Anh bạn tôi vốn là người đọc nhiều, trong bụng chứa thiên kinh vạn quyển, không sách gì là không ghé mắt đến. Thượng vàng hạ cám, tất tần tật sách gì anh cũng đọc cả. Ngày nọ, tôi hỏi: “Có mẩu chuyện gì trong sách mà anh lấy làm tâm đắc nhất? Kể lại nghe chơi”.
Minh họa: MINH SƠN |
Anh ngoác mồm ra kể ngay: “Ngày nọ, thấy ai ai cũng có đôi có lứa, mà tớ lại độc thân. Thế là tớ quyết định cưới vợ. Tớ đến Trung tâm Môi giới tình yêu, một bà lão mời tớ bước đến trước một căn phòng. Phòng đó, có 2 cánh cửa. Cửa thứ nhất, tấm biển ghi: “Vợ suốt đời”, cửa thứ hai: “Vợ một đêm”.
Tất nhiên, tớ đẩy cánh cửa thứ nhất, bước vào đó, lại thấy 2 cái cửa khác. Cánh cửa thứ nhất ghi: “Chíp hôi chanh cốm”; cánh cửa thứ hai: “Góa chồng”. Tớ đẩy cánh cửa nhất, bước vào đó, lại thấy 2 cánh cửa khác. Cửa thứ nhất ghi: “Xinh đẹp, giàu như Bill Gates”; cửa thứ hai ghi: “Xấu xí, nợ như chúa Chổm”. Tất nhiên, tớ lại đẩy cánh cửa thứ nhất. Bước vào đó, tớ giật mình thấy đang… đặt chân ra ngoài phố! Bà lão mà tớ đã gặp lúc ban đầu kính cẩn đưa cho tớ 1 gói quà và căn dặn: “Về nhà, ngài hãy mở gói này”. Tớ hồi hộp quá, đi được vài bước, tớ mở ra ngay, trong đó vỏn vẹn có 1 tờ giấy ghi dòng chữ: “Muốn cưới được người vợ như thế, bạn nên soi gương kỹ xem mình như thế nào đã! Lần sau, chớ quên điều đó! Chúc may mắn!”.
Câu chuyện này thật hay bịa?
Tôi không dám trả lời quả quyết, chỉ nghĩ rằng, trên bước đường đi tìm “một nửa” không ít người đã rơi vào tâm trạng éo le như trên. Cậu em trai kết nghĩa của tôi chứ đâu xa. Dù không tài cao học rộng nhưng tự mãn với gương mặt điển trai như diễn viên điện ảnh, cao đến 1m8 không thua gì người mẫu, cậu tự tin với vẻ đẹp nam tính của mình, khối cô xếp hàng chạy theo.
Nhiều người nghĩ rằng, yêu thì sao cũng được, chàng/nàng dẫu gia đình “thường thường bậc trung” cũng không sao, miễn hợp tính nết. Thế nhưng, khi quyết định se duyên kết tóc thì lại khác. Lúc đó, họ đặt lên bàn cân nhiều đối tượng đã lọt vào “tầm ngắm” mà lựa chọn chán chê.
Cậu em tôi cũng thế thôi. Cô này khá giả nhưng đáng tiếc… hộ khẩu xa tít miền núi; cô kia nhà mặt tiền ở thành phố nhưng “hơi bị” nghèo; cô nọ con gái của VIP, công việc ổn định nhưng bị trừ điểm vì gương mặt có tàn nhang, hơi xấu… Sau sự lựa chọn ấy, năm tháng vùn vụt trôi qua, đến lúc cậu giật mình nhìn lại thì họ đã có chồng con cả rồi! Thật ra, tâm thế ấy không phải là yêu, vì nếu đã yêu thì người ta bất chấp mọi thứ miễn được ăn chung mâm, nằm chung gối chứ không hề so đo từng ly từng chút.
Tục ngữ có câu “Già kén kẹn hom”, đại khái có thể hiểu nếu kén chọn kỹ quá, có thể “quá lứa lỡ thì” mà vẫn chưa nên cơm cháo gì. Không khéo làm “lính phòng không” suốt đời cũng nên. Có không ít quý cô, quý bà khi “về chiều” ngồi một mình than thân trách phận là kém may mắn vì chẳng thể tìm được ai để “nâng khăn sửa túi”. Có thật kém may mắn? Chẳng phải đâu. Chị bạn cùng công sở với tôi tâm sự, do thuận lợi công việc làm ăn nên chị có khối đàn ông lò dò bám theo váy năn nỉ, tỏ tình. Nhưng chị ứ thèm.
Với các bạn cùng trang lứa, dù không nói ra, chị cảm thấy họ kém cỏi quá. Trong khi chị đã có tài xế riêng, lên xuống bằng xe hơi bóng loáng thì “ý trung nhân” vẫn còn ạch đụi với chiếc xe cà tàng, phải đạp hàng chục lần, may ra máy xe mới nổ! Chưa hết, chị đã đến nhà hàng sang trọng này nọ, thưởng thức thú vui của người thành đạt thì “cây si” vẫn lót tót cầm hồ sơ đi xin việc. Thế làm sao xứng? Vì các “lý do khách quan” ấy, trong khi bè bạn lần lượt gửi thiệp mời đám cưới, chị vẫn “sô lô” một mình, chưa chọn được ai.
Không phải đùa, có những người cảm thấy cuộc sống riêng tư quá đỗi may mắn. Có thể do mình tán tỉnh, tự làm quen; hoặc do bạn bè giới thiệu; hoặc bố mẹ sắp xếp mà khi bàn chuyện trăm năm, họ gật đầu cái rụp! Tưởng quyết định ấy vội vàng, chưa có nhiều thời gian tìm hiểu nhưng rồi mọi việc cũng xuôi chèo mát mái. Chị gái tôi là mẫu người như thế, chị bảo khi gật đầu đồng ý làm vợ anh Long vì yêu ánh mắt thân thiện, tiếng cười hào sảng và biết galant của anh, dù lúc đó anh chỉ là tay công nhân kỹ thuật, thu nhập không bằng chị. Vậy mà hai người về sau cực kỳ hạnh phúc.
Lý giải như thế nào?
Tiến đến hôn nhân là bắt đầu một hành trình mới, dù cả 2 có lợi thế đã từng hiểu nhau, từng quen biết sâu đậm nhưng vẫn chưa đủ. Họ còn phải tiếp tục với nhiều nỗ lực khác để hoàn thiện cuộc sống chung chứ không thể bằng lòng với những gì đã có. Ai đó đã nói hôn nhân là “duyên nợ”, ừ, cứ cho thế. Tuy nhiên, cũng không nên quá cực đoan khi cân nhắc, so đo tính toán nhiều quá mà vuột mất nhiều cơ hội.
Sự oái oăm này, biết trách ai bây giờ?
LÊ MINH QUỐC