Bệnh thường gặp theo từng độ tuổi ở người trưởng thành

Thứ Sáu, 14/05/2021, 18:54 [GMT+7]
In bài này
.

Mỗi độ tuổi khác nhau thường gặp những vấn đề sức khỏe riêng, hiểu rõ và lắng nghe cơ thể sẽ giúp mỗi chúng ta chủ động chăm sóc sức khỏe, phòng tránh bệnh và phát hiện sớm để điều trị kịp thời.

Bác sĩ đang tư vấn cho một người bệnh trẻ tuổi về vấn đề tim mạch.
Bác sĩ đang tư vấn cho một người bệnh trẻ tuổi về vấn đề tim mạch.

Theo BS. CK2. Trương Thiện Niềm - Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Gia An 115 (TP.HCM), sức khỏe con người thường song hành, chuyển biến cùng với tuổi tác. Dưới đây là những bệnh thường gặp theo từng độ tuổi ở người trưởng thành.

Giai đoạn 18-30 tuổi

Đây là lứa tuổi thanh xuân, ít mắc bệnh. Tuy nhiên, ở độ tuổi này, vẫn có thể mắc những bệnh nguy hiểm đến tính mạng, chủ yếu là do thói quen sống như: ăn uống không điều độ, uống nhiều rượu bia, ăn uống các thực phẩm không bảo đảm an toàn vệ sinh, thường xuyên căng thẳng, áp lực, thiếu ngủ trầm trọng... Đó là các bệnh tim mạch và biến chứng tim mạch như bệnh động mạch vành, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não; các bệnh tiêu hóa, gan mật như viêm gan, ngộ độc thực phẩm...

Ngoài ra, ở độ tuổi 18-30 tuổi, cả phụ nữ và nam giới đều cần quan tâm đến sức khỏe sinh sản và những bệnh đường sinh dục có thể mắc phải như: viêm tuyến tiền liệt ở nam; viêm âm đạo, viêm lộ tuyến cổ tử cung, ung thư buồng trứng, ung thư cổ tử cung…

Giai đoạn 30-50 tuổi

Sau 30 tuổi, đa số chúng ta thường đang trong guồng quay bận rộn của cuộc sống với việc phát triển sự nghiệp, chăm sóc con cái, chăm sóc gia đình nội-ngoại hai bên… Những bệnh thường gặp ở độ tuổi này là đau đầu, căng thẳng, gia tăng nguy cơ mắc hội chứng đau ống xương cổ tay (ở người làm việc văn phòng, đánh máy nhiều), tăng nguy cơ viêm loét dạ dày-tá tràng do việc ăn uống kém điều độ và căng thẳng trong công việc.

Ở phụ nữ, ngoài một số bệnh viêm nhiễm phụ khoa, chị em còn cần chú ý các bệnh tuyến vú thường gặp ở giai đoạn 30-50 tuổi như: xơ nang tuyến vú lành tính, ung thư vú. Ngoài ra, trầm cảm sau sinh, đái tháo đường, ung thư tuyến giáp cũng là những bệnh chị em dễ mắc phải ở độ tuổi này.

Với nam giới, nên chú ý các bệnh gan mật như: gan nhiễm mỡ, sỏi túi mật do chế độ ăn nhiều dầu mỡ; các loại ung thư như: ung thư vòm họng, ung thư thanh quản...

Giai đoạn 50-65 tuổi

Ở độ tuổi 50-65 tuổi, các bệnh lý xương khớp thường tiến triển, nhất là ở phụ nữ. Phụ nữ thường gặp phải các vấn đề như: loãng xương, đau lưng, đau mỏi cổ vai gáy, viêm khớp, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống... Các bệnh tim mạch, các bệnh rối loạn nội tiết và chuyển hóa như: đái tháo đường, rối loạn lipid máu... cũng thường gặp ở phụ nữ trong nhóm tuổi này.

Trong khi đó, nam giới ở độ tuổi trung niên thường gặp các bệnh liên quan đến gan, thận và bàng quang như: sỏi thận, ung thư thận, ung thư bàng quang (đặc biệt ở những người hút thuốc lá), ung thư gan..., các bệnh tim mạch, phì đại tuyến tiền liệt, u xơ tuyến tiền liệt, gout, ung thư phổi...

Trên 65 tuổi

Ở người cao tuổi, do các chức năng trong cơ thể bị suy giảm theo thời gian, sức khỏe của người ở độ tuổi này yếu dần, nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn và các bệnh mạn tính dễ tái phát, dễ gây biến chứng hơn. Người cao tuổi thường mắc các bệnh như: bệnh tim mạch, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, bệnh van tim…, các bệnh hô hấp như: viêm phổi, viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản, các bệnh hệ tiêu hóa như: táo bón, viêm đại tràng mạn tính, trào ngược dạ dày thực quản…, bệnh thần kinh trung ương như: rối loạn tiền đình, sa sút trí tuệ, Parkinson, Alzheimer...). Ngoài ra, người cao tuổi cũng cần lưu ý những vấn đề đe dọa sức khỏe người cao tuổi như các bệnh ung thư.... hoặc các bệnh gây ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh như: bệnh cơ xương khớp, đục thủy tinh thể.

Cần thăm khám sức khỏe định kỳ

BS. CK2. Trương Thiện Niềm khuyến cáo, sự lão hóa tự nhiên, tác động của lối sống, môi trường có thể gây ra những biến đổi bất lợi cho cơ thể, khiến nhiều bệnh lý xuất hiện âm thầm. Do đó, dù ở độ tuổi nào, mỗi người cũng cần chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân bằng cách ăn uống, sinh hoạt điều độ, lành mạnh và thực hiện khám sức khỏe định kỳ. Khám sức khỏe định kỳ sẽ giúp xác định những yếu tố nguy cơ mắc bệnh, phát hiện nhiều bệnh lý từ sớm, từ đó chữa trị bệnh hiệu quả và tiết kiệm chi phí. Việc đi khám cũng là cơ hội để được bác sĩ tư vấn các phương pháp phòng tránh bệnh và thay đổi thói quen sinh hoạt, làm việc, từ đó giúp người bệnh có sức khỏe tốt hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tầm soát một số bệnh lý đối với người trên 40 tuổi

Độ tuổi này sức khỏe thường bắt đầu có chiều hướng đi xuống, đòi hỏi mọi người phải có sự quan tâm, chăm sóc tốt hơn. Người ngoài 40 tuổi cần khám sức khỏe định kỳ (1-2 lần/năm) và cần lưu ý tầm soát một số bệnh lý sau:

Ung thư đại trực tràng (đối với cả nam và nữ): Đối tượng là người trên 40 tuổi; người có tiền sử gia đình bị ung thư, không thuộc huyết thống bậc 1 (cha, mẹ, anh, chị, em). Cụ thể, mỗi năm xét nghiệm máu ẩn trong phân. Mỗi 5 năm nội soi đại tràng ảo. Mỗi 10 năm, nội soi đại trực tràng

Tầm soát ung thư tuyến tiền liệt (đối với nam giới): Nam giới nên tầm soát ung thư tuyến tiền liệt định kỳ mỗi năm một lần bắt đầu từ tuổi 50. Đối với những người có cha, anh, em trai ruột bị ung thư tuyến tiền liệt, cần chủ động thăm khám tuyến tiền liệt mỗi năm một lần từ tuổi 40.

Đối với nữ giới

Tầm soát ung thư vú: Phụ nữ nên chụp X-quang tuyến vú (nhũ ảnh) mỗi năm một lần từ 45 tuổi để sớm phát hiện những bất thường ở tuyến vú, tầm soát ung thư vú, phát hiện ung thư vú ở giai đoạn sớm. Tầm soát ung thư cổ tử cung: ở độ tuổi này, phụ nữ nên thực hiện xét nghiệm phết tề bào cổ tử cung (Pap smear) 5 năm một lần và tiếp tục sàng lọc kể cả khi đã được tiêm phòng HPV (virus lây truyền qua đường tình dục gây u nhú sinh dục như: sùi mào gà, mụn cóc sinh dục. Virus này có liên quan tới ung thư cổ tử cung).

TRẦN NHUNG

 
;
.