Ung thư bàng quang có liên quan tới thuốc lá

Thứ Bảy, 17/04/2021, 05:56 [GMT+7]
In bài này
.

Y học đã xác định 60 - 80% trường hợp ung thư bàng quang có liên quan đến thuốc lá, kể cả những người hút thuốc lá thụ động.

BS.CKII Nguyễn Ngọc Châu tư vấn cho người bệnh.
BS.CKII Nguyễn Ngọc Châu tư vấn cho người bệnh.

Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang

Theo nhiều nghiên cứu, những hóa chất có trong thuốc lá sẽ gây ra nhiều tổn thương cho cơ thể, nhất là ở cấp độ tế bào và gene, có thể gây nên sự phát triển không kiểm soát của tế bào, dẫn đến hình thành các khối u. Ngoài ra, các hóa chất độc hại trong khói thuốc lá hoặc qua hơi nước được hấp thụ vào máu, đi qua thận và tích tụ trong nước tiểu. Nước tiểu ở trong bàng quang nhiều giờ tại một thời điểm, khiến bàng quang tiếp xúc với nồng độ rất cao của các hóa chất, từ đó làm tăng nguy cơ mắc ung thư bàng quang. Các nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ chặt chẽ với việc tăng nguy cơ tái phát và tiến triển của bệnh khi tiếp tục hút thuốc sau khi chẩn đoán và điều trị ung thư bàng quang.

Ung thư bàng quang có tỉ lệ tái phát cao

BS.CKII Nguyễn Ngọc Châu, Phó Giám đốc Bệnh viện Bình Dân TP.HCM, cho biết, ung thư bàng quang là một trong những ung thư khá thường gặp ở Việt Nam; trung bình, một năm có 1.000 ca mắc mới và khoảng 500 ca tử vong. Ung thư bàng quang có tỷ lệ tái phát cao và đòi hỏi theo dõi sát sao để điều trị sớm và phát hiện tái phát.

Càng lớn tuổi, tỷ lệ bệnh nhân mắc loại ung thư này càng cao, tuy nhiên, những năm gần đây, các bác sĩ ghi nhận nhiều ca ung thư bàng quang cũng đã xuất hiện ở tuổi trẻ. Trong đó không ít người mới trên 20 tuổi, 30 - 40 tuổi. Dấu hiệu thường gặp của bệnh nhân bướu bàng quang là tiểu máu lần đầu, tiểu máu tái đi tái lại, đặc biệt là bệnh nhân có tiền sử hút thuốc lá. Bệnh nhân bị viêm đường tiết niệu kết hợp với hút thuốc lá, thường sẽ tăng nguy cơ ung thư bàng quang.

Nguy cơ bệnh từ hút thuốc thụ động

Các bác sĩ niệu khoa tại Bệnh viện Bình Dân đã gặp những bệnh nhân nữ bị ung thư bàng quang, phần lớn do chịu ảnh hưởng từ người chồng, con trai sống chung có hút thuốc lá. Đó là các trường hợp hút thuốc lá thụ động. Ít gặp hợn là các trường hợp phụ nữ ung thư bàng quang do hút thuốc lâu năm như trường hợp bà D.T.H (75 tuổi, Lâm Đồng). Bà là trường hợp phụ nữ ung thư bàng quang có liên quan tới hút thuốc lá mà bệnh viện tiếp nhận điều trị trong thời gian gần đây. Trước khi nhập viện một thời gian bà H. đã có biểu hiện khó chịu ở đường tiểu, có đi tiểu ra máu nhưng lại nghĩ đây chỉ là một nhiễm trùng tiểu thông thường nên bà đi điều trị triệu chứng này tại một bệnh viện địa phương. Gần đây bà đi tiểu máu khoảng 3 lần/ngày, kéo dài nhiều ngày, tiểu lắt nhắt, cơ thể mệt mỏi và việc uống thuốc không có tác dụng nữa. Bà được người thân đưa đến Bệnh viện Bình Dân để thăm khám. Tại đây, bà được chẩn đoán là bướu bàng quang. Khai thác bệnh sử ghi nhận bệnh nhân hút khoảng 1 gói thuốc mỗi ngày từ hơn 20 năm nay.

Nhiều kỹ thuật giúp phát hiện ung thư bàng quang giai đoạn sớm

Nói đến điều trị bướu bàng quang, bên cạnh những tiến bộ trong việc ứng dụng laser vào cắt đốt bướu bàng quang còn phải kể đến vai trò của nội soi bàng quang bước sóng ngắn (NBI) giúp phát hiện ung thư bàng quang giai đoạn sớm, kể cả những bướu có kích thước nhỏ, thậm chí là các tăng sinh mạch máu bất thường ở bàng quang. Nhờ vậy, tăng cường khả năng điều trị đầy đủ cho bệnh nhân; cũng như phát hiện thêm bướu mà dưới ánh sáng sáng thông thường không thể nào phát hiện được. Điều này hết sức quan trọng, vì nếu bỏ sót bướu nhỏ nghĩa là vẫn chưa điều trị hết bệnh cho bệnh nhân, nhất là ung thư cần phải điều trị tiệt căn.

TRẦN NHUNG

;
.