Tài năng, nhiệt huyết, sống có ước mơ, hoài bão, 3 HS Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn là Phạm Ngọc Anh, Trần Khánh Bằng và Nghiêm Thảo Tâm đã xuất sắc vượt qua hàng ngàn ứng viên để giành học bổng tài năng của VinUni - Trường ĐH tinh hoa và tư thục phi lợi nhuận đầu tiên tại Việt Nam. Báo Bà Rịa-Vũng Tàu trân trọng giới thiệu 3 gương mặt tài năng này.
Phạm Ngọc Anh (bìa trái) nhận giải thưởng “Tri thức trẻ vì Giáo dục năm 2020” do Bộ GD-ĐT tổ chức. |
Học giỏi, nhiệt huyết với các hoạt động vì cộng đồng, cô nàng lớp trưởng Phạm Ngọc Anh (12 chuyên Toán 1, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) đã giành học bổng của nhiều trường ĐH danh tiếng trong và ngoài nước. Trong đó, Học bổng tài năng 100% (trị giá khoảng 3,3 tỷ đồng/khóa) ngành Quản trị Kinh doanh, Trường ĐH VinUni - ngôi trường được xây dựng theo mô hình ĐH tinh hoa nhằm đào tạo, phát triển nhân tài ngay tại Việt Nam là một học bổng đáng chú ý.
TÀI NĂNG VÀ NHIỆT HUYẾT
Nhận xét về Phạm Ngọc Anh, đại diện VinUni khẳng định: “VinUni luôn tìm kiếm những bạn trẻ không chỉ có thành tích học tập xuất sắc, mà còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, và hơn hết, có một trái tim đầy nhiệt huyết, mong muốn mang lại các giá trị tốt đẹp và tạo tầm ảnh hưởng tích cực cho cộng đồng. Phạm Ngọc Anh đã chinh phục Ban tuyển sinh bằng lý tưởng muốn giúp đỡ những HS khiếm thị và mang đến cơ hội được học tập tốt hơn cho các bạn”.
Ngọc Anh gây ấn tượng với các thành viên Ban tuyển sinh bởi dự án “Cá nhân hóa thiết bị định vị đồ dùng bằng âm thanh cho học sinh khiếm thị”, một trong 15 công trình nhận được giải thưởng “Tri thức trẻ vì Giáo dục năm 2020” do Bộ GD-ĐT tổ chức. Ngọc Anh kể, qua chuyến đi thực tế tại Trường THPT đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (TP. Hồ Chí Minh), em đã phần nào thấu hiểu được những khó khăn và thử thách mà các bạn HS khiếm thị phải đối mặt trong học tập cũng như trong đời sống hàng ngày. Khi tham gia những hoạt động tập thể, trong một không gian mới lạ, các bạn sẽ rất khó để tìm lại đồ dùng cá nhân của mình. Vì vậy, Ngọc Anh cùng nhóm bạn nghiên cứu thiết bị hỗ trợ HS khiếm thị tìm kiếm đồ dùng.
“Thiết bị được gắn trên đồ dùng, khi muốn tìm đồ, người khiếm thị nhấn điều khiển từ xa, thiết bị sẽ phát ra tiếng kêu “tít tít”. Nhược điểm là khi nhiều người cùng sử dụng thiết bị trong một không gian sẽ dẫn đến việc bị nhầm lẫn đồ của nhau do các thiết bị cùng phát ra một âm thanh. Do vậy, nhóm chế tạo ra thiết bị cho phép người dùng cài đặt giọng nói của mình làm âm thanh báo hiệu. Nhóm còn in nổi các hướng dẫn như “bật”, “tắt thiết bị” ngay trên sản phẩm để các bạn khiếm thị có thể dễ dàng tự sử dụng”, Ngọc Anh nói.
Trong học tập, Ngọc Anh có thành tích nổi bật với số điểm trung bình 9,3, đạt giải Nhì kỳ thi HS giỏi cấp tỉnh môn Toán lớp 9, giải Ba cấp tỉnh cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho HS trung học cấp tỉnh năm lớp 11. Trong kỳ thi SAT (một trong những kỳ thi chuẩn hóa cho việc đăng ký vào một số trường ĐH của Mỹ), Ngọc Anh đạt 1.480 điểm, được xếp vào top 2% thí sinh đạt điểm cao trên thế giới. Bên cạnh đó, Ngọc Anh còn là nhân tố tích cực trong các hoạt động xã hội. Em là đồng sáng lập CLB Nhiếp ảnh của trường với 30 thành viên; tham gia tích cực vào các CLB tình nguyện thu gom rác trên bãi biển, thu gom, phân loại phế liệu tại các hộ gia đình để gây quỹ hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn. Ngọc Anh cũng từng tham dự Global Citizen Summer Camp (Trại hè Công dân toàn cầu) - một dự án thường niên của Tổ chức Sinh viên quốc tế…
HÃY TỰ TIN LÀ CHÍNH MÌNH
Chia sẻ thêm về lựa chọn của mình, Ngọc Anh cho biết: “VinUni là trường ĐH ứng dụng những phương pháp giáo dục quốc tế với đội ngũ giảng viên đến từ những ngôi trường hàng đầu thế giới nên chất lượng đào tạo không thua kém các trường ĐH tầm cỡ quốc tế. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, việc du học sẽ trở nên khó khăn hơn. Do vậy, em cho rằng giải pháp “du học trong nước” tại trường ĐH có chất lượng quốc tế như VinUni có thể xem là một lựa chọn hợp lý”.
Ngọc Anh chia sẻ, để “săn” học bổng, trước hết phải chuẩn bị kỹ về hồ sơ. Trong hồ sơ, ngoài giới thiệu thành tích học tập còn có hoạt động ngoại khóa và bài luận. Ba phần này cần có sự cân đối để hồ sơ nổi bật và có tính cạnh tranh cao. Tuy nhiên, không nên “đánh bóng” hồ sơ, làm mất đi tính chân thực và thực tế, bởi ban tuyển sinh của các nhà trường có nhiều cách để kiểm chứng.
Bên cạnh học bổng của VinUni, Ngọc Anh còn giành học bổng của nhiều trường ĐH danh tiếng thế giới như học bổng cao nhất của ĐH South Florida (USF), trường ĐH lớn thứ 9 của Mỹ (trị giá 12.000 USD/năm); đạt mức học bổng cao nhất trị giá 30.000 USD/năm ĐH Alabama, một trong những trường công tốt nhất tại Mỹ; học bổng 80% của ĐH Châu Á Thái Bình Dương Ritsumeikan danh giá tại Nhật Bản.
Ngọc Anh là một HS năng nổ, nhiệt huyết, biết kết nối mọi người; là người sâu sắc và nhân văn. Tôi còn nhớ vào ngày Phụ nữ Việt Nam 2020 (20/10), khi đó, tôi vừa nhận lớp được hơn 1 tháng. Với vai trò lớp trưởng, Ngọc Anh đã cùng các bạn nam tổ chức cho cô giáo và các bạn nữ trong lớp một ngày 20/10 vui vẻ. Tôi rất bất ngờ khi biết em còn mua hoa tặng các cô tạp vụ trong trường, những người mà Ngọc Anh gọi là “những người phụ nữ thầm lặng” và chụp tặng các cô nhiều tấm hình rất đẹp. Câu chuyện khiến tôi vô cùng cảm động và thêm trân trọng tấm lòng của cô học trò nhỏ.
(Cô Nguyễn Thị Lý, GV chủ nhiệm lớp 12 chuyên Toán 1)
|
Việc chuẩn bị hồ sơ ứng tuyển được xem là phần tương đối “khó nhằn” với các ứng viên, nhưng Ngọc Anh lại không gặp quá nhiều trở ngại. Suốt những năm học phổ thông, Ngọc Anh đã tham gia nhiều cuộc thi cũng như các hoạt động ngoại khóa. Về bài luận, với “đề bài” viết về một thành tựu của bản thân, Ngọc Anh đã kể về lần em được phát biểu trước lãnh đạo Bộ GD-ĐT tại buổi giao lưu “Tri thức trẻ vì Giáo dục năm 2020”. Tại đây, em đã thay mặt các bạn HS khiếm thị và các thầy cô công tác trong lĩnh vực đặc biệt này nói lên những khó khăn, trở ngại mà các bạn và các thầy cô đang phải đối mặt trong quá trình học và dạy. Từ đó, em gửi gắm nguyện vọng Bộ GD-ĐT sẽ dành sự quan tâm và đãi ngộ đặc biệt hơn nữa cho thầy và trò ở những ngôi trường này.
Ngọc Anh cho rằng, phỏng vấn là vòng khó khăn nhất và đây cũng được xem là vòng quan trọng để nhà trường đưa ra quyết định trao học bổng. Trong cuộc phỏng vấn của Ngọc Anh, các thành viên Ban tuyển sinh đã đưa ra nhiều câu hỏi nhưng không thiên về học thuật mà còn về các hoạt động xã hội mà em đã tham gia và mong muốn được đóng góp cho xã hội. Đó đều là những câu hỏi mở như: chia sẻ về một lần thất bại của em và bài học rút ra sau đó, hay sau này em mong muốn trở thành người như thế nào… Nhìn chung, đây là nhưng câu hỏi mang tính “khai phá”, tạo cơ hội cho ứng viên thể hiện cá tính, suy nghĩ, hoài bão riêng của bản thân. Ngọc Anh dí dỏm: “Chinh phục VinUni giống như chinh phục trái tim “crush” (người mà mình đang thầm thương trộm nhớ) vậy, đừng vội nản lòng khi thấy có quá nhiều đối thủ. Hãy nỗ lực để trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân và tự tin là chính mình vì đó là cách tốt nhất để ghi điểm”.
Bài, ảnh: KHÁNH CHI
(Còn nữa)