Nâng cao chất lượng giáo dục hòa nhập HS khuyết tật

Thứ Năm, 01/04/2021, 19:43 [GMT+7]
In bài này
.

Nhằm thực hiện công bằng trong giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi để tất cả HS được phát triển tối đa năng lực, những năm qua, Trường TH Nguyễn Thái Học (TP.Vũng Tàu) đã tích cực thực hiện công tác giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật (HSKT). 

Trong 2 năm học 2019-2020 và 2020 -2021, Trường TH Nguyễn Thái Học (TP.Vũng Tàu) có 17 HSKT, đa số là khuyết tật về trí tuệ. Các em được tham gia chương trình giáo dục hòa nhập tại trường. 

Thực tế cho thấy, HSKT đến lớp chưa được GV quan tâm nhiều vì sĩ số các lớp học của trường hiện quá đông (hơn 40 HS/1 lớp). Qua quan sát, HSKT trong trường có các biểu hiện như: Hằng ngày đến lớp, HSKT không thể tham gia hoặc ít tham gia vào các hoạt động học tập cùng GV và các bạn. Các em hay xé tập vở và đánh lộn với bạn bè. HSKT thường chỉ hợp tác với GV trong khoảng thời gian tiết đầu của buổi học. Thời gian còn lại, các em la hét, chạy lung tung. Có em chỉ thích học một môn học nào đó, còn lại không học. Đa số các em tiếp thu chậm, học rất mau quên. HSKT thường có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Một số phụ huynh còn buông lỏng việc giáo dục HSKT ở nhà. Chương trình giáo dục còn nặng, nghiêng về cung cấp kiến thức là chính, chưa có nội dung dành cho HSKT. GV dạy HSKT hòa nhập chưa có nhiều kinh nghiệm. GV có kế hoạch giáo dục HSKT theo định kì nhưng cụ thể trong từng bài dạy hằng ngày còn chưa linh hoạt điều chỉnh. GV ít có thời gian dành riêng cho các em, không cho em tham gia vào các hoạt động tập thể vì cho rằng các em không thể học được, làm được, tham gia chỉ làm mất thời gian của lớp. GV xếp chỗ ngồi cho em một mình một bàn vì cho rằng em quậy làm ảnh hưởng đến các bạn khác. Vì thế, HSKT không có hứng thú học tập, không có cơ hội rèn luyện kĩ năng để hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất. HS chưa có kĩ năng sống về tự quản, tự phục vụ…

Trước thực trạng trên, lãnh đạo nhà trường và các GV dạy hòa nhập HSKT đã đề ra và thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục hòa nhập HSKT. Hai năm qua, trường đã thực hiện công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cán bộ quản lí, GV, phụ huynh, HS và cộng đồng xã hội về giáo dục hòa nhập HSKT vào các buổi họp. Sau khi nắm bắt thông tin về HSKT, Ban Giám hiệu chỉ đạo GV chủ nhiệm lập kế hoạch giáo dục hòa nhập HSKT, điều chỉnh chương trình thường xuyên thông qua các buổi sinh hoạt chuyên môn. GV còn có sổ cá nhân để theo dõi những biểu hiện, sự tiến bộ của HS từng ngày. Các GV lựa chọn phương pháp dạy học, đánh giá phù hợp với HSKT. Điển hình như GV tổ chức cho lớp chơi trò chơi học tập nhanh để lôi cuốn HSKT vào việc học,... Việc đánh giá cũng được điều chỉnh phù hợp, GV chú trọng đánh giá, nhận xét động viên khuyến khích sự tiến bộ của HS. GV cũng tăng cường giáo dục các kĩ năng sống cho HSKT, thường xuyên trò chuyện, hỏi han các em việc ở nhà, ở lớp, động viên khuyến khích các em kịp thời, dù là tiến bộ nhỏ nhất. GV chủ nhiệm cũng phối hợp với GV bộ môn, phụ huynh để nắm bắt tình hình của HSKT.

2 năm học vừa qua, với việc nỗ lực thực hiện các giải pháp nói trên, việc giáo dục hòa nhập HSKT của Trường TH Nguyễn Thái Học đã đạt được nhiều kết quả khả quan. HSKT đã biết hoàn thành nhiệm vụ học tập và rèn luyện. Các em chăm ngoan, lễ phép và biết tự phục vụ, tự quản. Đa số các em đến lớp vui vẻ, hòa đồng trong học tập và vui chơi với các bạn trong lớp. 

MAI THỊ HỒNG LEN

(GV Trường TH Nguyễn Thái Học)

;
.