Lấy nhau phải... xem tuổi?
Tự bao giờ, con người ta đã nghĩ ra chuyện hài hước: Một khi quyết định đến với nhau, trước hết, điều quan trọng không thể thiếu, không thể không cân nhắc là cả hai có hợp tuổi với nhau hay không? Nam ngắc ngứ hỏi nữ. Nữ phân vân hỏi nam. Cả hai ráo riết hỏi nhau. Và cuối cùng, nếu yếu bóng vía, họ lại cậy nhờ đến ai?
Minh họa: MINH SƠN |
Dám suy luận rằng, quan tâm đến chuyện hợp tuổi chỉ xảy ra khi mà xã hội hình thành thêm nghề kiếm cơm: thầy bói. Chính các thầy bói gà mờ đã nghĩ ra cái trò hợp tuổi và kỵ tuổi cực kỳ rắc rối và mơ hồ này. Có như thế, may ra mới có đôi lứa tìm đến họ đặt quẻ, hỏi han và trông cậy vào khả năng “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý” của họ để tư vấn. Tào lao hết sức.
Căn cứ vào đâu để đưa ra “công thức”: Dần - Thân - Tỵ - Hợi; Thìn - Tuất - Sửu - Mùi; Tý - Ngọ - Mẹo - Dậu là “tứ hành xung”? Căn cứ vào đâu để khẳng định như chắc nịch như bắp rang: Tỵ - Dậu - Sửu; Thân - Tý - Thìn; Dần - Ngọ - Tuất; Hợi - Mẹo - Mùi là “bộ tam hợp tuổi”? Không một ai, dù có trí tuệ thông minh như nhà bác học Albert Einstein cũng không thể lý giải một cách khoa học và thuyết phục.
Mà quỷ quái thiệt, các “nguyên tắc” trên chỉ áp dụng cho phương Đông; trong khi đó, phương Tây đâu có mượn mấy con vật Tý, Sửu, Dần, Mẹo… mà lại là Hải Sư, Sử Nữ, Nhân Mã… kia mà?
Tôi không đi sâu bàn về các tên gọi này. Điều đó, nói lên rằng, sự can thiệp của bất kỳ yếu tố nào, kể cả tử vi đều đi ngược lại bản chất của tình yêu. Danh họa Salvador Dali có nói một câu đơn giản mà kiêu hãnh: “Là họa sĩ thì hãy vẽ đi”. Đã yêu thì hãy cứ yêu đi. Đó chính là bản chất đích thực của tình yêu. Đã yêu là yêu. Thể hiện lấy cảm xúc đó theo cách của mình. Không vay mượn ai khác. Đơn giản vậy thôi. Như ăn, như uống, như hít thở không khí mỗi ngày. Thậm chí rất bản năng nữa là khác. Mẫu hình đó có thể nhìn thấy qua các chàng/nàng trong ca dao ngàn năm nước Việt:
Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo/Ngũ lục sông cũng lội, thất bát đèo cũng qua.
Yêu là bất chấp trở ngại. Vượt qua trở ngại để đến với nhau. Sự cấm đoán, nếu có, từ phía các bậc phụ huynh thì sao? Hãy nghe họ dõng dạc tuyên bố:
Mẹ cha đánh em đến thác, bỏ xác xuống đường mương/Cha mẹ biểu từ ai em từ đặng, chứ người thương em không từ.
Nói cách khác, theo tôi, tính cách trên chính là bản lĩnh bảo vệ tình yêu, xin đừng vội vã gán cho họ cái tội bất hiếu, “áo mặc không qua khỏi đầu”.v.v… Thế thì, cái chuyện rắc rối và mơ hồ vừa nêu trên có thể ngăn cản được nhịp đập của trái tim cuồng nhiệt đang ngày đêm nhảy theo điệu Lambada hoan lạc? Chỉ có thể trả lời là không.
Nếu căn cứ vào cái “công thức” tào lao vừa nêu trên, chỉ có hai tình huống xảy ra:
Một, nếu các đôi lứa nhất nhất áp dụng triệt để tuân theo thì tình trạng ly hôn, ly dị, ly thân hoàn toàn biến mất. Không còn có cơ hội xảy ra. Bởi một khi cưới nhau đã “hợp tuổi ” thì làm sao còn có chuyện “ông ăn chả bà ăn nem”, “đồng sàng dị mộng” nọ nọ kia kia?
Hai, nếu các đôi lứa nhất nhất áp dụng triệt để tuân theo thì chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng có nhiều/rất nhiều người phải chờ phờ râu, đến lúc… sắp chui xuống đất mới có thể tìm ra mẫu người “hợp tuổi” như ý của mình. Bởi lẽ, hợp tuổi nhưng không hợp về quan niệm sống, dung nhan, tính nết, trình độ học vấn, tài chính.v.v… thì chung sống có hạnh phúc?
Theo tôi, chuyện “hợp tuổi” không là cái đinh gì cả. Quan trọng nhất cũng là “hợp” là họ có hợp tính, hợp nết, hợp về lý tưởng… hay không? Đó mới là cốt lõi. Thì cứ cho là hợp tuổi nhưng nếu chàng có tính tình cục cằn, lếu láo, thô lỗ như cái ông “da hàng thịt”, liệu có thể chung sống lâu bền với cô nàng có trái tim nhân hậu, khoan dung của Trương Ba?
LÊ MINH QUỐC