“Ngôi nhà an toàn cho trẻ” được triển khai tại BR-VT từ năm 2011 đến nay đã giúp các gia đình nâng cao ý thức trong việc xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ. Mô hình này góp phần bảo vệ trẻ khỏi những tai nạn đáng tiếc xảy ra trong chính ngôi nhà của mỗi gia đình.
Cửa sổ có lưới bảo vệ là một trong những tiêu chí bắt buộc để xây dựng “ngôi nhà an toàn cho trẻ”. |
Từ khi cậu con trai chập chững biết đi, anh Nguyễn Trọng Đạt (phường 3, TP. Vũng Tàu) đã thuê thợ về làm thêm chấn song toàn bộ cửa sổ, ban công, lối lên xuống cầu thang trong nhà. Anh cũng lắp thêm hộp bảo vệ những ổ cắm điện trong tầm với của con. Tại khu vực bếp, anh lắp thêm cửa gỗ thấp nhằm tạo không gian riêng để con không lại gần được... “Những biện pháp này được tôi thực hiện theo hướng dẫn của cán bộ, cộng tác viên địa phương về mô hình Ngôi nhà an toàn”, anh Đạt chia sẻ.
Tương tự, gia đình có con nhỏ nên vợ chồng chị Võ Thị Bé Thu (TT. Long Hải, huyện Long Điền) đã chú ý từng chi tiết thiết kế và xây dựng nhà theo các tiêu chí đảm bảo an toàn cho con. Anh chị có 2 con, một bé lên 3 và một bé 7 tuổi. Anh chị đi làm nên gửi cháu nhỏ ở nhà với ông bà. Do đang trong độ tuổi hiếu động, tò mò nên cháu luôn muốn tìm hiểu, khám phá mọi ngóc ngách trong nhà. Do vậy, khi xây nhà, anh bố trí các ổ điện cao hơn tầm với của trẻ. Cửa sổ được đan bằng dây nhựa tạo thành tấm lưới để khi chơi, con có leo trèo cũng không chui qua được. “Các vật nhọn như dao, kéo... khi dùng xong, chúng tôi đều để lên cao. Vợ chồng tôi phải nhắc nhau thực hiện nghiêm các biện pháp an toàn cho con ngay từ đầu, bởi không phải lúc nào cũng bao quát hết mọi hoạt động của con”, chị Bé Thu giải thích.
Bà Lê Thị Cần (phường Mỹ Xuân, TX. Phú Mỹ) cho biết, từ khi thực hiện “Ngôi nhà an toàn cho trẻ” theo hướng dẫn của cán bộ phường, gia đình bà đã làm hàng rào quanh nhà để phòng tránh tai nạn giao thông và đuối nước cho trẻ. Từ đó, bà Cần yên tâm hơn khi cháu bà không còn chạy ào ra đường như trước và việc trông cháu đỡ vất vả hơn.
Ngôi nhà an toàn bảo đảm các tiêu chí sau: bảo đảm an toàn xung quanh ngôi nhà với cửa, cổng, hàng rào chắc chắn, độ cao phù hợp với lứa tuổi trẻ em; bảo đảm an toàn các phòng trong ngôi nhà với cửa sổ có chấn song, thanh dọc chắc chắn và khoảng cách bảo đảm trẻ không chui qua được; cửa sổ, cửa đi phải có móc áp sát vào tường để trẻ khi chạy nhảy không va quệt; cánh cửa phòng phải có dụng cụ chặn khe cửa để trẻ không bị kẹt tay khi đóng, mở cửa; khu bếp phải riêng biệt, có cửa ngăn và có khóa để trẻ dưới 6 tuổi không tiếp xúc được với bếp lửa, bình ga; bảo đảm an toàn về điện; cầu thang phải có lan can, tay vịn chắc chắn; bậc cầu thang có chiều cao, bề mặt rộng phù hợp, đảm bảo an toàn cho trẻ; bảo đảm an toàn đồ dùng gia đình: phích nước phải có hộp đựng hoặc dây đai giữ và để ở vị trí an toàn ngoài tầm với của trẻ dưới 6 tuổi; đèn và hộp quẹt để ở ngoài tầm với của trẻ dưới 6 tuổi… Ngôi nhà an toàn phải bảo đảm trong năm không có trẻ em bị tai nạn thương tích tại nhà và phải đạt 23/33 tiêu chí, trong đó có 15 tiêu chí bắt buộc. |
Theo đánh giá của Sở LĐTBXH, mô hình Ngôi nhà an toàn đã góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, kéo giảm tình trạng tai nạn thương tích trẻ em tại gia đình. Bà Trương Thị Ánh Ngà, Phó Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐTBXH cho biết, hàng năm, các huyện, thị, thành phố duy trì thực hiện mô hình Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em cho các gia đình có trẻ dưới 16 tuổi. Cộng tác viên chương trình bảo vệ trẻ em tại khu phố/ấp đến từng gia đình có trẻ dưới 16 tuổi để rà soát, chấm điểm theo bảng kiểm định Ngôi nhà an toàn cho trẻ em gồm 36 tiêu chí. Qua đó, kịp thời phát hiện, hướng dẫn gia đình khắc phục, cải tạo và loại bỏ các yếu tố nguy cơ, xây dựng môi trường sống theo hướng an toàn cho trẻ.
“Đến nay, 121.102/133.283 gia đình có trẻ em đạt tiêu chí Ngôi nhà an toàn, chiếm tỷ lệ 91%”, bà Ngà thông tin thêm.
Bài, ảnh: NHÃ UYÊN