Các trang mạng từ lâu được xem như một kênh học tập, giải trí hữu ích cho trẻ. Tuy nhiên, nhiều trang mạng có những nội dung phản cảm, hình ảnh độc hại đang ảnh hưởng tiêu cực tới trẻ em, nhất là sau hàng loạt những vụ việc thương tâm xảy ra cho trẻ do học và làm theo một số clip trên kênh YouTube. Thực trạng này đặt ra yêu cầu cấp bách về việc bảo vệ trẻ em trước các nội dung không lành mạnh, hành vi lệch lạc trên mạng xã hội (MXH).
Ngoài biện pháp ứng phó trước các rủi ro trên môi trường mạng, phụ huynh cần cho trẻ tham gia các hoạt động cùng gia đình. Trong ảnh: Trẻ em và cha vui chơi tại Quảng trường Bà Rịa. Ảnh: QUANG VINH |
HỆ LỤY KHÔN LƯỜNG
Vào những ngày nghỉ cuối tuần, P.M.N., HS lớp 7, Trường THCS Nguyễn Thái Bình (TP. Vũng Tàu) được ba mẹ cho xem ti vi khoảng 1 giờ. Mỗi lần N. đều mở cho em trai xem cùng. Gần đây, chị H., mẹ N. thấy 2 con có biểu hiện lạ, nhất là vào buổi tối trước khi đi ngủ, các con đều tỏ ra lo lắng, sợ hãi không dám ngủ một mình như trước. Gặng hỏi mãi, N. mới khai với mẹ là do 2 chị em đã xem clip kể về búp bê ma trên YouTube nên bị ảm ảnh và rất sợ ma. Theo lời kể của H., khi nghe các bạn ở trường truyền tai nhau về các clip trên mạng, em tò mò vào xem và dần dần bị lôi cuốn theo.
Để bảo vệ trẻ khỏi các clip độc hại trên mạng, phụ huynh cần dành thời gian kiểm tra con mình đang xem kênh YouTube nào để nhắc nhở, hướng dẫn con xem các kênh YouTube KID phù hợp với lứa tuổi. Trong ảnh: Trẻ em được phụ huynh đưa đi chơi tại Công viên Bà Rịa (TP. Bà Rịa). Ảnh: TUYẾT MAI |
Nhiều phụ huynh đã phản ứng gay gắt trước những clip phản cảm, ảnh hưởng xấu đến tâm lý của trẻ. Đặc biệt, nhiều clip dán nhãn “dành cho trẻ em” nhưng nội dung không phù hợp được lan truyền trên mạng xã hội. Anh Trần Xuân Tú (phường 10, TP. Vũng Tàu) kể: “Một lần, khi cháu bé 5 tuổi nhà hàng xóm sang chơi, tôi giật mình khi nghe cháu chửi tục. Hỏi ra thì cháu trả lời là xem trên mạng và học theo chú Huấn (Huấn hoa hồng-PV)”. Đây là kênh thu hút hàng ngàn lượt xem và bình luận, chủ yếu là lứa tuổi học sinh, trẻ em. Anh Tú cho biết, 2 con của anh, bé 3 tuổi và 7 tuổi đều rất thích xem các kênh dành cho trẻ trên YouTube. Mỗi ngày, các con được xem 30 phút để giải trí. “Sau một thời gian tôi thấy con hay bắt chước làm theo các clip trên mạng như thử đun lon nước ngọt, cho đá vào chai kín để phát nổ... khiến vợ chồng tôi rất lo lắng và cấm con xem. Tuy vậy, đôi khi khó kiểm soát vì không phải lúc nào cũng ngồi xem cạnh con được”, anh chia sẻ.
Phụ huynh có thể cùng con cài đặt danh sách các chương trình con thích xem và có thể bật chức năng kiểm soát của phụ huynh để biết con đang xem gì và tìm kiếm gì, cũng có thể tắt chức năng tìm kiếm đối với trẻ nhỏ. Hãy nói với trẻ rằng, ba mẹ đang cố gắng bảo vệ con an toàn chứ không phải kiểm soát con. Nếu là trẻ dưới 7 tuổi, hãy bảo đảm rằng con chỉ xem các chương trình cùng với phụ huynh hoặc phụ huynh đã xem qua trước đấy, không nên bỏ mặc con cùng thiết bị một mình. Ngoài ra, thời lượng xem cũng rất đáng quan tâm. Trẻ dưới 7 tuổi chỉ nên xem clip không quá nửa tiếng.
(Bà Nguyễn Phương Linh, chuyên gia về giáo dục trẻ em, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý phát triển bền vững)
|
Cũng như anh Tú, nhiều phụ huynh giật mình, chợt nhận ra con mình đang từng ngày bị ảnh hưởng, “đầu độc” bởi những clip xấu trên kênh YouTube. Hiện nay, hầu hết các gia đình đều có tivi, máy tính kết nối Internet nên việc truy cập, theo dõi các clip trên mạng của trẻ em khá thường xuyên, nhưng các bậc phụ huynh lại quên đi việc kiểm soát nội dung mà các con mình đang xem. Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững, có hơn 66% trẻ em có thể tiếp cận Internet, trong đó 43,4% sử dụng trung bình từ 1-3 giờ/ngày. Trong khi, trẻ em là những đối tượng tiếp cận nhanh với công nghệ thông tin, nhưng cũng là đối tượng dễ bị tổn thương do chưa có đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ mình.
Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã nỗ lực sàng lọc, gỡ bỏ những website gây hại cho trẻ; thậm chí YouTube đã xây dựng nền tảng YouTube KID dành riêng cho trẻ. Tuy nhiên, vẫn có những lỗ hổng để kẻ xấu lợi dụng. Anh Nguyễn Văn Dương ở TP. Vũng Tàu cho biết, 2 con anh thích xem video hoạt hình trên ứng dụng YouTube KID. Đây được xem là kênh ứng dụng khá an toàn cho trẻ em nhưng khi trẻ xem xong nội dung ban đầu thì các clip với nội dung thiếu lành mạnh lại tự động xuất hiện. “Ngay cả những kênh tưởng an toàn nhưng vẫn có những kẽ hở như vậy, khiến tôi rất lo lắng cho sự an toàn của các con”, anh Dương bày tỏ.
Để tránh “nhiễm độc” cho trẻ từ mạng xã hội, phụ huynh cần có biện pháp kiểm soát phù hợp các trang mạng trẻ xem. Ảnh: TUYẾT MAI |
CẦN CHẾ TÀI ĐỦ MẠNH
Thời gian qua, với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, nhiều tài khoản YouTube đã bị xử lý khi đăng tải các clip “rác”. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng việc xử phạt này chưa đủ sức răn đe. Bà Trịnh Thị Cánh, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐTBXH cho rằng, để bảo vệ trẻ trước các thông tin độc hại trên mạng, các cơ quan quản lý nhà nước không chỉ thắt chặt việc quản lý nội dung mà quan trọng hơn là phát triển các chính sách, các nền tảng và các phong trào tương tác lành mạnh trên môi trường mạng. Bên cạnh đó, các DN cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng cũng có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm nền tảng của họ là an toàn và hữu ích đối với trẻ em, sẵn sàng gỡ bỏ, chặn những tài khoản, những nội dung không lành mạnh trên môi trường mạng.
Việc cấm cản không giải quyết được tận gốc rễ của vấn đề ngăn ngừa trẻ tiếp cận với thông tin xấu độc trên môi trường mạng. Bởi với tâm lý lứa tuổi của các em, việc cấm đoán càng khiến các em tò mò, muốn khám phá, tìm hiểu. Quan trọng hơn cả là phải giúp các em nhận thức được cái tốt, cái xấu để tự bản thân các em tạo được “miễn dịch” trong mọi tình huống. Tới đây, ngành sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức các chương trình tư vấn tâm lý lứa tuổi trong thời đại công nghệ cho HS và phụ huynh. Qua đó, giúp các em HS có kiến thức, kỹ năng, biết nhận diện mặt tốt, mặt xấu để tránh được những tác động tiêu cực của mạng xã hội, giúp phụ huynh có thêm kiến thức về tâm lý lứa tuổi của trẻ, cũng như nâng cao ý thức trách nhiệm để đồng hành cùng nhà trường trong việc giáo dục, chăm sóc trẻ.
(Bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT)
|
Về phía gia đình và nhà trường, việc giáo dục cho cả cha mẹ, thầy cô và trẻ em về các kiến thức số, bao gồm các rủi ro trên môi trường mạng cần được đẩy mạnh. Việc này cần được triển khai thực chất để tất cả đều có tư duy phản biện và biện pháp ứng phó trước các rủi ro trên môi trường mạng. “Chúng ta không cấm được trẻ em sử dụng công nghệ nhưng cần có những hành động thiết thực hơn nữa để bảo vệ con em mình”, bà Cánh nói.
Trao đổi xung quanh vấn đề nói trên, bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD- ĐT cho biết, Sở đã yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm kế hoạch tăng cường quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng đối với HS trên môi trường mạng năm 2021 và định hướng đến năm 2025 do Bộ GD- ĐT ban hành nhằm giảm thiểu tác động của những thông tin độc hại đối với HS. Căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ của cấp học và lứa tuổi HS, nhà trường cần quan tâm đến việc nâng cao năng lực, kỹ năng khai thác, sử dụng thông tin trên môi trường mạng cho HS, từ đó giúp các em biết chọn lọc thông tin hữu ích, tránh xa những thông tin độc hại, không phù hợp lứa tuổi.
NHÃ UYÊN
4 cách quản lý con dùng internet hiệu quả
Cha mẹ nên dành thời gian cùng con cái khám phá môi trường mạng, bàn luận cùng con và chỉ rõ cho con cái gì tốt, cái gì xấu. Ảnh: Internet |