Đề thi gồm 2 phần chính là đọc hiểu và tập làm văn (gồm nghị luận xã hội và nghị luận văn học). Phần đọc hiểu, HS cần đọc kỹ đề, trả lời thẳng vào yêu cầu đề đưa ra. Đồng thời, để làm tốt phần này, các em cần nắm chắc kiến thức tiếng Việt như các biện pháp tu từ, các thành phần biệt lập, các phép liên kết câu…

Ở câu nghị luận xã hội, HS phải phân biệt được 2 dạng bài nghị luận sự việc, hiện tượng đời sống với nghị luận các vấn đề tư tưởng, đạo lý và nắm bắt thêm thông tin thời sự và các vấn đề “nóng” như hút thuốc lá điện tử, bạo lực học đường, sử dụng điện thoại… Đặc biệt, các em cần nắm chắc cấu trúc viết một đoạn văn trên 1 trang giấy thi theo yêu cầu đề. Với dạng đề nghị luận về sự việc, hiện tượng đời sống, cần dẫn dắt vấn đề, nêu thực trạng, biểu hiện vấn đề, nguyên nhân, đánh giá kết quả hoặc hậu quả, giải pháp. Còn với dạng đề nghị luận vấn đề tư tưởng, đạo lý, các em cần dẫn dắt vấn đề một cách ngắn gọn, nêu biểu hiện, bàn luận về vấn đề, khẳng định lại vấn đề và liên hệ bản thân. Còn bài nghị luận văn học, HS cần nắm được cách làm bài văn nêu cảm nhận về một đoạn thơ, bài thơ, nhân vật cũng như nội dung, nghệ thuật chính của tác phẩm. HS khá giỏi có thể mở rộng bằng cách liên hệ với tác phẩm khác có cùng nội dung, tư tưởng.

Cô Bùi Thị Thoa, GV Ngữ văn, Trường THCS Thắng Nhất (TP. Vũng Tàu) chia sẻ, khi làm bài, HS cần đọc kỹ đề và lập dàn ý với các luận điểm, dẫn chứng cơ bản để không bỏ sót ý. Bài viết phải trình bày rõ ràng, mạch lạc trên cơ sở tách đoạn, tách ý, mỗi luận điểm phát triển thành một ý. Theo cô Thoa, HS có lực học trung bình trở xuống trong quá trình ôn tập, làm bài thi nên ưu tiên nắm vững kiến thức cơ bản để bảo đảm đủ ý. Còn với HS khá, giỏi, ngoài kiến thức cơ bản, cần rèn luyện thêm kỹ năng khái quát, phát triển ý, liên tưởng, nêu quan điểm riêng của mình về vấn đề đề bài đặt ra.

MÔN TOÁN: CHÚ TRỌNG KỸ NĂNG LÀM BÀI, TÍNH TOÁN, VẼ HÌNH

Thầy Trần Đình Bảo, GV bộ môn Toán, Trường THCS Nguyễn Du cho rằng, trong giai đoạn nước rút, GV nhắc lại ma trận đề và cho các em luyện giải đề theo ma trận đề mà Sở GD-ĐT đã công bố. “Khi làm bài, các em cần đọc kỹ đề để phân đề bài ra làm 3 loại: bài dễ, làm được ngay; bài đã có hướng làm; bài chưa có hướng làm để phân bổ thời gian làm theo thứ tự. Những bài trong khả năng, các em cần làm chắc chắn, cẩn thận để có thể đạt điểm tối đa ở những bài này. Các em chỉ nên ôn tập đến hết tháng 5, dành ra một vài ngày để nghỉ ngơi, giữ tinh thần thoải mái trước khi bước vào kỳ thi”, thầy Bảo nói.

Đồng quan điểm với thầy Bảo, cô Lê Thị Phương, GV bộ môn Toán, Trường THCS Duy Tân cho biết thêm, trong quá trình làm bài môn Toán, HS cần đặc biệt chú ý trình bày rõ ràng, mạch lạc, luyện kỹ năng vẽ hình, tính toán cho chính xác để không mất điểm vì những sơ suất nhỏ.

Bài, ảnh: KHÁNH CHI

;
.