Rò luân nhĩ (RLN) là dị tật bẩm sinh ở các trẻ tồn tại một lỗ nhỏ ở da mặt vùng trước tai, thông vào bên trong vùng chân sụn vành tai. Nốt RLN này rất dễ bị nhiễm trùng với các biểu hiện viêm, sưng hay có mùi hôi. Nếu không được điều trị đúng cách, RLN để lại nhiều biến chứng nguy hiểm.
Hình ảnh rõ luân nhĩ ở trẻ. |
ĐIỀU TRỊ RLN BẰNG PHẪU THUẬT
Thời gian vừa qua, Bệnh viện Lê Lợi đã tiếp nhận điều trị cho một số trẻ bị nhiễm trùng nốt RLN. Các trường hợp này không chỉ được điều trị tình trạng viêm mà còn được phẫu thuật để điều trị dứt điểm dị tật này. Gần đây nhất (vào đầu tháng 3/2021) là trường hợp bé N.H.T.A., 15 tháng tuổi, ở đường Lưu Chí Hiếu (TP.Vũng Tàu) bị RLN bên tai phải bẩm sinh nhập viện trong tình trạng bị nhiễm trùng, sưng mũ ở đường rò và có biến chứng áp xe. Bác sĩ của Phòng khám Tai-Mũi-Họng đã thăm khám, hội chẩn và chỉ định bé N.H.T.A. cần phải phẫu thuật cắt đường rò, hút mủ. Sau khi nằm lại bệnh viện một ngày, sức khỏe của bệnh nhân ổn định và xuất viện, vết mổ được cắt chỉ. Theo người nhà bệnh nhân, bé N.H.T.A., được phát hiện bị RLN bên tai phải từ khi mới sinh. Gia đình đã đưa bé đi điều trị nhiều nơi nhưng không khỏi. Rất may, lần này bé được bác sĩ của Phòng khám Tai-Mũi-Họng (Bệnh viện Lê Lợi) điều trị dứt điểm dị tật này.
Theo bác sĩ, RLN là một dị tật bẩm sinh ở trẻ em, biểu hiện ở vùng trước vành tai xuất hiện một lỗ nhỏ, thông vào bên trong vùng chân sụn vành tai, lỗ rò đi sâu vào bên trong và bám vào phần sụn. RLN không đáng ngại nhưng nếu rơi vào trường hợp viêm nhiễm không được điều trị kịp thời sẽ nguy hiểm.
Bác sĩ Lưu Đức Hanh, Phụ trách Phòng khám Tai-Mũi-Họng (Bệnh viện Lê Lợi) cho biết, trung bình mỗi năm, phòng thực hiện phẫu thuật RLN cho từ 20-30 trường hợp bị viêm nhiễm RLN. Bệnh này thường có những dấu hiệu, triệu chứng như: Xuất hiện một lỗ nhỏ ở một hoặc cả hai bên tai, lỗ rò này thông và đi sâu vào bên trong tạo thành đường rò. Đường rò có thể nông hoặc sâu, dài hoặc ngắn (từ vài mm đến 3cm), có thể một nhánh hoặc nhiều nhánh; đau, sưng, mẩn đỏ hoặc có mủ xung quanh lỗ. Tình trạng này là dấu hiệu của nhiễm trùng, viêm mô tế bào hoặc bị áp xe; Xuất hiện một khối u nhỏ, không đau, phát triển ngay cạnh lỗ rò, báo hiệu u nang này làm gia tăng nguy cơ bị nhiễm trùng. Thông thường các triệu chứng này sẽ không đồng thời xuất hiện cùng một lúc ở trẻ em.
CHĂM SÓC TRẺ BỊ RLN ĐÚNG CÁCH
Ngày nay với sự tiến bộ của y học, RLN thường được phát hiện sau khi em bé chào đời qua khám sàng lọc sau sinh. Khi đó em bé sẽ được khám chuyên khoa và các phụ huynh sẽ được tư vấn, hướng dẫn chăm sóc hợp lí. Đối với các trường hợp bị bỏ qua, bệnh có thể được phát hiện một cách tình cờ khi bệnh nhân đến khám do gặp các bệnh khác hoặc đến khám khi phát hiện có lỗ rò ở vùng trước tai, sưng đau ở vùng trước tai. Thực chất RLN chỉ là một lỗ rất nhỏ trên vành tai nên có những trường hợp trẻ chung sống cả đời với dị tật đó mà không gây ra biểu hiện gì ảnh hướng đến sức khỏe của trẻ. Ngược lại, có những trường hợp bị viêm nhiễm, sưng nóng đỏ đau, gây áp xe xung quanh sẽ ảnh hưởng đến chức năng thẩm mĩ, chất lượng cuộc sống của trẻ. Bệnh này không hề gây nguy hiểm, nhưng bố mẹ phải lưu ý chăm sóc trẻ nhỏ trong việc vệ sinh sạch sẽ hàng ngày để tránh nguy cơ trẻ bị nhiễm trùng.
Cũng theo bác sĩ Hanh, việc điều trị RLN cần được các bác sĩ chuyên khoa thực hiện, mỗi giai đoạn của bệnh sẽ có phương pháp điều trị riêng. Trong trường hợp lỗ rò không bị nhiễm trùng, không cần sự can thiệp của bác sĩ, phụ huynh sẽ được tư vấn tự vệ sinh cho con trẻ. Khi lỗ rò có dấu hiệu nhiễm trùng sớm như sưng đỏ, thì bác sĩ kê thuốc kháng sinh, kháng viêm cho trẻ. Những trường hợp nặng như áp xe, cùng với điều trị nội khoa, bác sĩ chọc và hút dịch từ ổ áp xe. Trong trường hợp áp xe không đáp ứng với kim hút, bắt buộc phải rạch tháo mủ. Bên cạnh đó, còn có phương pháp phẫu thuật cắt bỏ đường rò tránh việc tái phát nhiễm trùng. Ở cách làm này, bác sĩ phải gây mê toàn thân và thực hiện phẫu thuật. Hiện nay, phẫu thuật RLN là tiểu phẫu đơn giản và khá an toàn. Phẫu thuật chỉ kéo dài trong thời gian ngắn, bệnh nhân có thể xuất viện ngay trong ngày mà không cần thiết phải ở nội trú.
Những trẻ có dị tật RLN không bị sưng viêm, phụ huynh chỉ cần vệ sinh đúng theo những chỉ dẫn của bác sĩ như: Không được nặn, bóp hoặc dùng tăm bông đưa vào sâu bên trong lỗ rò; vệ sinh vùng mang tai và xung quanh lỗ rò hàng ngày bằng nước sạch, tốt nhất là nước muối sinh lý. “Trong trường hợp dịch nhầy tiết ra ngoài lỗ rò, phụ huynh dùng bông thấm nước muối sinh lý và nhẹ nhàng lau sạch. Khi bắt đầu thấy lỗ có phản ứng viêm, sưng, bố mẹ hãy đưa trẻ tới gặp bác sĩ chuyên khoa để có liệu trình điều trị đúng cách và mang lại hiệu quả nhanh”, bác sĩ Hanh tư vấn thêm.
Bài, ảnh: TUỆ LÂM