Những mâu thuẫn như cơn gió nhỏ tích tiểu thành đại, nếu không sớm chế ngự sẽ âm thầm tạo sóng gây bão tạo khiến hạnh phúc hôn nhân gãy đổ lúc nào không hay.
Minh họa: MINH SƠN |
Vợ lo chống bão bên ngoài
Bạn bè hay bảo với Nhân, anh có người vợ tuyệt vời, thật tâm lý và hay giúp đỡ mọi người. Những lúc như thế Nhân chỉ mỉm cười. Anh định nói “Bả chỉ lo chống bão bên ngoài!” nhưng rồi lại thôi.
Cưới nhau tròn 5 năm, vì một số lý do, hai vợ chồng Nhân chưa thể sinh con. Bác sĩ bảo, có thể đây là do hậu quả của những lần nạo phá trước đây, khi cả hai còn trẻ và bồng bột. Nhiều lúc ngẫm nghĩ, Nhân tự hỏi, hay là đang trả nghiệp.
Nhưng chuyện hiếm muộn con là Nhân chấp nhận, vì bản thân cảm thấy có một phần lỗi lầm của mình trong đó. Nhưng chuyện vợ cứ liên tục “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” thì Nhân không thể chấp nhận. Nhân biết, cả hai vợ chồng chưa phải là người hoàn hảo. Không thể nào cứ suốt ngày lậm sâu vào sách vở, nói ra những điều hay ho đi rao giảng mà quên rằng chính bản thân hai vợ chồng vẫn đang rất trẻ, rất dở và đang có những cơn sóng ngầm, sẵn sàng tạo bão lúc nào không hay. Anh cảm thấy giữa mình và vợ hình như có khoảng cách, sự không hài lòng mỗi ngày cứ tích tụ lớn dần.
Trái ngược với Nhân, Thúy - vợ anh - vẫn luôn tin rằng cuộc đời không có gì phải đáng ngại hay lo nghĩ. Cô chẳng bàn đến chuyện kiếm con, chẳng để tâm đến kế hoạch chồng đòi đưa vợ sang tận Singapore để chữa hiếm muộn. Cô cho rằng chồng mình đang tiêu cực và hơn hết, anh ích kỷ. Cô tránh nói chuyện nhiều với chồng, lấy chuyện xã hội làm vui, tụ tập hội nhóm và chia sẻ bạn bè làm mục tiêu sống mà theo cô đó là sự tích cực mỗi ngày.
Hai vợ chồng mỗi người một quan điểm, suy nghĩ và điều đáng ngại là họ đã không cùng ngồi lại để thổ lộ, nói hết với nhau. Cuộc hôn nhân tốt đẹp, vui vẻ từ ban đầu bỗng dần trở nên ngột ngạt. Tuy không tranh cãi nhưng “chiến tranh lạnh”, sự không hài lòng nhau ngày một lớn dần.
Níu giữ hạnh phúc trong nhà
Nhiều chuyên gia tâm lý tình yêu hôn nhân gia đình đã chỉ ra rằng, trong tất cả mọi mâu thuẫn và xung đột, điều cần nhất là con người phải thật bình tĩnh. Không nóng nảy, nhưng cũng tuyệt đối không được chủ quan.
Những mâu thuẫn nhỏ trong nhà như những cơn gió nhẹ mưa rào, nhưng nếu không có sự che chắn và bảo vệ kịp lúc, nó sẽ tích tụ dần lên theo thời gian để rồi hình thành nên những cơn bão lớn mạnh, khi đó, mọi cố gắng và nỗ lực phải gấp trăm gấp ngàn lần nếu giải quyết sớm.
Điểm yếu trong câu chuyện hôn nhân của Nhân và Thúy chính là tính cá nhân và cái tôi rất lớn của mỗi người. Ai cũng bảo thủ với quan điểm và suy nghĩ của mình, không chịu chia sẻ thẳng thắn với nhau nên chuyện tưởng chừng nhỏ là thói quen “ăn cơm nhà lo việc bao đồng” của vợ đã khởi xướng cho một cuộc chiến tranh lạnh với sự hà hơi tiếp sức và khó chịu của sự ích kỷ nơi người đàn ông khiến cho vụ việc trở thành nghiêm trọng.
Đáng ngại hơn, họ còn đi ngược lại với lời khuyên của chuyên gia là vợ chồng dù có giận nhau đến mấy cũng không được phép và không nên ngủ rời nhau, không được xách va li bỏ nhà đi. Nhân và Thúy đã không chịu nói chuyện cùng nhau, giận dỗi mỗi người ngủ một góc, anh chọn nơi sofa phòng khách, bỏ vợ thui thủi trong phòng mỗi khi anh cảm thấy khó chịu. Còn Thúy, lâu lâu cô lại hăm dọa sẽ cuốn gói xách va li về nhà mẹ ruột. Cả hai đều suy nghĩ mình không có lỗi hoặc lỗi nằm ở phía người kia.
Tập lắng nghe nhau, điều tưởng chừng đơn giản trong cuộc sống nhưng đôi khi nó lại là thứ mà nhiều cặp vợ chồng đã lỡ quên hoặc nghĩ rằng nó không quá quan trọng. Ở câu chuyện của Nhân và Thúy, họ đã không chịu lắng nghe nhau, góp ý nhau để bình thường hóa quan hệ, nuông chiều cái tôi đỏng đảnh của bản thân để rồi mâu thuẫn cứ ngày một lớn dần, cơn gió nhẹ ngày đầu đã cuộn trào thành những cơn bão mà có thể xé toạc hạnh phúc hôn nhân bất kỳ lúc nào.
Thật may mắn trong cuộc hôn nhân này là cả hai vốn dĩ hiểu biết tương đối nên trường hợp xấu và tiêu cực nhất trong hôn nhân là xưng hô thiếu tôn trọng đối phương đã không, mà chính xác hơn là chưa diễn ra. Thúy và Nhân vẫn gọi anh xưng em nhưng dĩ nhiên sự ngọt ngào đã phôi pha rất nhiều và “cường độ” trìu mến ngày càng xuống thấp.
Có còn kịp?
Trong phim “Tiệc trăng máu” có đề cập câu chuyện các ông chồng bà vợ mỗi người đeo mang một bí mật. Họ đã không hề thành thật với nhau khi cuộc hôn nhân đã trải qua nhiều năm bởi mỗi người một quan tâm, một suy nghĩ khác nhau và điều quan trọng họ không chịu chia sẻ cùng nhau. Mọi thứ chỉ được phơi bày khi tất cả đều tham gia vào một trò chơi “show off” hết mọi cuộc gọi và tin nhắn trong ngày và rồi, tất cả bẽ bàng khi cả vợ lẫn chồng, ai ai cũng có những bí mật và góc tối những bí mật. Chồng giấu vợ chuyện bị bạn lừa tiền suýt bị phá sản, vợ giấu chồng cảm xúc lâu ngày không được yêu thương và quan tâm, mỗi người một câu chuyện riêng suýt chút nữa làm hạnh phúc tiêu tan. Khi đó, chính sự bình tĩnh ngồi lại bằng sự thành thật và chân thành, họ đã hóa giải được hết tất cả mọi chuyện.
“Khoan hồng” trong hôn nhân là một khái niệm ít khi được đề cập, nhưng nó thực sự luôn là vấn đề cần được lưu ý để níu giữ hạnh phúc gia đình. Ai cũng có thể không hoàn hảo và những cơn bão, đôi khi đến không phải từ những tác nhân bên ngoài mà chính từ trong suy nghĩ, tâm hồn của mỗi con người. Khoan dung, độ lượng, chia sẻ với nhau thường xuyên hơn sẽ giúp vợ chồng thêm hiểu nhau và yêu thương.
Những cơn bão trong nhà không sóng cồn nhưng cũng rất đáng để lưu ý, cẩn thận.
QUỐC PHONG