Một nhóm bạn trẻ vốn đam mê môn thể thao leo núi, yêu màu xanh của núi đã cùng nhau nhặt rác, giữ gìn môi trường núi luôn xanh, sạch, đẹp. Đó là những gì mà các thành viên của nhóm Vũng Tàu Trail Runners đã và đang làm vì một Vũng Tàu sạch, đẹp ở mọi lúc, mọi nơi.
Các thành viên nhóm Trail Runners gắn sọt rác và bảng tuyên truyền bảo vệ môi trường vào gốc cây. |
15 giờ ngày Chủ nhật, trời nắng như đổ lửa nhưng những thành viên của nhóm Vũng Tàu Trail Runers vẫn mang sau lưng hàng chục sọt rác, chạy xe lên đỉnh núi Lớn. Từ hẻm 444 Trần Phú (phường 5, TP. Vũng Tàu), các thành viên của nhóm nhanh chóng gửi xe và thực hiện cuộc hành trình xuyên qua ngọn núi Lớn.
Anh Bùi Anh Phương, người được xem là “thủ lĩnh” của nhóm Trail Runners, vừa đi vừa hướng dẫn các thành viên trong nhóm nhặt rác, thu gom vào trong sọt. Các thành viên trong đoàn nhanh tay nhặt từng cái túi ni lông, những cái ly nhựa, vỏ bánh… mà ai đó đã bỏ lại. Đến nơi phân nhánh của 3 ngã rẽ cho những hướng lên núi khác nhau, các thành viên trong nhóm hạ những chiếc sọt rác sau lưng xuống rồi chọn 1 cây chắc chắn để gắn giỏ rác. Anh Trần Nguyễn Minh Tâm (làm việc tại KCN Đông Xuyên, TP. Vũng Tàu) - một thành viên tích cực của nhóm, thoăn thoắt cắt từng đoạn kẽm rồi cột chặt những chiếc giỏ rác lên gốc cây. Anh Bùi Phương Anh cùng một vài bạn nữa cũng nhanh chóng gắn thêm chiếc bảng màu trắng với những câu hết sức dễ thương, gần gũi như: “Vứt rác đúng chỗ, có lỗ gì không”; “Xả rác hôm nay gánh nặng ngày mai”; “Ăn uống đúng nơi rác rơi đúng sọt”; “Hãy xấu hổ vì rác trên đường”; “Nhặt rác để sống khác”…
Vừa đi, Phương Anh vừa kể, anh đam mê môn thể thao leo núi, nhưng chạy bộ một mình trên núi sẽ có nhiều rủi ro, khi gặp vấn đề gì trên đường chạy thì một mình khó xoay xở. Do đó, Bùi Phương Anh đã kêu gọi những người cùng đam mê tham gia và thành lập nhóm Trail Runners. Năm 2019 là khoảng thời gian đầu mới thành lập, nhóm chỉ có ít thành viên nhưng sau 2 năm con số thành viên của nhóm đã lên đến gần 700 người. Mỗi người mỗi công việc khác nhau, nhưng họ đều có điểm chung là đam mê môn thể thao leo núi, thích khám phá cảnh đẹp thiên nhiên của núi rừng BR-VT. Trong quá trình tham gia, Phương Anh và các bạn trong nhóm nhận thấy, dọc các tuyến đường leo núi có rất nhiều rác, trong đó nhiều nhất là các loại rác thải nhựa như: hộp xốp, ly nhựa, bịch ni lông… do những người đi leo núi ăn uống xong rồi bỏ lại. Vì vậy, nhóm đã nghĩ ngay đến việc vừa leo núi rèn luyện sức khỏe, thỏa niềm đam mê lại vừa nhặt rác trên núi mang xuống, để chúng được thu gom, xử lý đúng quy định. Theo Phương Anh, các thành viên trong nhóm thường leo núi khi có thời gian rảnh, mỗi nhóm leo khoảng 10-15 người. Nhưng cuối tuần, Phương Anh thường tạo ra những event (sự kiện) cho các buổi leo như: nhặt rác, gắn sọt, gắn biển tuyên truyền bảo vệ môi trường… Sau 3 tháng thực hiện, nhóm Rail Runners đã gắn được 64 sọt rác trên các cung đường chạy. Những chiếc sọt rác này được mua với giá từ 100.000-130.000 đồng/cái làm từ mây, tre thân thiện với môi trường. Số tiền dùng để mua sắm sọt này được chính các thành viên trong nhóm đóng góp.
Các thành viên nhóm Trail Runnes chuẩn bị sọt rác lên núi để gắn. |
Đường leo núi mỗi lúc một nhỏ dần. Những đoạn đường mòn khá bằng đã hết, nhóm bắt đầu băng qua những con đường nhỏ, dốc, có những chỗ đường trơn trượt đã được Phương Anh đi trước buộc dây cho các thành viên bám dây mà đi. Có những đoạn dốc đá thẳng đứng, để leo qua khỏi dốc cũng “bở hơi tai”. Nhiều đoạn khác, người leo vừa đi vừa phải khom mình xuống mới băng qua được gai góc và tre rừng… Với những người bình thường, để leo được hơn 5km đường núi hiểm trở như vậy, đã mệt muốn bỏ cuộc giữa chừng, vậy mà các thành viên của nhóm Trail Runners không chỉ leo núi, còn phải mang vác những chiếc sọt rác khá nặng trên lưng. Cứ cách 500m, các bạn lại gắn 1 sọt rác và 1 tấm bảng mang thông điệp kêu gọi mọi người ý thức bảo vệ môi trường. Cứ như vậy, vài tuần sau nhóm sẽ quay lại thu gom rác từ các sọt, rồi mang xuống núi để xử lý.
Câu chuyện về niềm đam mê leo núi, về tình yêu thiên nhiên và môi trường với các thành viên trong đoàn vẫn còn dài. Chị Tào Lan, 53 tuổi (82/4, Lê Lợi, TP. Vũng Tàu) cho biết, chị đam mê môn thể thao leo núi và thỉnh thoảng cuối tuần có thời gian rảnh thường tham gia cùng Phương Anh để vừa rèn luyện sức khỏe, vừa chung một tay cùng các bạn trẻ trong nhóm làm lan tỏa phong trào bảo vệ môi trường. Còn chị Nguyễn Thị Phương Thảo (làm việc tại Công ty TNHH MTV Hoa tiêu Tân Cảng, TP. Vũng Tàu) tham gia nhóm ngay từ những ngày đầu mới thành lập. Chị Thảo cho biết, hiện nay nhiều người còn thiếu ý thức, vứt rác bừa bãi trên núi. “Đừng nghĩ, núi rừng mênh mông là không ô nhiễm. Nếu mình đi rồi, để rác lại trên núi thì một ngày nào đó núi rừng sẽ không còn xanh tươi nữa”, chị Thảo nói.
Sau 3 giờ vượt qua hơn 5km đường núi, nhóm cũng đồng thời hoàn thành việc treo 15 sọt rác dọc tuyến đường. Trong phút nghỉ chân nơi trận địa pháo cổ, Phương Anh tâm sự: “Tôi không chỉ mong những cung đường chạy trên núi không còn rác mà tôi còn mơ về những cung đường này mai sau sẽ nở đầy hoa hoặc những cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng của núi. Khi đó, du khách đến Vũng Tàu sẽ không phải ở lại 1 ngày để bơi biển, dạo chơi nữa, họ sẽ mê man khám phá những cung đường núi đẹp tuyệt vời của Vũng Tàu. Những cung đường đó vừa có cây rừng, tre rừng, vừa có hoa đẹp, dọc tuyến đi nơi nào cũng là những góc chụp hình đẹp mê ly”.
Bài, ảnh: QUANG VŨ