Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19, năm 2021, Việt Nam đẩy mạnh chương trình phòng chống lao với nội dung “Việt Nam Chiến thắng COVID - Chấm dứt bệnh lao”, nhằm kêu gọi cả cộng đồng chung tay chấm dứt căn bệnh này. Theo đó, trong năm 2021, ngành y tế BR-VT tập trung công tác khám sàng lọc và mở rộng mạng lưới phòng, chống lao, nhằm phát hiện sớm, không bỏ sót bệnh nhân lao trong cộng đồng.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân điều trị lao tại Bệnh viện Phổi Phạm Hữu Chí. |
KHÁM SÀNG LỌC - CHỦ ĐỘNG PHÁT HIỆN LAO SỚM
Cách đây hơn 1 năm, ông N.K. (65 tuổi, huyện Xuyên Mộc) phát hiện mình tái mắc bệnh lao phổi trong 1 đợt khám sàng lọc của Bệnh viện Phổi Phạm Hữu Chí tại trạm y tế nơi ông sinh sống. Lúc bấy giờ, ông ho nhiều, ngứa cổ nhưng do hoàn cảnh khó khăn, bận rộn với việc đồng áng nên ông chưa đi khám. Khi có đợt khám sàng lọc lao tại địa phương, ông quyết định gác lại công việc để đi khám. Nhờ được khám sàng lọc, ông K. đã phát hiện sớm mình bị lao phổi và được điều trị kịp thời.
Ông K. là một trong số những bệnh nhân lao phổi được phát hiện bệnh sớm qua các đợt khám sàng lọc của Bệnh viện Phổi Phạm Hữu Chí, đơn vị phụ trách chương trình phòng, chống lao của tỉnh. Theo lãnh đạo bệnh viện, trong năm 2020, bệnh viện đã tổ chức 3 đợt khám sàng lọc chủ động cho các đối tượng nguy cơ cao và khám sàng lọc trong cộng động. Kết quả, qua khám sàng lọc trong cộng đồng từ tháng 9-10 cho hơn 6.000 người có nghi ngờ tại các trạm y tế, đã phát hiện 79 trường hợp mắc lao có vi khuẩn học và 4 trường hợp mắc lao kháng đa thuốc. Đợt khám sàng lọc lao cho gần 1.000 người sử dụng Methadone tại TP.Vũng Tàu và huyện Long Điền đã phát hiện và điều trị 8 trường hợp mắc lao phổi có bằng chứng vi khuẩn học. Đợt khám sàng lọc định kỳ lao cho gần 2.000 phạm nhân tại Trại giam Xuyên Mộc, phát hiện 1 trường hợp lao kháng thuốc, 47 trường hợp lao phổi.
Theo báo cáo chương trình phòng, chống lao tỉnh, trong năm 2020, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 1.233 bệnh nhân mới, trong đó khoảng 708 trường hợp lao phổi có bằng chứng vi khuẩn học. Số bệnh nhân chết do lao cao chiếm 4,7% trên tổng số bệnh nhân lao thu nhận năm 2019. Do đó, bệnh lao vẫn là mối đe dọa sức khỏe cộng đồng và là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Vì vậy, những năm qua, ngành y tế luôn nỗ lực duy trì tốt mạng lưới phòng, chống lao ở cộng đồng, giúp công tác phát hiện và điều trị lao trong cộng đồng đạt những mục tiêu của chương trình chống lao và hướng tới loại trừ bệnh lao ra khỏi cộng đồng vào năm 2030.
Bác sĩ Nguyễn Trường Giang, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Phạm Hữu Chí cho biết, việc tổ chức khám sàng lọc là một trong những giải pháp quan trọng đang được đẩy mạnh để thực hiện mục tiêu của chương trình chống lao. Chương trình này có tác dụng rất lớn trong việc ngăn chặn sự lây lan của bệnh lao trong cộng đồng. “Trước đây, chúng ta chỉ phát hiện bệnh lao ở thế thụ động, “chờ” bệnh nhân đến các phòng khám lao. Hiện nay, việc tổ chức các đợt khám sàng lọc giúp ngành y tế chủ động phát hiện bệnh nhân lao; đặc biệt là những bệnh nhân mới chớm lao. Những người này mới chỉ có những tổn thương mờ nhạt thể hiện qua phim chụp X-quang phổi mà qua xét nghiệm đàm khó phát hiện ra, nhưng nếu để lâu vi khuẩn lao sẽ phát triển thành hang ổ trong phổi bệnh nhân, thì nguy cơ lây lan ra cộng đồng còn lớn hơn”, bác sĩ Giang nói.
“ĐỒNG HỒ ĐÃ ĐIỂM”
Chủ đề Ngày thế giới phòng, chống lao năm 2021 là “The clock is ticking - Đồng hồ đã điểm” có nghĩa là toàn thế giới không còn nhiều thời gian để hành động theo cam kết của các nhà lãnh đạo toàn cầu về chấm dứt bệnh lao. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng nặng nề đến tiến trình nước rút của chiến lược chấm dứt bệnh lao toàn cầu.
Từ chủ đề nói trên, Bộ Y tế kêu gọi mọi người hãy tích cực hơn nữa trong công cuộc phòng, chống bệnh lao. Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng nếu các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng cùng vào cuộc, đoàn kết, chung tay, chắc chắn chúng ta sẽ đẩy lùi được dịch bệnh COVID-19 và tiến tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030. Theo Bộ Y tế, con số tử vong vì lao còn cao hơn nhiều số tử vong do COVID-19 hay do tai nạn giao thông. Những người tử vong do lao chủ yếu do chưa được phát hiện và điều trị kịp thời.
Cùng với cả nước, trong năm 2021, BR-VT tiếp tục triển khai mạnh mẽ những hoạt động phòng chống lao song hành với các hoạt động phòng chống COVID-19; trong đó tiếp tục tập trung cho công tác khám sàng lọc chủ động nói trên, dự kiến sẽ triển khai thành lập 41 điểm khám/7 huyện, thị xã, thành phố cho 4.000 người nguy cơ cao trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh công tác khám sàng lọc, ngành y tế tỉnh tiếp tục mở rộng mạng lưới của chương trình chống lao thông qua tăng cường hợp tác với y tế tư với mô hình phối hợp chuyển người nghi lao; Tăng cường phối hợp với các tổ chức xã hội, tổ chức tập huấn cho nhân viên của hội các kỹ năng truyền thông, tư vấn cho người nghi lao chủ động đi khám… Các hoạt động này nhằm kiểm soát tốt hơn bệnh nhân lao trong cộng đồng, không bỏ sót người mắc bệnh lao chưa được phát hiện.
Bài, ảnh: NGUYỄN THI