Tích cực triển khai các biện pháp phòng bệnh tay - chân - miệng

Thứ Hai, 12/04/2021, 19:16 [GMT+7]
In bài này
.

Trong 3 tháng qua, toàn tỉnh ghi nhận 506 ca mắc bệnh tay - chân - miệng (TCM), tăng 448 ca so với cùng kỳ 2020. Nếu không chủ động, tích cực triển khai các biện pháp phòng bệnh, nguy cơ bùng phát dịch TCM rất dễ xảy ra.

Bác sĩ Vương Quang Thắng, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bà Rịa thăm khám cho bệnh nhi đang điều trị bệnh TCM.
Bác sĩ Vương Quang Thắng, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bà Rịa thăm khám cho bệnh nhi đang điều trị bệnh TCM. Ảnh: NHÃ UYÊN

MỖI TUẦN 10 CA NHẬP VIỆN 

Bé T.D.T.V. (3 tuổi, xã Phước Tân, huyện Xuyên Mộc) được đưa đến Bệnh viện Bà Rịa trong tình trạng sốt liên tục 3 ngày, loét miệng, kém ăn và ngủ thường xuyên bị giật mình. Tiến hành thăm khám, bác sĩ nhận thấy tay, chân bé có bóng nước. Kết quả xét nghiệm cho thấy, V. mắc TCM. Chị Dương Nguyễn Thị Thanh Huệ, mẹ bé V. cho biết: “Thấy con đi học về mấy hôm quấy khóc, sốt và kém ăn, vợ chồng tôi đưa con đi khám. Tôi không nghĩ con mắc TCM cho tới khi bác sĩ thông báo tôi mới biết”. Chị Huệ đã nhanh chóng thông báo cho nhà trường để có biện pháp xử lý phòng dịch theo khuyến cáo từ bác sĩ. 

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Vân, khoa Nhi, Bệnh viện Vũng Tàu thăm khám cho bệnh nhi đang điều trị bệnh TCM.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Vân, khoa Nhi, Bệnh viện Vũng Tàu thăm khám cho bệnh nhi đang điều trị bệnh TCM. Ảnh: ĐỨC ANH

Theo ghi nhận của phóng viên tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bà Rịa, nơi này đang điều trị cho 10 bệnh nhi mắc TCM. Bác sĩ Vương Quang Thắng, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bà Rịa cho hay, trong những tuần gần đây, trung bình mỗi tuần, Khoa Nhi tiếp nhận khoảng 10 trường hợp mắc TCM, tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2020 (năm 2020, mỗi tuần bệnh viện tiếp nhận từ 3-4 ca). Hầu hết bệnh nhi phải nhập viện điều trị nội trú vì mắc TCM cấp độ 2.Điều trị cùng phòng với V. là bé Đ.N.C. (1 tuổi, phường Kim Dinh, TP. Bà Rịa). Chị Nguyễn Thị Ngọc Giàu, mẹ bé C. cho biết, 4 ngày trước bé được đưa đến bệnh viện trong tình trạng nổi bóng nước lòng bàn tay, bàn chân, họng sưng đỏ. Kết quả xét nghiệm bé bị TCM độ 2A. Sau 2 ngày điều trị, họng bé còn sưng đỏ nhiều và bị sốt. Bác sĩ cho biết, nếu bé nhập viện trễ hơn có thể bị biến chứng nặng và phải theo dõi, điều trị dài ngày. Chị Giàu cho hay: “Cháu ở nhà với người giúp việc, cháu còn bé nên vợ chồng tôi chưa cho đi học. Tôi cũng không biết cháu lây bệnh từ đâu”.

Tương tự, Bệnh viện Vũng Tàu những ngày vừa qua cũng đã tiếp nhận, điều trị nhiều trẻ mắc TCM và hầu hết đều phải nhập viện. Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Vũng Tàu tiếp nhận điều trị ngoại trú 105 ca và nội trú 31 mắc TCM gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Theo thống kê của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm 2021 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 506 trường hợp mắc TCM, tăng 448 ca so với cùng kỳ năm 2020. Tất cả các trường hợp đều nhập viện điều trị nội trú, không có tử vong. 

Bộ Y tế đã có Công văn khẩn số 2527/BYT-DP gửi UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống dịch TCM. Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo triển khai tăng cường các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe phù hợp tới người dân về các biện pháp phòng, chống; thực hiện tốt vệ sinh môi trường, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, thực hiện ăn sạch, ở sạch và giữ gìn đồ chơi cho trẻ sạch...

Ngành GD-ĐT cần triển khai mạnh các hoạt động phòng, chống dịch tại các cơ sở giáo dục, đặc biệt là tại nhà trẻ, trường mẫu giáo. Mặt khác, yêu cầu các cơ sở giáo dục phải có đủ các phương tiện rửa tay, xà phòng và có vị trí thuận tiện tạo điều kiện thuận lợi cho người chăm sóc trẻ và trẻ em thực hiện rửa tay bằng xà phòng; thực hiện vệ sinh lớp học, làm sạch bề mặt bàn ghế học tập và đồ chơi hằng ngày bằng xà phòng…

Ngành y tế cần tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị tại các bệnh viện, hạn chế việc chuyển tuyến bệnh nhân trong khả năng điều trị nhằm giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên; phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân; lưu ý đối với các bệnh nhân nặng, hạn chế xuống mức thấp nhất các trường hợp tử vong. Thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị, đặc biệt phòng việc lây nhiễm chéo giữa bệnh TCM với bệnh sởi, viêm phổi và viêm đường hô hấp khác...

KHÔNG CHỦ QUAN

Bác sĩ Vương Quang Thắng cho biết, TCM là bệnh lây qua đường tiêu hóa do vi rút đường ruột gây ra. Vi rút này lưu hành suốt trong năm, nhưng ở các tỉnh phía Nam, trong đó có BR-VT bệnh thường bùng phát vào khoảng từ tháng 2 đến tháng 4 và từ tháng 10 đến tháng 12. 

TCM là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh rất dễ lây qua đường tiêu hóa, trẻ bò dưới đất hoặc cầm nắm đồ chơi có dính nước bọt, phân chứa vi rút gây bệnh, rồi dùng tay bốc thức ăn hay đưa lên miệng thì mầm bệnh sẽ xâm nhập vào cơ thể. Nguy cơ mắc bệnh không chỉ xảy ra ở trường học, nhà trẻ mà cả ở nhà. Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh cũng như thuốc điều trị đặc hiệu nên việc phòng ngừa vẫn là quan trọng nhất. Vì vậy, việc phòng bệnh chủ yếu thông qua giữ gìn vệ sinh cho trẻ và của người chăm sóc trẻ như: rửa tay dưới vòi nước trước khi chăm sóc trẻ và sau khi đi vệ sinh; lau sạch sàn nhà, rửa sạch đồ chơi mà trẻ hay ngậm vào miệng để tránh nhiễm vi rút. Đối với trẻ đang đi nhà trẻ, mẫu giáo, khi phát hiện trẻ mắc bệnh, người nhà cần cho trẻ nghỉ học ngay để tránh lây lan.

Cũng theo bác sĩ Vương Quang Thắng, triệu chứng điển hình của bệnh là nổi những nốt ban màu hồng bọng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, trong miệng và một số vị trí khác trên người. Trẻ bị bệnh thể nhẹ, khám và điều trị ngoại trú cũng sẽ khỏi. Nhưng khi bị nặng, với những triệu chứng như sốt cao, giật mình vào buổi tối, run chân tay, hoảng hốt, co giật, hôn mê... thì phải điều trị nội trú tại bệnh viện, nếu không trẻ có thể bị một số biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, phù phổi và tử vong.

“Bệnh TCM có diễn biến nhanh và có nhiều biến chứng nguy hiểm. Phụ huynh có thể nhận biết trẻ mắc bệnh qua các dấu hiệu, như: Sốt nhẹ hoặc sốt cao. Đặc biệt, trẻ sốt cao không thể hạ là dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng. Ngoài ra, dấu hiệu nhận biết bệnh còn biểu hiện ở các tổn thương da: rát đỏ, mụn nước ở các vị trí như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối...”, bác sĩ Thắng cho biết.

Bệnh TCM ở trẻ được phân theo 4 mức độ để đưa ra quyết định bệnh nhi có cần nhập viện điều trị hay không. Cụ thể, nếu ở mức độ 1 có các dấu hiệu ở da, niêm mạc bao gồm phỏng nước lòng bàn tay, bàn chân hay ở các nếp gấp như khuỷu tay, đầu gối, mông, kèm theo nốt ở miệng thì bệnh nhi có thể điều trị tại nhà. Từ mức độ 2, trẻ phải nhập viện. Ở mức độ 3, bệnh có biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp nặng, vã mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc khu trú, thở bất thường, xuất hiện rối loạn tri giác... Ở mức độ 4, bệnh sẽ xuất hiện triệu chứng sốc, phù phổi cấp, tím tái hoặc ngưng thở, thở nấc...

TUYẾT MAI

Cách chăm sóc trẻ mắc tay - chân - miệng

Bệnh tay - chân - miệng (TCM) là bệnh chủ yếu xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và có khả năng lây lan nhanh, dễ thành dịch. Dưới đây là một số kiến thức cơ bản về cách phòng và chăm sóc trẻ bị bệnh TCM tại nhà.

Bệnh TCM lúc đầu có thể chỉ sốt nhẹ, ho khan, nổi ban... giống như các trường hợp nhiễm vi rút thông thường khác nhưng sau đó, một số ít có thể chuyển nhanh sang nguy kịch. Khi trẻ có bất cứ bất thường nào dù đang mùa dịch hay không cũng nên đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế gần nhà để được chẩn đoán và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.

Hiện vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh, nên cần thực hiện tốt các biện pháp sau: Thường xuyên rửa tay bằng xà bông dưới vòi nước chảy, nhất là trước và sau khi nấu ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Nếu chăm sóc trẻ, cần lưu ý rửa tay sau mỗi lần thay tã, làm vệ sinh cho trẻ. Vệ sinh các dụng cụ, vật dụng, đồ chơi, sàn nhà bằng nước và xà bông, rồi khử khuẩn bằng cloraminB 5% (có thể mua tại nhà thuốc). Đeo khẩu trang hoặc che mũi miệng khi hắt hơi, ho. Ăn chín uống chín và khử khuẩn môi trường có trẻ bị bệnh và môi trường xung quanh. Cách ly người bệnh tại nhà cho đến khi khỏi bệnh (thường ít nhất là 7-10 ngày).

Với những trẻ bị TCM thể nhẹ (chỉ có mụn nước và loét miệng), có thể chăm sóc và theo dõi điều trị ở nhà. Cụ thể:

Về dinh dưỡng: Cho trẻ uống nhiều nước mát và ăn thức ăn dễ tiêu; không cho trẻ ăn, uống đồ có vị chua hoặc có gia vị.

Thuốc uống: Chỉ dùng thuốc paracetamol để hạ sốt và giảm đau cùng các thuốc khác do bác sĩ kê. Bù đủ nước cho bệnh nhân nếu có sốt cao. Vệ sinh miệng thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn. Tại các vị trí bị thương tổn ngoài da, bôi dung dịch sát khuẩn để tránh bội nhiễm. Có thể súc miệng bằng nước muối loãng nếu trẻ súc được.

Cách ly và thực hiện vệ sinh thân thể: Cách ly trẻ bị bệnh với các trẻ khác trong nhà. Người lớn khi tiếp xúc và chăm sóc trẻ bệnh, nên mang khẩu trang y tế cho mình và cho cả trẻ bệnh, sau khi tiếp xúc, nên rửa tay sạch sẽ bằng xà bông và nước sạch ngay để hạn chế sự lây lan cho trẻ khác. Quần áo, tã lót của trẻ bệnh nên được ngâm dung dịch sát khuẩn như cloraminB 2% hoặc luộc nước sôi trước khi được giặt sạch sẽ bằng xà bông và nước sạch. Vật dụng cá nhân ăn uống của trẻ như bình sữa, ly uống nước, chén ăn cơm, muỗng ăn... nên được luộc sôi và sử dụng riêng biệt cho từng trẻ. Tắm rửa và vệ sinh nhẹ nhàng thân thể cho bé hàng ngày bằng nước sạch để tránh nhiễm khuẩn.

Theo dõi sát tình trạng bệnh: Trong 7 ngày kể từ lúc bị bệnh, ngoài việc chăm sóc tại nhà và dùng thuốc theo đơn, hàng ngày nên cho trẻ tái khám để phát hiện sớm những diễn biến bất thường. 

Khi thấy trẻ sốt cao, mụn nhiều là dấu hiệu nặng, nguy cơ biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp (thường xuất hiện từ ngày 2-5 của bệnh). Vì vậy, khi trẻ có 1 trong các dấu hiệu sau thì phải đưa trẻ nhập viện ngay: sốt cao 39 độ trở lên hoặc sốt cao kéo dài từ 48 giờ trở đi; quấy khóc, bứt rứt, ói nhiều; ngủ lịm, dễ giật mình, hoảng hốt, run tay chân, chới với, đi loạng choạng, mạch nhanh không tương ứng với nhiệt độ thân người; thở khó/thở nhanh, da nổi vằn... thì cần cho trẻ nhập viện ngay.

 

 

;
.