HƯỞNG ỨNG NGÀY THẾ GIỚI NHẬN THỨC VỀ CHỨNG TỰ KỶ (2/4)

Đồng hành cùng trẻ tự kỷ

Thứ Năm, 01/04/2021, 18:20 [GMT+7]
In bài này
.

Phát hiện và can thiệp kịp thời, chia sẻ sự yêu thương, chấp nhận sự khác biệt để chăm sóc, giáo dục là những cách để gia đình, nhà trường và cộng đồng đồng hành cùng trẻ tự kỷ.

HS Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Phước An (53/3/1, Lê Hồng Phong, TP.Vũng Tàu) chơi trò chơi vận động trong một buổi dã ngoại tại Công viên Bãi Trước.
HS Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Phước An (53/3/1, Lê Hồng Phong, TP.Vũng Tàu) chơi trò chơi vận động trong một buổi dã ngoại tại Công viên Bãi Trước.

BỀN BỈ, KIÊN TRÌ HỖ TRỢ CON

Gặp bé Gia Bảo, 6 tuổi, con gái chị Lê Minh (Lưu Chí Hiếu, phường 10, TP.Vũng Tàu) trong một lần tham gia các hoạt động ngoại khóa cùng giáo viên, bạn bè của Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Phước An (53/3/1 Lê Hồng Phong, TP.Vũng Tàu), ít ai nhận ra là bé bị chứng tự kỷ. Em vui vẻ, hoạt bát chơi trò đạp xe, nhảy bao bố, nhảy dân vũ cùng bạn. 

Trái ngược với lúc nhỏ, Gia Bảo có những biểu hiện khác thường như hay quấy khóc, sợ những âm thanh lạ, sợ tiếp xúc đông người, bé rất ít nói chuyện, hiếm khi nhìn mẹ. Mãi đến năm con lên 4 tuổi, chị Minh mới biết bé mắc chứng tự kỷ. Dù đã chạy chữa nhiều nơi, nhưng bé không mấy tiến triển. Đến tháng 5/2018, chị Minh cho con vào học lớp chuyên biệt tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Phước An. Tại đây, Gia Bảo được các cô giáo chăm sóc, dạy dỗ các kỹ năng tự lập như làm việc nhà, dạy học văn hóa. Cùng với đó, chị Minh là người luôn đồng hành, dõi theo con. Chị dành hàng giờ để cùng con tô màu, chỉ cho con cách nhồi bột làm bánh, lau nhà, chơi xếp hình. “Giờ đây, khi tôi gọi cháu đã quay lại nhìn mẹ, khá tập trung vào những việc con yêu thích. Tôi dự định sau này sẽ mở một tiệm làm bánh để hai mẹ con cùng làm”, chị Minh vui vẻ nói.

Tuy nhiên, thực tế, không phải trẻ tự kỷ nào cũng phục hồi chức năng nhanh như bé Gia Bảo. Điều đó còn phụ thuộc vào mức độ bệnh, sự can thiệp kịp thời và đúng. Hoặc cũng có khi cha mẹ phải chấp nhận con mình khác biệt để kiên trì, bền bỉ hỗ trợ con. Như trường hợp của chị Nguyễn Thị Huế (Trương Công Định, TP.Vũng Tàu) có con gái Phạm Thu Phương (15 tuổi) mắc chứng tự kỷ. Hiện cháu không có khả năng học văn hóa. Suốt 15 năm qua, hằng ngày, chị luôn bên con, kiên trì từng tí một để chăm sóc, dạy con các kỹ năng sống. “Nay cháu tự đi vệ sinh, biết mời ông bà, ba mẹ uống nước, tự chạy xe đạp chơi trong sân… Nhìn thấy con có tiến triển như vậy như khỏa lấp những nỗi niềm trong tôi”, chị Huế tâm sự.

ĐỪNG BỎ QUA GIAI ĐOẠN “VÀNG” 

Bé Nguyễn Gia Phát, 4 tuổi, con anh Nguyễn Thành Lộc (Lê Trọng Tấn, TP.Bà Rịa) sinh ra lành lặn, nhanh lớn như bao đứa trẻ khác, ngoại trừ việc bé chậm nói, mất tập trung. Năm lên 3 tuổi, Gia Phát mới tập nói nhưng đến nay chỉ mới nói được từ đơn. Nghĩ con chậm nói là chuyện bình thường nên vợ chồng anh Lộc không mấy nghĩ ngợi. Hơn 1 năm trước, anh đưa con đến khám tại một bệnh viện ở TP.Hồ Chí Minh thì được chẩn đoán bé bị mắc chứng tự kỷ. “Anh Hai nó cũng chậm nói nên tôi cứ nghĩ cháu giống anh, không sao cả. Giá như tôi để ý đến con nhiều hơn thì việc điều trị sớm cho con có thể sẽ giúp con tiến triển nhanh hơn”, anh Lộc nói. 

Bà Lê Thị Chính Lan, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Phước An cho biết, trẻ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ thường có các biểu hiện như: Không phát triển hoặc kém phát triển kỹ năng giao tiếp, liên quan đến tương tác mắt, gương mặt. Trẻ không chơi các đồ chơi một cách tích cực, không tương tác với người khác, chậm nói… Vì vậy, cha mẹ cần chú ý quan sát, nhận biết những dấu hiệu bất thường, cho con đi khám tại các khoa chuyên biệt của các bệnh viện để phát hiện sớm và có phương pháp can thiệp kịp thời. Càng phát hiện sớm thì tiến trình phục hồi của trẻ mắc chứng tự kỷ càng nhanh. Giai đoạn “vàng” để can thiệp hiệu quả là khi trẻ dưới 3 tuổi. Cha mẹ cũng cần chuẩn bị tâm lý tốt, học cách chấp nhận sự khác biệt của con để cùng đồng hành. 

Bà Trịnh Thị Cánh, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐTBXH) cho biết, hiện Sở LĐTBXH đang xây dựng dự thảo Kế hoạch thực hiện Quyết định 1929/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình giúp đỡ xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ, và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2030. Kế hoạch hướng đến mục tiêu nâng cao tỉ lệ trẻ tự kỷ được đến trường, được chăm sóc, hòa nhập cộng đồng. Theo đó, các cơ quan, đơn vị liên quan sẽ thực hiện các hoạt động giúp trẻ tự kỷ được tiếp cận với các dịch vụ y tế; cung cấp dịch vụ phát hiện sớm, điều trị, trị liệu và phục hồi chức năng đối với trẻ em tự kỷ; hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật và trang thiết bị cho cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc, giáo dục và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ; xây dựng, triển khai các chương trình, tài liệu bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ quản lý tham gia giáo dục cho trẻ em tự kỷ…

Bài, ảnh: THI PHONG

;
.