Đến thời điểm này, các NXB đã gấp rút giới thiệu SGK lớp 2, lớp 6 bằng nhiều hình thức để các cơ sở giáo dục, địa phương tiến hành lựa chọn. Trong chương trình giới thiệu sách, các tổng chủ biên, chủ biên, tác giả SGK đã trình bày về những điểm mới, nội dung, cấu trúc sách cũng như những gợi mở về phương pháp tổ chức hoạt động dạy - học. Từ đó làm nổi bật những nét đặc trưng, ưu điểm của các bộ sách, tạo thuận lợi cho các địa phương trong việc lựa chọn SGK.
Các đại biểu tham dự Hội thảo giới thiệu danh mục SGK lớp 1 và lớp 6 diễn ra từ ngày 9-12/3. |
CHỈ CÒN 3 BỘ SGK ĐƯỢC SỬ DỤNG
Theo quyết định phê duyệt Danh mục SGK lớp 2, lớp 6 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông năm học 2021-2022, có 3 bộ SGK lớp 2 và lớp 6 đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt, gồm: Bộ sách Cánh Diều (do NXB Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Công ty Đầu tư Xuất bản-Thiết bị giáo dục Việt Nam-VEPIC thực hiện), bộ sách Chân trời sáng tạo và bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống (do NXB Giáo dục Việt Nam thực hiện). Điều này đồng nghĩa với việc sẽ không còn 2 bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực” và “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” (NXB Giáo dục Việt Nam) cho HS lớp 1.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Phạm Cảnh Toàn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Sách và thiết bị giáo dục miền Nam cho biết, khác với lớp 1, từ lớp 2 trở lên, NXB Giáo dục Việt Nam có 2 bộ sách: bộ SGK Kết nối tri thức với cuộc sống được hợp nhất từ bộ Kết nối tri thức với cuộc sống và bộ Cùng học để phát triển năng lực; bộ SGK Chân trời sáng tạo được hợp nhất từ bộ Chân trời sáng tạo và bộ Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục. Mục tiêu hợp nhất là nhằm tập trung tối đa nguồn lực trí tuệ của đội ngũ tác giả, tập trung nguồn lực tài chính đầu tư cho công tác biên soạn SGK, phát triển SGK giấy đồng bộ với sách và học liệu điện tử. Cùng với đó là việc nâng cao chất lượng công tác tập huấn sử dụng SGK mới; tiết giảm tối đa chi phí nhằm có được các bộ SGK có chất lượng cao hơn nữa về nội dung, hình thức, hợp lí về giá thành.
Theo bà Nguyễn Thị Mộng Thu, Phó Trưởng Phòng Giáo dục MN-TH (Sở GD-ĐT), năm học 2021-2022 là năm học đầu tiên học sinh lớp 2 và lớp 6 trên cả nước thực hiện đổi mới chương trình, SGK. Cùng với các công đoạn chuẩn bị về cơ sở vật chất thì khâu chọn SGK có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Hiện nay, cơ sở giáo dục TH, THCS đã tổ chức cho GV nghiên cứu, thảo luận và đánh giá các SGK của môn học thuộc chuyên môn phụ trách trên bản điện tử và sẽ tiếp tục nghiên cứu, chọn lọc trên bản in. Dự kiến, cuối tháng 3, Các phòng GD-ĐT sẽ tổng hợp danh mục SGK được các cơ sở giáo dục đề xuất lựa chọn gửi về Sở GD-ĐT. Sở sẽ chuyển giao danh mục này cho Hội đồng lựa chọn SGK của tỉnh. Sau đó, Sở sẽ tổng hợp kết quả lựa chọn sách giáo khoa của các Hội đồng, trình UBND tỉnh trước ngày 15/4. |
Ông Phạm Cảnh Toàn cho rằng, việc hợp nhất này hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến việc dạy và học của GV và HS cũng như việc lựa chọn SGK. Bởi lẽ, mỗi cuốn SGK đều bám sát và cụ thể hóa các yêu cầu cần đạt và nội dung dạy học được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Dù học theo bộ SGK nào thì khi kết thúc năm học, HS đều phải đạt chuẩn tối thiểu theo quy định. Mặt khác, 4 bộ SGK của NXB Giáo dục Việt Nam tuy có sự khác biệt, nhưng đều thể hiện quan điểm xuyên suốt của NXB trong việc biên soạn SGK. Việc hợp nhất đã làm cho bộ SGK Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo nâng cao hơn nữa về chất lượng bởi lẽ, hội tụ được những điểm ưu việt của bộ SGK được hợp nhất. Vì thế, giữa 4 bộ SGK lớp 1 và 2 bộ SGK lớp 2 của NXB Giáo dục Việt Nam có sự liên thông hết sức chặt chẽ. Theo đó, ở lớp 1, dù GV và HS sử dụng bộ SGK nào, đến lớp 2, GV và HS đều có thể lựa chọn SGK Kết nối tri thức với cuộc sống hoặc Chân trời sáng tạo. Ở lớp 1, với các địa phương tiếp tục sử dụng SGK Cùng học để phát triển năng lực hoặc SGK Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục, NXB Giáo dục Việt Nam vẫn tái bản, bảo đảm phục vụ đầy đủ, kịp thời theo nhu cầu.
Cán bộ, GV các trường THCS tham quan quầy trưng bày SGK lớp 6 của NXB Giáo dục Việt Nam từ ngày 9-12/3. |
CỤ THỂ HÓA MỤC TIÊU GIÁO DỤC TOÀN DIỆN
Theo các NXB, mỗi bộ sách mang một thông điệp, bản sắc riêng nhưng đều cụ thể hóa mục tiêu giáo dục toàn diện cũng như biên soạn theo định hướng giúp cho việc dạy học chuyển từ truyền thụ kiến thức sang hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực của người học.
TS.Nguyễn Thành Anh, đại diện NXB Giáo dục Việt Nam cho biết, với các tình huống hấp dẫn và gần gũi, SGK của NXB Giáo dục Việt Nam chuyển tải kiến thức khéo léo và tạo hứng thú học tập cho HS. HS được khám phá, vận dụng kiến thức thông qua việc tích cực tham gia hoạt động được thiết kế trong SGK. SGK chú trọng tạo cơ hội để HS kết nối, vận dụng vào cuộc sống, cũng như gợi mở và truyền cảm hứng sáng tạo. Nhiều yếu tố được thiết kế trong SGK nhằm khéo léo trợ giúp HS khám phá và vận dụng kiến thức, rèn luyện kỹ năng và khả năng tự học. Đối với GV, SGK cung cấp hệ thống các hoạt động được thiết kế công phu để tổ chức dạy học. Dựa trên cấu trúc và những gợi mở của SGK, GV dễ dàng thiết kế và thực hiện kế hoạch giảng dạy. Với tính kế thừa, tính thực tiễn và tính đồng bộ, SGK và sách GV giúp các thầy cô sử dụng linh hoạt, sáng tạo các phương pháp dạy học tích cực, phát huy chuyên môn và kinh nghiệm để dạy học thuận lợi và hiệu quả.
Ngày 9/2/2021, Bộ GD-ĐT đã phê duyệt Danh mục sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 sử dụng trong năm học 2021-2022. Danh mục này gồm 32 sách giáo khoa lớp 2 của 8 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc cùng sách giáo khoa môn tự chọn Tiếng Anh; 40 sách giáo khoa lớp 6 của 12 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc. Đối với lớp 2, mỗi môn Tiếng Việt, Toán, Đạo Đức, Tự nhiên và Xã hội, Giáo dục Thể chất, Âm nhạc, Mỹ thuật, Hoạt động trải nghiệm có 3 SGK được phê duyệt; môn tự chọn Tiếng Anh có 8 SGK. Đối với lớp 6, mỗi môn Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí, Công nghệ, Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm và Hướng nghiệp có 3 SGK; môn Tin học có 2 sách và môn Tiếng Anh có 8 SGK được phê duyệt.
Theo Bộ GD-ĐT, việc lựa chọn SGK của các địa phương phải hoàn thành trước khai giảng năm học mới tối thiểu 5 tháng. Việc phát hành SGK phải được hoàn thành trước 31/7.
|
Còn theo PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống-Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn Ngữ văn, Chủ biên sách giáo khoa Ngữ văn lớp 6 Bộ Cánh Diều thì cách đây 2 năm, ngay từ khi hình thành bộ sách thì triết lý “Mang cuộc sống vào bài học, đưa bài học vào cuộc sống” đã được tuân thủ một cách triệt để. Việc hiện thực hoá tuỳ vào đặc trưng của từng bộ môn nhằm mang cuộc sống vào bài học. “Đơn cử, với với môn Tiếng Việt, Ngữ văn, chúng tôi thấy cần được xuất phát từ những hiện thực của cuộc sống, phù hợp với tâm lý lứa tuổi, tâm lý của HS để lựa chọn thứ ngôn ngữ trong sáng, dễ hiểu, văn bản gần gũi thiết thực với các em. Việc này phải đáp ứng cả hai mặt, một mặt phản ánh thực tế sinh động tâm lý lứa tuổi, mặt khác trong nhà trường phải cung cấp vốn hiểu biết văn học, văn hóa dân tộc, để khi tốt nghiệp, HS có được vốn hiểu biết văn hoá, văn học nhất định. Trong quá trình biên soạn, chúng tôi luôn luôn đặt ra những tình huống xảy ra trong cuộc sống, gắn với tình huống thực tiễn trong cuộc sống, để HS vận dụng kiến thức đã học”, PGS. TS. Đỗ Ngọc Thống nói.
Năm học 2021-2022 tới đây, các em HS lớp 1 của năm học này sẽ tiếp tục học chương trình SGK mới ở lớp 2. Trong ảnh: Tiết học của HS Trường TH Lê Thành Duy (TP. Bà Rịa). |
GẤP RÚT LỰA CHỌN SGK
Đến thời điểm này, các NXB đã tổ chức giới thiệu SGK mới bằng cả hình thức trực tuyến và trực tiếp để bảo đảm hoàn thành việc giới thiệu sách vào giữa tháng 3 theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT. Mới đây, từ ngày 9 tới 12/3, các NXB đã tổ chức hội thảo giới thiệu SGK lớp 2, lớp 6 mới tại BR-VT với 1 điểm cầu chính và 230 điểm cầu cơ sở. Theo đó, bộ SGK Cánh Diều có đầy đủ sách các môn học: SGK lớp 2 có 11 quyển, SGK lớp 6 có 14 quyển. Ngoài sách giấy, bộ “Cánh Diều” có bản điện tử, video giới thiệu đăng tải tại website: sachcanhdieu.com để GV tiếp cận, phục vụ cho việc lựa chọn sách cho năm học tới. Bên cạnh đó, NXB Giáo dục Việt Nam cũng cung cấp hệ thống tài liệu giới thiệu sách, gồm: phiên bản điện tử sách HS, sách GV, các video clip, slide giới thiệu SGK trên nền tảng Tập huấn (taphuan.nxbgd.vn), nền tảng Hành trang số (hanhtrangso.nxbgd.vn) và trên youtube để GV thuận tiện trong việc tìm hiểu và lựa chọn. Đồng thời, các NXB cũng đã chuyển bản in bản mẫu SGK về các địa phương để GV tiếp cận bản SGK giấy cùng với phiên bản điện tử.
Giám sát chặt chẽ việc tập huấn, cung ứng SGK
Theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, sau khi việc lựa chọn SGK hoàn tất, UBND tỉnh sẽ công bố danh mục SGK được phê duyệt để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông tại địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời Sở GD-ĐT cũng sẽ thông báo danh mục này đến các cơ sở giáo dục chậm nhất 5 tháng trước khi bắt đầu năm học mới.
Sau khi hoàn tất việc lựa chọn SGK, các NXB sẽ bắt tay vào việc tập huấn SGK lớp 2, lớp 6 cho GV. Đối với công tác tập huấn SGK, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông chiều 25/2, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã nhận mạnh, cần có hướng dẫn cụ thể cho địa phương và NXB để thực hiện hiệu quả. Trong đó quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giới thiệu, tập huấn sách; kết hợp hình thức trực tuyến và trực tiếp trong tập huấn SGK cho GV, tránh tình trạng thời gian gấp gáp, GV phải di chuyển xa, tập huấn không đảm bảo chất lượng. “Bộ sẽ giám sát chặt chẽ hoạt động này, tuyệt đối không buông lỏng”, Bộ trưởng nêu rõ. Đồng thời, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị chuyên môn, các NXB có giải pháp phù hợp nhằm giảm giá thành SGK.
Về việc cung ứng SGK cho năm học mới, ngay sau khi công bố danh mục SGK được lựa chọn, địa phương sẽ tổng hợp số lượng sách, đăng ký với các NXB. SGK sẽ được chuyển về các phòng GD-ĐT, phân phối về các cơ sở giáo dục phổ thông để HS có đủ SGK trước khi bước vào năm học 2021-2022.
Năm học 2021-2022, dự kiến, toàn tỉnh có khoảng 23.452 HS lớp 2 và 17.350 HS lớp 6. Được biết, năm học tới đây, NXB Giáo dục Việt Nam sẽ tặng 700 bộ SGK để hỗ trợ HS có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh có đủ sách tới trường.
|
Bài, ảnh: KHÁNH CHI