Thời gian gần đây, tại tỉnh BR-VT cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước đã xảy ra nhiều vụ cháy nhà dân, nhà ở liền kề kết hợp kinh doanh. Các vụ cháy đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Đây là hồi chuông cảnh báo đối với những nhà ở không có lối thoát hiểm.
Các lực lượng chức năng đang thu thập chứng cứ để điều tra nguyên nhân vụ cháy. |
THIỆT HẠI NGHIÊM TRỌNG
Vẫn chưa hết bàng hoàng khi may mắn thoát khỏi vụ cháy xảy ra rạng sáng 7/4, bà Lý Lệ Hoa (số 2/3 Trần Quốc Toản, phường Thắng Nhì, TP. Vũng Tàu) run run kể: “Gần 12 giờ đêm 6/4, khi tôi đang ngủ thì nghe tiếng hô thất thanh “cháy nhà”. Tôi bật dậy mở cửa sổ nhìn ra bên ngoài thì thấy lửa kèm khói đen bốc lên nghi ngút sát nhà mình nên đánh thức con, cháu. Sau đó, tôi lấy xe lăn đưa ông xã (bị liệt) rồi cùng chạy lên phía khu nhà lồng chợ Bến Đình”. Theo bà Hoa, vụ cháy đã khiến căn nhà của gia đình bà bị hư hại nặng, đồ đạc bị thiêu rụi gần hết nhưng may mắn không ai bị thương.
Các vật dụng trong nhà bà Lý Lệ Hoa bị lửa thiêu rụi, làm biến dạng không thể sử dụng. |
Gương mặt thẫn thờ nhìn những cây cột gỗ của dãy nhà trọ bị cháy đen còn sót lại, bà Võ Thị Cẩm Tú (số 2/5 Trần Quốc Toản) cho biết, bà đang ngủ trong nhà thì nghe tiếng la lớn "Cháy, cháy", nên chỉ kịp đánh thức mọi người mở cửa chạy thoát thân. Ngọn lửa lan rất nhanh, đã thiêu rụi căn nhà cùng 5 phòng trọ của gia đình bà.
Theo quan sát của chúng tôi, con hẻm dẫn vào khu nhà của các hộ dân nói trên khá hẹp nên xe chữa cháy khó tiếp cận khi xảy ra cháy nổ. Hơn nữa, những căn nhà ở đây chủ yếu dựng tạm bằng vật liệu gỗ, mái tôn nên chỉ trong thời gian ngắn từ khi lửa bùng phát, căn nhà đã bị thiêu rụi, đổ sập. Tại hiện trường, chúng tôi còn chứng kiến tường gạch của một số hộ dân bị sức nóng của ngọn lửa làm nứt toác và những vật dụng trong nhà như: tủ lạnh, quạt, máy lạnh, soong, nồi, rổ, rá bị lửa thiêu cháy đen, làm biến dạng.
Ông Võ Văn Quyền, Chủ tịch UBND phường Thắng Nhì cho biết, các căn nhà trên chủ yếu là nhà tạm, xây dựng ven kênh Bến Đình. Hệ thống dẫn điện câu mắc lộn xộn, nơi đun nấu, thờ cúng gần các vật liệu dễ cháy nên tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao. Bên cạnh đó, thời điểm xảy ra cháy có gió lớn nên tốc độ cháy lan nhanh. May mắn không có thiệt hại về người nhưng 9 phòng trọ đã bị thiêu rụi hoàn toàn và 4 nhà dân sát bên hư hại nặng. Nguyên nhân ban đầu được xác định do chập điện.
Thực tế cho thấy các vụ cháy nhà dân liền kề thường gây thiệt hại lớn về người và tài sản ở nhiều địa phương trong cả nước. Đơn cử, rạng sáng 4/4, ngôi nhà 3 tầng trên đường Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, TP. Hà Nội bất ngờ bốc cháy khiến 4 người tử vong. Trước đó, rạng sáng 30/3, vụ cháy nhà dân trên đường Nguyễn Thị Định, phường Cát Lái, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh đã làm 6 người chết và 1 người bị thương nặng. Tương tự, 3 giờ sáng 25/3, một vụ cháy xảy ra tại căn nhà cấp 4, nằm trong hẻm Phạm Thế Hiển, phường 4, quận 8, TP. Hồ Chí Minh đã khiến 3 người trong gia đình thiệt mạng.
Vì sao cháy vào ban đêm nguy hiểm hơn?
Các vụ cháy nhà xảy ra vào ban đêm thường do chập điện. Đa số các nạn nhân thiệt mạng trong lúc đang ngủ vì không hề biết xảy ra cháy nhà mình. Một số nạn nhân khi phát hiện cháy nhà thì đã quá muộn, không thể tự thoát ra ngoài, bởi trong đám cháy nếu không có thiết bị dưỡng khí, con người chỉ chịu đựng được vài phút, thậm chí nếu ngủ say, nạn nhân sẽ bị hôn mê và chết trước khi kịp phát hiện ra cháy.
(Thượng tá Nguyễn Ngọc Phi, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH-Công an tỉnh)
|
LÀM GÌ ĐỂ PHÒNG TRÁNH?
Trên địa bàn tỉnh có hơn 44 ngàn nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng như: khí hóa lỏng, nhà nghỉ, khách sạn, tạp hóa, quần áo, sản xuất bánh kẹo, nghề thủ công… Các loại nhà này được thiết kế, xây dựng theo kiểu nhà ống, chỉ có lối đi lại ở cửa chính, đồng thời cũng là cửa thoát nạn, mà không có lối thoát nạn dự phòng, cũng như không có giải pháp ngăn cháy lan, chống tù khói.
Theo Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (PC07) - Công an tỉnh, những căn nhà nêu trên luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Tuy nhiên, ý thức của người dân về công tác PCCC chưa cao, còn chủ quan, lơ là. Bên cạnh đó, các gia đình thường lắp đặt, gia cố thêm khung sắt kiên cố chống trộm, biển quảng cáo che kín ban công, mặt tiền nhà nên khi xảy ra cháy không chỉ không có lối thoát nạn mà còn gây khó khăn cho công tác cứu người và triển khai chữa cháy.
Do đó, để ngăn ngừa PCCC, ngoài vai trò của cơ quan chức năng, bản thân mỗi người dân cũng cần chủ động tìm hiểu kiến thức, kỹ năng cơ bản về PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Người dân cần tích cực tham gia các buổi tuyên truyền, huấn luyện về PCCC do cơ quan Cảnh sát PCCC và địa phương tổ chức. Mặt khác, mỗi gia đình cần thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, các thiết bị tiêu thụ điện nhằm phát hiện và khắc phục kịp thời nguy cơ cháy, nổ do chạm chập, quá tải. Hệ thống điện phải được thiết kế riêng biệt giữa các khu vực với nhau, phải có thiết bị bảo vệ chống quá tải (cầu chì, aptomat...); không nên sử dụng nhiều thiết bị điện trên cùng một ổ cắm. Khi lắp thêm các thiết bị tiêu thụ điện phải tính toán để không gây quá tải cho hệ thống điện; khi không sử dụng hoặc ra khỏi nhà phải tắt các thiết bị tiêu thụ điện.
Khu vực kinh doanh, sản xuất phải trang bị số lượng bình chữa cháy theo quy định, phải biết cách sử dụng các dụng cụ, phương tiện PCCC, cách thoát nạn khi có sự cố. Hàng hóa dễ cháy phải bố trí cách các thiết bị điện, các thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt ít nhất 0,5m. Không để hàng hóa, vật tư gây cản trở lối và đường thoát nạn. Bố trí nơi thờ cúng hợp lý, các bức tường xung quanh và trần phía trên bàn thờ phải bằng vật liệu không cháy. Đèn, hương, nến phải đặt chắc chắn trên các vật không cháy, cách xa vật dễ cháy, hạn chế tối đa để vàng mã, hương, nến trên bàn thờ.
Ô tô, xe máy và các phương tiện dụng cụ có xăng dầu, chất lỏng dễ cháy để trong nhà phải cách xa bếp đun nấu, nguồn sinh nhiệt và không cản trở lối thoát nạn. Không lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can nhà cao tầng. Trường hợp đã lắp đặt thì phải có cửa chốt trong và không được khóa, chuẩn bị sẵn thang, thang dây để thoát nạn khi xảy ra cháy. Đối với nhà chỉ có 1 lối thoát nạn, phải bố trí lối thoát nạn thứ 2 bằng cầu thang ngoài nhà hoặc thang nối giữa các tầng nhà hoặc lối ra khẩn cấp như: lối thoát qua ban công, lối lên sân thượng hoặc lên mái để có khả năng thoát nạn sang các nhà liền kề hoặc khu vực an toàn. Cửa có nhiều khóa nên sử dụng các loại khóa kiểu chìa khác nhau để dễ phân biệt khi mở và quy định nơi để chìa khóa dễ lấy, dễ thấy. Nhà có trẻ nhỏ, người già, người tàn tật thì phải có nhiều biện pháp thoát nạn, cứu người phù hợp và không được khóa cửa phòng của những người này…
Ngoài các biện pháp nêu trên, Thượng tá Nguyễn Ngọc Phi, Trưởng phòng PC07 khuyến cáo: “Khi phát hiện cháy, người dân phải báo động, hô hoán, ngắt toàn bộ hệ thống, thiết bị điện khu vực bị cháy, sử dụng các phương tiện chữa cháy ban đầu như bình chữa cháy, nước (khi đã ngắt điện), cát, chăn ướt… để dập lửa. Đồng thời, gọi điện cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp và thông báo đến các cơ quan chức năng gần nhất”.
-------
UBND tỉnh đã có văn bản số 12595/UBND-VP gửi các sở, ngành, huyện, thành phố, thị xã và các các cơ quan, DN trên địa bàn tỉnh về tăng cường công tác đảm bảo an toàn PCCC mùa khô năm 2021.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Công an tỉnh tăng cường công tác điều tra cơ bản, rà soát, nắm chắc địa bàn, phân loại cơ sở theo mức độ nguy hiểm cháy nổ; tăng cường công tác thanh, kiểm tra an toàn PCCC, phát hiện và đề ra biện pháp, giải pháp để khắc phục kịp thời những sơ hở, bất cập trong công tác PCCC và CNCH nhằm phòng ngừa, ngăn chặn các nguyên nhân dẫn đến cháy, nổ mất an toàn về PCCC; tiếp tục đẩy mạnh nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về PCCC và CNCH; thực hiện nghiêm chế độ thường trực sẵn sàng chiến đấu, nhận và xử lý nhanh tin báo cháy; chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh tổ chức hội thao nghiệp vụ chữa cháy và CNCH cho lực lượng PCCC cơ sở, chuyên ngành, dân phòng năm 2021.
Sở Công thương phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm tra hướng dẫn cơ sở sản xuất, kho tàng, chợ, các KCN thực hiện các biện pháp an toàn PCCC đối với hàng hóa có nguy cơ về cháy, nổ; xử lý các hành vi vi phạm trong các hoạt động như sản xuất, tồn, chứa, kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng…
Sở Xây dựng phối hợp với Công an tỉnh và đơn vị liên quan trong công tác thẩm định, nghiệm thu công trình xây dựng gắn với thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC. UBND các huyện, thị xã, thành phố nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH đối với khu dân cư, cơ sở thuộc phạm vi, thẩm quyền, địa bàn quản lý.
Bài, ảnh: TRÍ NHÂN