- Bạn hiền đi đâu đó?
- Đi mua ớt về phơi khô, xay làm bột.
- Sao về sớm vậy?
- Nguồn cung dồi dào, ớt tươi bày… đỏ chợ, giá rẻ rề, đâu phải tìm đỏ mắt như năm trước đâu mà không về sớm.
- Giá thế nào mà rẻ?
- Trước Tết Tân Sửu giá ớt 150.000 đồng/kg, hiện chỉ còn 3.500 đồng/kg, không bằng… 1 gói mì tôm loại trung bình.
- Sao giá ớt rớt thê thảm vậy?
- Tại thương nhân Trung Quốc ngừng mua. Thương lái xứ mình nói vậy. Ông cũng nên mua vài ký, góp phần “giải cứu” ớt xứ mình.
- Giải cứu mít, chuối hoặc dưa hấu, thanh long thì tui có thể tham gia chứ giải cứu ớt thì chịu. Cả tháng nhà tui ăn chưa hết 1 lạng ớt ông à.
- Cái vòng lẩn quẩn “được mùa mất giá, được giá mất mùa” không biết khi nào mới đi vào hồi kết?
- Khó nói lắm. Nhà nông xứ mình có một điểm yếu: thấy cây, con gì được giá là đổ xô vô nuôi, trồng. Mít, thanh long, chuối, ổi, khoai lang tím đều theo một “kịch bản” như thế. Đến khi bên mua đột ngột cắt “cầu”, đầu ra bị nghẽn, giá tuột te tua.
- Tui nhớ có mô hình liên kết 2 nhà - nhà nông và doanh nghiệp thể hiện qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm, bảo đảm đầu ra. Sao không đẩy mạnh mô hình ấy ông hả?
- Vì giữa 2 nhà chưa xây dựng được sự tin tưởng lẫn nhau trong quan hệ liên kết. Vào lúc này chỉ trông chờ vào…
- Vào ai?
- Các bác khuyến nông. Chỉ khi cơ quan khuyến nông theo dõi “nhịp đập thị trường”, sớm đưa ra khuyến cáo, nông dân mới không chạy theo phong trào trồng rồi chặt, chặt rồi trồng…
SÁU BẾN ĐÌNH