KỶ NIỆM NGÀY NGƯỜI KHUYẾT TẬT VIỆT NAM (18/4)

Đồng hành cùng người khuyết tật

Thứ Sáu, 16/04/2021, 17:55 [GMT+7]
In bài này
.

Trong nhiều năm qua, với sự đồng hành của các cấp chính quyền, hội bảo trợ xã hội, cùng với ý chí của mình, nhiều người khuyết tật (NKT) đã có cơ hội tự lập, vươn lên, hòa nhập cộng đồng. 

Bà Vương Hoàng Phi Oanh tự thiết kế và may sản phẩm cho khách hàng tại tiệm may  của mình.
Bà Vương Hoàng Phi Oanh tự thiết kế và may sản phẩm cho khách hàng tại tiệm may của mình.

Bà Vương Hoàng Phi Oanh (SN 1968, ở số 3625, đường 27/4, tổ 8, phường Phước Hưng, TP. Bà Rịa) tuy là NKT nhưng đã vươn lên, trở thành chủ một tiệm may khang trang với đầy đủ các loại vải, nhiều sản phẩm đẹp như váy, đầm dạ hội, áo dài, thời trang công sở do mình thiết kế. 

Bà Oanh nhớ lại, năm 7 tuổi, trận sốt cao đã để lại di chứng khiến chân trái bà mất cảm giác rồi teo dần. Thấy con ham học, hàng ngày, mẹ và các anh, chị thay nhau cõng con/em đến trường. Học xong THPT, bà quyết định chọn học nghề thiết kế, cắt may thời trang - một ngành nghề phù hợp với mình để tự lập. Năm 1990, sau hơn 3 năm học nghề tại TP. Hồ Chí Minh, bà trở về thuê mặt bằng trên đường Nguyễn Hữu Thọ, TP. Bà Rịa để mở tiệm may. Nhờ khéo léo, cẩn thận từng đường kim mũi chỉ, lại thường xuyên cập nhật mốt mới nên lượng khách hàng tìm đến tiệm may của bà Oanh ngày một đông hơn.

Đến năm 2016, bà chuyển sang thuê mặt bằng trên đường Cách Mạng Tháng Tám, phường Phước Nguyên để trưng bày sản phẩm do mình thiết kế, đồng thời giao khoán cho lao động nhận hàng về may gia công tại nhà. Đầu năm 2020, qua sự giới thiệu của Hội Nạn nhân chất độc da cam và Bảo trợ xã hội (NNCĐDC và BTXH) TP. Bà Rịa, bà Oanh được vay 20 triệu đồng từ chương trình hỗ trợ sinh kế cho NKT của Hội để mua thêm vải, phụ liệu, thiết bị nhằm đa dạng sản phẩm, mở rộng quy mô.

Hiện nay, mỗi năm tiệm may của bà Oanh mang lại thu nhập ổn định hơn 120 triệu đồng; đồng thời tạo việc làm ổn định cho 4 lao động có hoàn cảnh khó khăn, đồng cảnh ngộ, với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, bà còn đào tạo nghề cho nhiều lao động tại địa phương. Một số người sau khi học nghề đã mở được tiệm riêng.

Còn với gia đình bà Dương Thị Hà (SN 1965, khu phố Tường Thành, TT. Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ), căn nhà mới do Hội NNCĐDC và BTXH tỉnh trao tặng là động lực để tiếp tục vươn lên. 12 năm trước, chồng bà Hà mất, bà sống cùng người con trai Nguyễn Hải Âu (SN 2000) bị khuyết tật trí tuệ. Trước đây, bà bán vé số mưu sinh, cũng đủ trang trải cuộc sống của hai mẹ con. Từ khi bị đau khớp gối, đi lại khó khăn và giảm thính lực, không nghe rõ, bà nghỉ bán vé số ở nhà đi chở nước thuê. Khoản trợ cấp cho NKT của con trai và tiền công chở nước thuê chỉ đủ để mẹ con bà sống tằn tiện qua ngày nên mơ ước về một căn nhà mới khang trang là quá tầm với. "Ước mơ của mẹ con tôi về một căn nhà vững chãi đã thành hiện thực. Đây là động lực giúp tôi vượt qua hoàn cảnh khó khăn, an tâm chăm lo cho con trai”, bà Hà chia sẻ. 

Theo thống kê của Hội NNCĐDC và BTXH tỉnh, toàn tỉnh có 10.998 NKT hưởng chính sách xã hội. Năm 2020, Hội đã phối hợp tổ chức khám sàng lọc, tư vấn sức khỏe cho 7.083 lượt NKT; 115 NKT được hỗ trợ vay vốn từ quỹ Hội với số tiền 1,447 tỷ đồng; tặng gần 100 xe lăn cho NKT. Với phương châm xã hội hóa công tác chăm sóc và trợ giúp NKT, những năm qua, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã trao tặng hàng ngàn xe lăn, xe lắc, hỗ trợ tiền làm chân giả, nẹp cho NKT. Nhiều NKT cũng đã được tài trợ chi phí phẫu thuật, trợ giúp pháp lý...

Bà Nguyễn Thị Thanh Thao, Phó Chủ tịch Hội NNCĐDC và BTXH tỉnh cho biết: “Bên cạnh các chế độ, chính sách của nhà nước, thời gian tới, NKT vẫn rất cần sự giúp đỡ của các cá nhân, DN để cải thiện đời sống. "Đồng hành với NKT, Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong chăm sóc, trợ giúp NKT, kêu gọi sự ủng hộ, hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân dành cho NKT”, bà Thao nói.

Bài, ảnh: PHI DŨNG

;
.