THỦ TƯỚNG PHẠM MINH CHÍNH: Xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra dịch

Thứ Sáu, 30/04/2021, 18:35 [GMT+7]
In bài này
.

 

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: VGP
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: VGP

Ngày 30/4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp khẩn về các biện pháp phòng chống COVID-19 khi dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp.

Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn và lãnh đạo một số bộ, ngành.

PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID 19 TỪ SỚM, TỪ XA

Các ý kiến phát biểu tại cuộc họp cho rằng, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, mối đe dọa lớn nhất đối với Việt Nam thời điểm này là  đại dịch COVID-19 đang hoành hành trên thế giới, đặc biệt là đang tàn phá nặng nề các nước láng giềng và trong khu vực. Sau những nỗ lực hết mình của cả hệ thống chính trị, sau nhiều ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, các ca bệnh đã xuất hiện ở một số địa phương, đe dọa nỗ lực của nước ta và nếu không kiểm soát tốt, dịch sẽ xô đổ mọi thành quả, thành tựu đã đạt được thời gian qua...

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP

Do đó, cần nâng cao ý thức cảnh giác trước dịch bệnh, siết chặt việc thực hiện các quy định về phòng chống dịch, đặc biệt là việc quản lý, giám sát, kiểm tra khâu cách ly tập trung và sau cách ly tập trung (tự cách ly tại nhà). Trường hợp sau cách ly tập trung về cách ly tại nhà cần có hồ sơ theo dõi y tế.

Một số ý kiến đặt vấn đề phải rà soát, xem lại quy trình cách ly cho chặt chẽ hơn như trường hợp ca bệnh 2899 vừa qua, đã di chuyển bằng phương tiện công cộng (xe khách) từ Đà Nẵng để về quê sau khi hoàn thành cách ly tập trung. Theo thống kê, chỉ có 1% số bệnh nhân có thời gian ủ bệnh hơn 14 ngày. Vì vậy, thời gian cách ly tại nhà sau 14 ngày cách ly tập trung chính là kiểm soát số 1% này (có khả năng, trường hợp ca 2899 cũng rơi vào số 1% này).

BÌNH TĨNH, SÁNG SUỐT

Ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, nguy cơ lây nhiễm từ bên ngoài rất cao, luôn rình rập, đặc biệt là từ các nước xung quanh chúng ta và khi chúng ta tiếp tục thực hiện các chuyến bay đưa công dân từ nước ngoài về nước, các mầm bệnh từ đó có thể thâm nhập.

Cùng với đó là tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác của một số cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự việc một số ca bệnh vừa bùng phát ở Hà Nam và một số địa phương.

Ngoài ra, công tác quản lý cách ly y tế còn chưa tốt, chưa chặt chẽ, chưa nghiêm, nhất là khâu quản lý cách ly, theo dõi tại nhà sau 14 ngày cách ly tập trung. Ý thức, sự hợp tác của gia đình, người thân trong việc theo dõi cách ly tại nhà chưa tốt, chưa nghiêm.

“Chúng ta phải hết sức bĩnh tĩnh, sáng suốt, phát huy thành tích, kinh nghiệm của quá trình phòng chống dịch thời gian qua, những bài học phòng chống dịch từ các nước trên thế giới. Chúng ta vẫn tự tin, vẫn có thể xử lý tốt được tình hình, không hoang mang, không lo sợ, không chủ quan, không cầu toàn và không nóng vội”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng lưu ý, khâu tổ chức thực hiện các quy định, quy chế cần phải siết chặt hơn nữa, làm tốt, hiệu quả hơn nữa. Các cơ quan, đơn vị, địa phương và mỗi cá nhân phải vào cuộc tích cực hơn nữa.

Thủ tướng nhắc lại mục tiêu cao nhất của chúng ta là bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân, cho cộng đồng, vì lợi ích quốc gia, dân tộc và thực hiện mục tiêu kép: vừa phòng chống dịch có hiệu quả, vừa phát triển kinh tế-xã hội, hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra. Bên cạnh đó, phải tập trung bảo vệ thành công cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vào ngày 23/5 tới.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: VGP
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo tình hình dịch bệnh COVID-19 tại cuộc họp. Ảnh: VGP

Trước mắt, phải khẩn trương, thần tốc hơn nữa trong truy vết, phát hiện, khoanh vùng, cách ly cũng như nhanh chóng khắc phục hậu quả xảy ra với phương châm “chống dịch như chống giặc”. “Đề cao cảnh giác, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị tích cực, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình. Kiểm tra, truy vết, quản lý chặt chẽ với tinh thần đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đối với các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo, tiếp tục đẩy mạnh và tổ chức thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp theo tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư, Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và Ban Chỉ đạo quốc gia. Yêu cầu cả hệ thống chính trị, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội phải vào cuộc, huy động trí tuệ tập thể, sức mạnh tổng lực vào phòng chống dịch.

Thủ tướng đề nghị các cơ quan chức năng cần tiếp tục làm tốt hơn, làm nghiêm hơn nữa, kiểm soát chặt chẽ, kịp thời và hiệu quả hơn nữa công tác phòng chống dịch COVID-19 vì lợi ích quốc gia, lợi ích của cộng đồng và vì sức khỏe của người dân.

Thủ tướng Chính phủ kêu gọi toàn thể đồng bào và chiến sĩ cả nước chung tay với Chính phủ, nỗ lực cao nhất, gác lại những thói quen xưa cũ, những việc chưa cần thiết, thực hiện các quy định trong phòng, chống dịch, đặc biệt là "5K + vaccine".

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, vừa qua có nơi, có lúc, người đứng đầu chưa thực sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nên có những sơ hở. Do đó, phải xem xét xử lý nghiêm minh trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra dịch theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước với tinh thần hết sức khách quan, công bằng, hợp lý.

Tại cuộc họp, Thủ tướng bày tỏ sự đồng tình với các đề xuất, kiến nghị của các bộ, ngành về công tác phòng chống dịch và nhấn mạnh phải phát huy được tinh thần huy động sức mạnh tổng lực của cả hệ thống chính trị trong phòng chống dịch.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ vào tình hình, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình để dự báo tình hình, xây dựng các kịch bản xấu nhất có thể xảy ra; chủ động, linh hoạt sáng tạo áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả phù hợp với điều kiện của địa phương và tình hình dịch trên địa bàn để thực hiện mục tiêu kép.

THÁI BÌNH

 

;
.