Có những người từ khi biết yêu, họ chỉ yêu một người, sau đó, cưới làm vợ/chồng và chung sống hạnh phúc trăm năm. Mẫu người như thế không nhiều lắm đâu, chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.
Minh họa: MINH SƠN |
Hầu hết chúng ta từ lúc “Đứng ngẩn trông vời áo tiểu thơ” (Huy Cận), con tim biết nhảy Tango theo cảm xúc rộn ràng tinh khôi đến lúc cưới một người về làm vợ, hẳn đã từng có dăm mối tình “vắt vai” chứ gì? Đúng lắm. Không ít trường hợp éo le, nếu không cưới được cô này, chẳng thà chết quách cho xong, thế nhưng họ vẫn sống nhăn răng và… tiếp tục yêu nữa! Yêu cho đến bao giờ cưới được vợ mới thôi. Mà cũng chưa chắc đã thôi đâu, có người vẫn còn tiếp tục… yêu nữa. Yêu thêm lần nữa. Nói như thế để thấy khả năng yêu ở người đàn ông là bất tận. Trong cuộc đời trước và sau khi lấy vợ, họ đã từng thăng hoa, đã từng trần ai với biết bao nhan sắc.
Vậy, một khi đã “rửa tay gác kiếm”, đã yên bề gia thất thì những người cũ ấy “bỏ” đâu?
Tưởng dễ nhưng lại là bài toán hóc búa. Tôi có anh bạn rơi vào hoàn cảnh lúc chuẩn bị “lên xe hoa” với cô A, là như nhiều đấng mày râu khác, anh ta đã yêu nhiều người, sâu đậm nhất vẫn là cô B. Ngày đó thắm thiết, nồng nhiệt, âu yếm làm sao. Không chỉ tin nhắn, viết cho nhau nhiều lá thư mùi mẫn yêu đương mà còn chụp nhiều hình ảnh tình tứ với cô B. Anh ta vẫn còn lưu giữ trong máy tính, trong vài cuốn album. Những “báu vật” này, anh ta vẫn gìn giữ cẩn thận dù sau đó, mối tình tan vỡ và cô B. đã là “vợ của người ta”.
Với những chứng cứ này, trước ngày cưới A., phải “xử lý” ra sao?
Nếu đốt, xé, xóa bỏ, anh ta không nỡ. Vậy trả lại cho B. có phải phương án tốt không? Không. Nếu chồng B. nhìn thấy được thì sao? Gay go quá! Thôi thì, anh ta vẫn tiếp tục cất giữ? Cũng không nên. Liệu vào một ngày nào đó, vợ mình bất ngờ phát hiện ra? Ấy là chưa nói, sau này con cái nhìn thấy, hẳn sẽ còn rắc rối bội phần! Ô hay! Những hình ảnh, thư từ này đã thuộc về quá khứ rồi kia mà? Vẫn biết thế nhưng trong đời sống hôn nhân, có nhiều chuyện không thể nghĩ một cách đơn giản.
Vậy, “bí kíp” nào khả dĩ nhất?
Câu hỏi này chỉ khó với đàn ông, chứ phụ nữ thì dễ dàng lắm. Một khi đã se duyên kết tóc, ăn đời ở kiếp với ai thì tình cũ/người cũ lập tức trở thành dĩ vãng, họ mạnh dạn “gài số de” cho tất cả trở về quá khứ. Không phải họ nặng về lý trí, xem nhẹ cái tình đã có - đã trở thành phần phần của ký ức mà chính từ đây, cuộc đời họ đã lật qua trang mới với mối quan tâm lớn nhất: con cái. Có thể lúc đó, dù còn yêu người tình cũ hơn yêu chồng đi nữa, nhưng họ cũng gạt phắt qua một bên, cho ra ngoài bộ nhớ cũng vì con với cái. Không thích sự nhùng nhằng diễn ra trong tình cảm lúc đã có chồng.
Về tâm lý này, nhà văn Thạch Lam phân tích đúng lắm, đại khái, cô Liên đã có chồng nhưng không hạnh phúc, từ mẹ chồng thường nhiếc mắng, hành hạ đến anh chồng vũ phu khiến cô đã sống tháng ngày âu lo, tẻ nhạt, khổ sở. Ngày kia, người tình cũ là Tâm rủ cô hãy bỏ nhà đi theo anh ta. Vâng, mọi việc sẽ diễn ra, cô ta sẽ đi ngay vì vẫn còn đang yêu Tâm, vì muốn thoát khỏi mọi hắc ám nhà chồng?
“Sao nàng không đi với Tâm được? Ai cấm?. Mà tội gì nàng ở đây để chịu những nỗi khổ sở như thế này? Phải đi, đi để thoát nơi địa ngục, đi để hưởng chút hạnh phúc mà nàng có quyền được hưởng ở đời. Nhưng đến ngày mai, những điều dự định của Liên tiêu tán cả. Nàng ẵm con ra tiễn Tâm ngoài ga, rồi để Tâm một mình bước lên xe hỏa mang theo đi cái hy vọng cuối cùng của đời nàng. Khi đoàn xe đã khuất, Liên thấy bao nhiêu nỗi đau khổ trỗi dậy ngập lòng. Nàng gục đầu vào chiếc cột sắt, rồi òa lên khóc”. Có phải Liên hèn yếu, thiếu dũng cảm? Ở đây, tôi không bàn đến, chỉ muốn nhấn mạnh rằng, với phụ nữ thì người tình cũ khó lòng có thể làm điều gì đó để họ quay trở lại.
Trong khi đó, với đàn ông lại khác, dù đang hạnh phúc với vợ con nhưng với người cũ, nếu cần họ cũng sẵn sàng mở lòng ra. Họ nghĩ rằng, những thư từ, hình ảnh liên quan đến người tình cũ sờ sờ trước mắt nhưng có “chết thằng Tây đen” nào đâu, vì về danh nghĩa, ta đây đã là người đàn ông có vợ, giấy trắng mực đen của luật pháp đã ghi rành rành thì “nhằm nhò gì ba chuyện lẻ tẻ” đó? Từ đó, do suy nghĩ này nên mới dẫn sự nhùng nhằng, không biết “bỏ” những người tình cũ ở đâu là vậy.
Có lẽ mọi việc sẽ không là “cái đinh” gì, nếu cô vợ không thèm quan tâm đến những thứ “vớ vẩn” kia, bởi nó đã thuộc về quá khứ. Được vậy, tốt quá. Nhưng xin thưa, trên đời này, dẫu có đi cùng trời cuối đất cũng khó có thể tìm ra người vợ nào độ lượng đến thế đâu. Họ không thích những gì đã có trước, kể cả quần áo, vật dụng mà các cô trước đã sắm cho một người mà nay mình gọi là chồng, chứ đừng nới gì đến hình ảnh âu yếm, thân mật kia. Không thích là không thích. Chỉ thế thôi. Phải xóa sạch, chứ họ không thèm lý giải, phân tích lòng vòng.
Trong trường hợp cụ thể này, hai tính cách khác nhau về tâm lý lại chung sống một nhà, vậy “bí kíp” nào để trong ấm ngoài êm? Nghĩ rằng, một khi đời mình đã bắt đầu “lật sang trang mới”, điều cần thiết nhất vẫn là toàn tâm toàn ý hướng về phía tương lai. Sự dứt khoát ấy, cần thiết không chỉ cho mình mà còn cho những người đã và đang liên quan đến mình. Há chẳng phải sự lựa chọn thiết thực và khôn ngoan đấy sao?
LÊ MINH QUỐC