Cuối tuần vừa qua, Sở GD-ĐT, Báo Giáo dục TP. Hồ Chí Minh và Đài PT-TH tỉnh đã phối hợp tổ chức chương trình “Tiếp bước trường thi” năm 2021. Chương trình đã cũng cấp những thông tin quan trọng về kỳ thi tốt nghiệp THPT và những điểm mới trong công tác tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ năm 2021 cho HS trên địa bàn tỉnh.
HS nhận hồ sơ và tờ rơi tuyển sinh tại khu vực tư vấn của Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP. Hồ Chí Minh. |
ĐA DẠNG PHƯƠNG THỨC TUYỂN SINH
Chia sẻ trong chương trình “Tiếp bước trường thi”, TS. Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong xét tuyển ĐH, ngoài hình thức xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD-ĐT, có 3 phương thức đại trà mà hầu hết các trường đều sử dụng là: xét điểm tốt nghiệp THPT, xét học bạ và xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức. Dự kiến 70 trường ĐH sẽ sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển năm học tới.
Theo TS. Nguyễn Đức Nghĩa, kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 28/3, đợt 2 diễn ra ngày 18/7. Đề thi minh họa cũng đã được công bố, cơ bản giữ ổn định như những năm trước. Đề thi gồm 120 câu trắc nghiệm, thời gian làm bài 150 phút, cấu trúc gồm 3 phần: Ngôn ngữ; Toán; Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Trong đợt 1, cả nước có gần 80 ngàn thí sinh đăng ký dự thi, trong đó tỉnh BR-VT có trên 2.000 thí sinh.
Ngoài 3 phương thức tuyển sinh nói trên, một số trường ĐH còn tổ chức kỳ thi riêng để phục vụ cho công tác tuyển sinh. ThS. Nguyễn Hoàng Thiên Thư, chuyên gia tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp ĐH Việt Đức cho hay, năm nay, trường tuyển sinh 7 ngành, chia thành 2 khối ngành chính là Kỹ thuật và Tài chính-Kế toán, toàn bộ đều học bằng tiếng Anh. Ngoài các phương thức cơ bản, trường còn tuyển sinh dựa trên kết quả bài thi viết đầu vào TestAS (bài kiểm tra để đánh giá khả năng học ĐH của SV nước ngoài tại Đức), tổ chức vào ngày 15/5 hàng năm. TestAS bao gồm 1 bài thi kiến thức cơ bản (Core Test) và 1 bài thi kiến thức khối chuyên ngành (Subject Specific Test). Bài thi này nhằm đánh giá mức độ tư duy của thí sinh có phù hợp với ngành nghề đã đăng ký hay không.
Đại diện các trường cũng chia sẻ những điểm mới, nổi bật trong công tác tuyển sinh năm 2021 của nhà trường. Chẳng hạn, ĐH Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh giới thiệu về chương trình liên kết với đối tác nước ngoài là ĐH Bolton (Vương quốc Anh) và ĐH Toulon (Pháp), do đối tác nước ngoài cấp bằng. Ngoài xét tuyển học bạ, thí sinh còn phải trải qua vòng phỏng vấn trực tiếp bằng tiếng Việt và tiếng Anh với Hội đồng tuyển sinh.
“Năm nay, các trường có nhiều phương thức xét tuyển, tạo thêm cơ hội cho thí sinh. Điều quan trọng là thí sinh phải nắm chắc các phương thức xét tuyển, lựa chọn những phương thức mình có lợi thế nhất để tăng cơ hội trúng tuyển”, TS. Trần Thiện Lưu, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành nhắn nhủ.
HS đặt câu hỏi với ban tư vấn của chương trình “Tiếp bước trường thi” năm 2021. |
CHỌN NGÀNH THEO SỞ THÍCH HAY NĂNG KHIẾU?
Qua Fanpage của chương trình, một thí sinh đặt câu hỏi: “Em rất muốn theo học ngành Thiết kế thời trang của Trường ĐH Công nghệ TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, em vẽ không đẹp thì có nên đăng ký ngành này hay không?”. Đây cũng là băn khoăn của nhiều thí sinh khi muốn đăng ký vào những ngành nghề yêu cầu phải có năng khiếu, sở trường.
Giải đáp thắc mắc nói trên, ThS. Lý Quốc Huy, Phó Trưởng Phòng Tư vấn tuyển sinh, Trường ĐH Công nghệ TP. Hồ Chí Minh cho hay, ngoài sở thích thì các tố chất có liên quan đến ngành học là yếu tố cực kỳ quan trọng để các em cân nhắc khi lựa chọn ngành nghề. Riêng với ngành Thiết kế thời trang, thí sinh phải có khả năng cảm thụ mỹ thuật, có năng khiếu hội họa, đam mê, thích nghiên cứu, tìm tòi. Nếu vẽ không đẹp hoặc chưa có điều kiện học vẽ, các em nên dành nhiều thời gian tham gia lớp ôn thi vẽ để nâng cao khả năng của mình. Trong quá trình học, nhà trường cũng sẽ có các môn học định hướng, bổ trợ giúp các em phác thảo ý tưởng, sản phẩm, có câu lạc bộ, đội nhóm để các em phát triển các kỹ năng liên quan đến ngành học.
Theo Bộ GD-ĐT, HS dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021 không chỉ chịu tác động bởi tình hình dịch bệnh năm nay mà còn chịu ảnh hưởng từ năm học lớp 11. Bởi vậy, Bộ GD-ĐT yêu cầu các đơn vị chuyên môn khi xây dựng nội dung đề thi phải gắn sát với hoạt động dạy và học trong điều kiện dịch bệnh, đồng thời gắn với chuẩn đầu ra chương trình phổ thông. Đề thi tốt nghiệp THPT nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Đề thi với mục tiêu kiểm tra kiến thức tối thiểu của HS để xét tốt nghiệp nhưng có độ khó, độ phân hóa nhất định để các trường có thể dùng kết quả này xét tốt nghiệp. Đề thi không ra những kiến thức đã giảm tải, phù hợp với chương trình giảm tải. Cấu trúc đề thi giữ ổn định để thuận lợi cho việc dạy học, ôn tập của GV và HS, trong đó chú trọng tới chất lượng, độ tin cậy của đề thi để phân loại HS.
Hiện nay, việc xây dựng ma trận đề thi, ngân hàng câu hỏi, đề thi tham khảo của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đang được thực hiện theo đúng kế hoạch. Đề thi tham khảo đang được rà soát để công bố trong tháng 3.
|
Một số thí sinh băn khoăn về việc lựa chọn ngành học đòi hỏi trình độ ngoại ngữ. Em Phạm Thanh An, HS Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP. Bà Rịa) chia sẻ: “Em muốn theo học ngành Kinh doanh quốc tế nhưng trình độ tiếng Anh của em không tốt thì có thể học ngành này hay không?”.
ThS. Nguyễn Quốc Khánh, Phó Trưởng Phòng Tuyển sinh và truyền thông, Trường ĐH Gia Định cho hay, nếu không giỏi tiếng Anh, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển bằng học bạ, điểm thi tổ hợp các môn thi tốt nghiệp THPT. Như vậy, điểm tiếng Anh trong quá trình học không ảnh hưởng nhiều và khả năng trúng tuyển của các em sẽ cao hơn. Tuy nhiên, theo ThS. Nguyễn Quốc Khánh, muốn theo đuổi ngành học nào, bản thân mỗi HS phải nỗ lực tự trau dồi kiến thức, kỹ năng cần thiết của ngành học đó, đặc biệt là tiếng Anh thì mới có thể gắn bó và làm tốt công việc của mình sau này. “Nếu trình độ tiếng Anh chưa tốt thì thí sinh cần nỗ lực hơn nữa trong quá trình học”, ThS. Nguyễn Quốc Khánh nhắn nhủ.
Bài, ảnh: HOÀNG DƯƠNG