Trong cái khó, có tình người

Thứ Bảy, 06/02/2021, 06:29 [GMT+7]
In bài này
.

“0 đồng” là chi phí phải trả cho những món hàng ở các gian hàng, cửa tiệm, quán cơm… dành cho những hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Những ngày này, khi Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đang cận kề, dịch COVID-19 bùng phát trở lại, những gian hàng, phiên chợ, quán cơm “0 đồng” càng trở nên có ý nghĩa, thấm đẫm tình người, tính nhân văn…

Bếp ăn 0 đồng của Nhóm thiện nguyện Nhân Ái, huyện Xuyên Mộc, phục vụ hàng trăm suất cơm trưa mỗi ngày cho người nghèo, từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần.
Bếp ăn 0 đồng của Nhóm thiện nguyện Nhân Ái, huyện Xuyên Mộc, phục vụ hàng trăm suất cơm trưa mỗi ngày cho người nghèo, từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần.

NHỮNG GIAN HÀNG “0 ĐỒNG” ĐẶC BIỆT

Cuối tuần, “Cửa hàng 0 đồng” tại Hội quán Thanh niên, thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức mở cửa và tiếp đón những khách hàng quen. Họ là những người bán vé số, người lao động có hoàn cảnh khó khăn hoặc người già neo đơn. Bà Nguyễn Thị Mỳ (70 tuổi, thị trấn Ngãi Giao) là một “khách quen” của “Cửa hàng 0 đồng”, bà đến “mua” gạo, trứng và nước tương. Bà Mỳ và đứa cháu ngoại mồ côi sống dựa vào nhau. Những lúc khỏe, bà đi bán vé số, ngày xương khớp đau nhức thì ở nhà, những đợt cao điểm của dịch COVID-19 như thời gian gần đây, bà cũng tạm nghỉ. “Mỗi tháng 1 hoặc 2 lần, tôi lại đến nhận gạo, các nhu yếu phẩm. Cháu ngoại tôi đang học lớp 6, nên còn được tặng thêm 5 cuốn tập trắng cho cháu. Hồi đầu năm học, cháu cũng được nhận SGK từ cửa hàng. Có nơi để nhận gạo, nhu yếu phẩm, bà cháu tôi mừng lắm, đỡ rất nhiều chi phí ăn uống hàng tháng, nhất là khi không đi bán vé số được…”, bà Mỳ rưng rưng nói sau khi nhận hàng.

Anh Trần Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam huyện Châu Đức, quản lý “Cửa hàng 0 đồng” cho hay, cửa hàng hoạt động từ cuối tháng 5/2020, nhằm hỗ trợ người nghèo có hoàn cảnh khó khăn, ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 và được duy trì cho đến nay. Ngày Chủ nhật hằng tuần, người nghèo được mua miễn phí một số mặt hàng thiết yếu, như: gạo, mì, hạt nêm, muối, dầu ăn, trứng, tập vở, SGK, quần áo... Mỗi người đến cửa hàng được nhận 3 món hàng bất kỳ, nguồn chi phí thực hiện do ĐVTN đóng góp và vận động các nhà hảo tâm. “Bên cạnh đó, hằng tháng, chúng tôi còn tổ chức chuyến xe yêu thương luân phiên đến các xã vùng xa, tặng từ 5-10 phần quà cho các cụ già neo đơn khó khăn đi lại”, anh Phúc nói.

Cũng với mục đích hỗ trợ người nghèo, trên địa bàn TX.Phú Mỹ có nhiều mô hình như: Tủ quần áo miễn phí “Ai thừa đến ủng hộ, ai thiếu đến nhận” tại các phường Mỹ Xuân, Phú Mỹ; gian hàng 0 đồng, phiên chợ 0 đồng tại xã Tóc Tiên, phường Tân Phước... Đặc biệt, mô hình “Gian hàng 0 đồng” do MTTQ phường Tân Phước tổ chức tại khu phố Ông Trịnh đã giúp đỡ hàng trăm hộ nghèo vơi bớt khó khăn. Gian hàng được tổ chức vào ngày 1 và 15 âm lịch hằng tháng, với đủ các mặt hàng, từ tập vở, SGK đến quần áo, đồ gia dụng đã qua sử dụng nhưng còn mới, tốt để người khó khăn đến lựa chọn.

Vợ chồng anh Hoàng Lương - Hoàng Trang (phường Phú Mỹ) ghé vào lựa chọn vài bộ quần áo và chiếc xoong nhôm còn mới. Chị Trang cho hay, hai vợ chồng chị làm phụ hồ, mỗi tháng tổng thu nhập hơn 10 triệu đồng, đủ gói ghém tiền thuê phòng trọ và nuôi 3 con đang tuổi ăn học. “Lần đầu, vợ chồng tôi được tặng 2 phần ăn miễn phí, tôi cũng chọn được chiếc nồi về nấu ăn; lựa bộ váy còn mới cho bé thứ 2 (9 tuổi), riêng thằng út 2 tuổi thì được 2 bộ quần áo rất dễ thương. Tết đến, có bộ quần áo tươm tất, các cháu cũng mừng, vợ chồng tôi cũng thấy ấm lòng hơn”, chị Trang khoe.

BẾP ĂN “0 ĐỒNG”…

Trong khi đó, tại huyện Xuyên Mộc, Bếp ăn 0 đồng (tại thị trấn Phước Bửu) do Hội từ thiện Nhân Ái được đưa vào hoạt động từ tháng 8/2020 và duy trì cho đến nay nhằm hỗ trợ người nghèo, nhất là ở thời điểm dịch COVID-19 bùng phát trở lại. Từ thứ Hai đến thứ Sáu hằng tuần, Bếp phục vụ từ 200-400 suất cơm cho người nghèo. Đội ngũ nấu ăn, phục vụ tại quán đều là các tình nguyện viên, kinh phí duy trì bếp ăn do các nhà hảo tâm đóng góp. Mỗi suất ăn gồm cơm, canh, đồ xào, đồ mặn và trái cây để từng khay. Người dân đến ăn cơm được phục vụ chu đáo, tận tình. Xúc động khi nhận 2 phần cơm ở Bếp, cụ Trần Văn Sanh (85 tuổi, ở ấp 6, xã Hòa Bình) cho hay, sau vài lần bị tai biến, cụ phải đi bằng xe 3 bánh, nhưng vẫn bán vé số vì nuôi vợ nằm liệt giường. “Tôi đi bán vé số, ngày kiếm được mấy chục ngàn nên phần cơm trưa này quý lắm. Mấy hôm đầu tôi ăn luôn tại bếp, sau đó, các anh, chị ở bếp hỏi chuyện, biết ở nhà tôi còn vợ nằm liệt, liền tạo điều kiện để tôi mang 2 phần cơm về. Bữa nào tôi về trễ, mọi người đều phần sẵn 2 phần cơm cho tôi. Vợ tôi cũng khen cơm ở đây dẻo, ngon”, ông Sanh cho hay.

Năm 2020, toàn tỉnh đã vận động được hơn 12,2 tỷ đồng Quỹ “Vì người nghèo”, từ nguồn vận động, xây dựng và sửa chữa 206 căn nhà đại đoàn kết tổng trị giá 8,1 tỷ đồng; hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, buôn bán trị giá 300 triệu đồng; tặng hơn 2.200 suất quà cho người nghèo nhân ngày hội Đại đoàn kết, tổng trị giá hơn 1,1 tỷ đồng; vận động và tiếp nhận tổng số tiền, hàng hóa trị giá trên 40 tỷ đồng phòng, chống dịch bệnh COVID-19; triển khai công tác cứu trợ tại các tỉnh Miền Trung bị mưa lũ với tổng số và hàng hóa trị giá 31 tỷ đồng. Ngoài ra, Quỹ “An sinh xã hội” triển khai các chương trình an sinh xã hội năm 2020 với số tiền hơn 51,5 tỷ đồng...

Ông Nguyễn Kế Toại, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cho biết: Với vai trò của mình, MTTQ các cấp trong tỉnh đã chủ động tham mưu cấp ủy Đảng xây dựng những chương trình, kế hoạch chăm lo người có hoàn cảnh khó khăn, bảo đảm phù hợp với tình hình, nhu cầu tại địa phương. Đặc biệt, trong thời điểm dịch COVID-19, những mô hình chăm lo cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn lại càng cần thiết. Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” đã được triển khai sâu rộng, hiệu quả với sự chủ trì, hiệp thương của MTTQ để vận động, kết nối các DN, tổ chức, nhà hảo tâm cùng vào cuộc, với những việc làm cụ thể, thiết thực, như: Sử dụng Quỹ “Vì người nghèo” để hỗ trợ xây, sửa nhà đại đoàn kết; khám và cấp phát thuốc miễn phí cho người nghèo; tặng quà cho người nghèo vào các dịp lễ, tết; hỗ trợ đột xuất (ốm đau, bệnh tật); tổ chức máy ATM gạo, hoặc “tiếp sức” cho người nghèo bằng các mô hình giảm nghèo bền vững ở địa phương...

Bài, ảnh: MINH THANH

;
.