CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG, HƯỚNG ĐẾN KỶ NIỆM 30 NĂM THÀNH LẬP TỈNH

Trái ngọt từ công tác giảm nghèo

Thứ Bảy, 22/05/2021, 21:06 [GMT+7]
In bài này
.

Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã đạt nhiều thành tựu trong công tác giảm nghèo và được Bộ LĐTBXH ghi nhận, đánh giá cao. Việc thực hiện Nghị quyết 47/2016/NQ-HĐND về Đề án giảm nghèo bền vững và phong trào thi đua “Bà Rịa-Vũng Tàu chung tay vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016-2020 đã giúp hàng ngàn hộ nghèo được tiếp cận dịch vụ xã hội, y tế... vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Tại lễ bàn giao nhà đại đoàn kết do UBMTTQVN TP. Bà Rịa tổ chức, đại diện nhà tài trợ tặng quà cho gia đình bà Trần Thị Liên, một hộ nghèo ở xã Long Phước.
Tại lễ bàn giao nhà đại đoàn kết do UBMTTQVN TP. Bà Rịa tổ chức, đại diện nhà tài trợ tặng quà cho gia đình bà Trần Thị Liên, một hộ nghèo ở xã Long Phước.

CHÍNH SÁCH ĐÚNG, KỊP THỜI

5 năm trước, gia đình ông Bùi Văn Tâm (tổ 10, KP. Kim Sơn, phường Kim Dinh, TP. Bà Rịa) là hộ nghèo. Với khoản thu nhập hơn 4 triệu đồng/tháng từ công việc làm thuê của vợ chồng ông, đời sống gia đình gặp khó khăn đủ bề. Năm 2017, vợ chồng ông được vay 30 triệu đồng từ chương trình vay vốn ưu đãi dành cho hộ nghèo. Gia đình ông đã mướn đất trồng rau, phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, vợ chồng ông được tham gia các khóa hướng dẫn kỹ thuật trồng rau an toàn. Khi vườn rau ổn định, ông lại được hỗ trợ vay thêm 50 triệu đồng để mở rộng diện tích.

Năm 2020, gia đình ông Tâm còn được hỗ trợ xây nhà theo Nghị quyết 45 của HĐND tỉnh. Căn nhà có tổng giá trị xây dựng 180 triệu đồng, trong đó, nhà nước hỗ trợ 45 triệu đồng, Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay ưu đãi 25 triệu đồng. Khu phố hỗ trợ cát, đá, còn người thân giúp đỡ ngày công xây dựng. Sự tiếp sức của nhà nước và cộng đồng đã giúp vợ chồng ông Tâm có thêm động lực vươn lên và thành công với mô hình trồng rau sạch. Hiện nay, mỗi tháng vườn rau mang về thu nhập hơn 20 triệu đồng cho gia đình ông và gia đình ông đã trở thành hộ thoát nghèo điển hình của TP. Bà Rịa.

Ông Trần Vinh Quang, Chủ tịch UBND TP. Bà Rịa cho biết, đầu giai đoạn 2016-2020, toàn thành phố có 2.386 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 9,43% so với tổng số hộ dân trên địa bàn). Đến cuối năm 2020, thành phố chỉ còn 50 hộ nghèo (0,19%). Đây đều là những hộ thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, không có khả năng thoát nghèo. TP. Bà Rịa không còn hộ nghèo chuẩn quốc gia và hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo trước 1 năm so với lộ trình của giai đoạn 2016-2020.

TP. Vũng Tàu đã triển khai kịp thời nhiều chính sách giảm nghèo, hỗ trợ vốn phát triển kinh tế cải thiện cuộc sống cho người dân. Nổi bật là các chính sách về vốn vay, nhà ở, y tế... Ngoài chính sách chung, TP. Vũng Tàu còn có nhiều cách làm sáng tạo trong giảm nghèo để xây dựng các mô hình hỗ trợ giảm nghèo, tạo đòn bẩy cho hộ nghèo vươn lên. Việc triển khai các chương trình giảm nghèo đúng, đủ, kịp thời đã tác động lớn đến đời sống người dân, nhất là các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn. Đối với số hộ nghèo còn lại, thành phố cũng đã xây dựng lộ trình, có giải pháp để hỗ trợ họ thoát nghèo bền vững.
(Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu)

 

Để đạt kết quả đó, TP. Bà Rịa đã triển khai đồng bộ, hợp lý nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo. Vốn vay được giải quyết kịp thời cho hộ nghèo đầu tư và phát triển sản xuất, góp phần tăng thu nhập và cải thiện đời sống. Thành phố cũng chú trọng cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch vệ sinh môi trường… “Thành quả giảm nghèo đó là nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị và nhân dân địa phương. TP. Bà Rịa phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới của tỉnh giảm còn 0,4%; cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia”, ông Trần Vinh Quang nhấn mạnh.

Các địa phương khác như: Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc... cũng đã có nhiều cách làm sáng tạo trong công tác giảm nghèo và đã đạt thành quả ấn tượng. Đầu giai đoạn 2016-2020, huyện Long Điền có 3.343 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 10,65% so với tổng số hộ dân), đến nay, chỉ còn 470 hộ (1,5%). TP. Vũng Tàu đầu năm 2016, có gần 3.250 hộ nghèo, đến nay chỉ còn 188 hộ (0,24%)...

Vợ chồng ông Võ Văn Đời - Lê Thị Hạnh (42 tuổi), ở thôn Xuân Thọ, xã Xuân Sơn, huyện Châu Đức vươn lên thoát nghèo nhờ các chính sách hỗ trợ của nhà nước.
Vợ chồng ông Võ Văn Đời - Lê Thị Hạnh (42 tuổi), ở thôn Xuân Thọ, xã Xuân Sơn, huyện Châu Đức vươn lên thoát nghèo nhờ các chính sách hỗ trợ của nhà nước.

VÌ MỤC TIÊU GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Trong những năm qua, chủ trương giảm nghèo bền vững luôn được chính quyền các cấp quan tâm thực hiện và đã đạt nhiều thành tựu quan trọng. Trong đó, việc thực hiện Nghị quyết 47/2016/NQ-HĐND về Đề án giảm nghèo bền vững và phong trào thi đua “BR-VT chung tay vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016-2020 đã có tác động rất lớn.

Theo báo cáo của Sở LĐTBXH, trong giai đoạn 2016-2020, chuẩn nghèo của tỉnh về tiêu chí thu nhập cao hơn 1,7 lần, chuẩn trợ cấp xã hội cao hơn 1,2 lần mức chuẩn do Chính phủ quy định. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo bằng nhiều giải pháp thiết thực, phù hợp điều kiện thực tế. Theo đó, nguồn vốn thực hiện các chính sách giảm nghèo (tín dụng ưu đãi, hỗ trợ y tế, giáo dục, trợ cấp tiền điện, thực hiện các dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo...) được ưu tiên bố trí đầy đủ, kịp thời. Chương trình giảm nghèo đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở và toàn xã hội, tạo nguồn lực thực hiện có hiệu quả chính sách giảm nghèo. Việc triển khai đồng bộ các chủ trương, chính sách giảm nghèo đã giải quyết phần nào khó khăn cho người nghèo. Nguồn vốn vay được giải quyết kịp thời, đúng mục đích đã tạo điều kiện cho hộ nghèo đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bà Đinh Thị Trúc My, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH cho biết, giai đoạn 2016-2020, các chính sách, dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã được thực hiện tốt. Những nhu cầu xã hội thiết yếu của người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch... đã được đáp ứng, điều kiện sống của người nghèo được cải thiện đáng kể. Các chính sách hỗ trợ đặc thù giảm nghèo bền vững và các chương trình lồng ghép khác cũng đã được triển khai tốt. Ngoài ra, hàng năm UBMTTQVN tỉnh và các tổ chức thành viên cũng huy động sự đóng góp của các cá nhân, DN để hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, cấp học bổng cho HS nghèo hiếu học, hỗ trợ khó khăn đột xuất và thăm hỏi, tặng quà hộ nghèo trong các dịp lễ, tết... Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo luôn đạt và vượt chỉ tiêu của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh giao. Theo đó, số hộ nghèo, hộ cận nghèo của tỉnh cuối năm 2020 chỉ còn 2.083 hộ, chiếm tỷ lệ 0,73% so với tổng số hộ dân, giảm 7,47% so với đầu năm 2016.

Bài, ảnh: NHÃ UYÊN

;
.