Chuyển đổi số hướng đến những tiện ích cho người dân

Chủ Nhật, 07/03/2021, 18:14 [GMT+7]
In bài này
.

Chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành TT-TT được đưa vào Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ VII nhằm đạt được mục tiêu đến năm 2025 BR-VT sẽ nằm trong top 10 địa phương đi đầu trong chuyển đổi số.

Nhân viên Trung tâm điều hành đô thị thông minh TP. Vũng Tàu tiếp nhận và phân tích dữ liệu từ camera truyền về.
Nhân viên Trung tâm điều hành đô thị thông minh TP. Vũng Tàu tiếp nhận và phân tích dữ liệu từ camera truyền về.

Anh Trần Văn Thanh (Võ Văn Tần, TP. Vũng Tàu) cho biết, anh bị bệnh tiểu đường nên thường xuyên phải khám và điều trị tại bệnh viện Lê Lợi. Trước đây, mỗi lần khám, anh phải đến bệnh viện từ sớm bốc số và chờ đợi rất lâu. Từ tháng 6/2020, khi bệnh viện Lê Lợi triển khai giải pháp đăng ký lịch khám trực tuyến Medpro, anh đã tải ứng dụng này trên app mobile nên dễ dàng đăng ký khám bệnh. Sau đó, cứ đến giờ đặt lịch, anh chỉ cần đến bệnh viện lên thẳng phòng khám gặp bác sĩ mà không phải xếp hàng chờ lấy số, đóng tiền.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Phước, Giám đốc Bệnh viện Lê Lợi cho hay: “Giải pháp đặt lịch khám trực tuyến nhằm tạo điều kiện cho người dân đăng ký khám bệnh từ xa, tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại. Ứng dụng này của bệnh viện có nhiều tính năng như: đăng ký khám bệnh và thanh toán trực tuyến; quản lý lịch khám; tra cứu kết quả khám chữa bệnh và tư vấn sức khỏe trực tuyến tại địa chỉ http://leloi.medpro.com.vn”.

Không chỉ với ngành y tế, các lĩnh vực giáo dục, tài nguyên môi trường, giao thông vận tải… trên địa bàn tỉnh cũng từng bước thực hiện chuyển đổi số, qua đó, mang lại nhiều tiện ích, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân.

Ông Lê Văn Lâm, Giám đốc Sở TT-TT cho biết, song song với việc triển khai xây dựng đô thị thông minh, tỉnh cũng đang tập trung xây dựng và thực hiện chương trình chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu cơ bản của Chương trình chuyển đổi số là đến năm 2025, 100% thủ tục hành chính (TTHC) được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và tích hợp lên cổng dịch vụ công của tỉnh; 90% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 100% giao dịch trên cổng dịch vụ công và phần mềm một cửa điện tử của tỉnh được xác thực điện tử; 100% hoạt động quản lý nhà nước của các cơ quan, đơn vị từ cấp tỉnh đến cấp xã thông qua sử dụng văn bản điện tử có chữ ký số, liên thông từ cấp tỉnh đến cấp xã và liên thông với hệ thống quốc gia…

Ngoài ra, tỉnh còn triển khai nhân rộng hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của UBND cấp tỉnh đến cấp huyện, xã; 60% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý; hạ tầng băng thông rộng phủ trên 98% hộ gia đình, 100% xã; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; tỷ lệ người dân và DN có tài khoản thanh toán điện tử trên 60%. Chương trình nhằm hướng đến mục tiêu đưa BR-VT vào nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về mức độ chuyển đổi số.

Theo đó, nhiệm vụ cần ưu tiên chuyển đổi số gồm: xây dựng chính quyền số, ĐTTM, chuyển đổi số trong y tế, giáo dục, du lịch, thông tin và truyền thông, giao thông vận tải, logistics, tài nguyên môi trường, công nghiệp, năng lượng, thương mại...

Ông Lâm cho biết thêm, để tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả chương trình chuyển đổi số của tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố và các DN cần tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trong chương trình chuyển đổi số. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân là yếu tố bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số. Trong đó xác định chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức của người dân. Đồng thời phải lấy người dân là trung tâm của chuyển đổi số. Ngoài ra, trong quá trình chuyển đổi số phải coi bảo đảm an toàn, an ninh mạng là then chốt…

Bài, ảnh: QUANG VŨ

;
.