Tết của đồng bào dân tộc Châu Ro

Thứ Bảy, 13/02/2021, 11:19 [GMT+7]
In bài này
.

Trong không khí mùa Xuân mới đang về, đồng bào dân tộc Châu Ro trên địa bàn tỉnh phấn khởi bước sang năm 2021 với hy vọng đời sống sẽ ngày càng khởi sắc.

Quây quần bên bếp lửa hồng và thưởng thức món cơm lam, thịt nướng xiên… là những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Châu Ro vào dịp Tết cổ truyền.
Quây quần bên bếp lửa hồng và thưởng thức món cơm lam, thịt nướng xiên… là những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Châu Ro vào dịp Tết cổ truyền.

ĐỜI SỐNG NÂNG LÊN

Đến ấp Nhân Trí, xã Xuyên Mộc (huyện Xuyên Mộc) vào những ngày này, chúng tôi ghi nhận không khí đón Tết Nguyên đán của đồng bào dân tộc Châu Ro nơi đây cũng rộn ràng không kém gì người Kinh. Ấp Nhân Trí hiện có gần 100 hộ đồng bào dân tộc Châu Ro sinh sống. Đón Tết Nguyên đán, nhiều hộ đã dọn dẹp, sửa sang lại nhà cửa, chuồng trại, có nhà còn mua hẳn con heo để đãi khách.

Đang lấy cỏ cho bò ăn, thấy có khách đến chơi, ông Đào Văn Kiệm (người dân tộc Châu Ro) dừng tay tiếp chuyện. Chỉ tay vào mấy con bò đực giống đang nằm dưới tán cây xoài, ông Kiệm giọng phấn khởi: “Nhờ Nhà nước hỗ trợ bò giống và cho vay vốn phát triển nghề, hiện gia đình tôi đã có 4 con bò đực giống và còn mua được máy xới. Thu nhập trung bình mỗi ngày của gia đình gần 1 triệu đồng, đời sống khá hơn trước rất nhiều”.

Theo ông Nguyễn Bút, Trưởng Ban Công tác Mặt trận ấp Nhân Trí, mấy năm nay, các chương trình đầu tư của Nhà nước đã giúp đỡ rất nhiều cho bà con đồng bào dân tộc Châu Ro phát triển kinh tế. Cuộc sống được cải thiện nên họ có điều kiện chuẩn bị cái Tết khá tươm tất.

Về ấp Tân Thuận, xã Long Tân (huyện Đất Đỏ) và gặp đồng bào dân tộc Châu Ro nơi đây, chúng tôi mới cảm nhận niềm vui của họ sau một năm làm ăn ổn định. Với khoảng 135 hộ/gần 500 nhân khẩu, cuộc sống của đồng bào dân tộc Châu Ro đang dần khá lên. Nơi đây còn được xây nhà truyền thống để bà con thực hiện nghi thức rước tổ tiên về ăn Tết.

“Nhờ sự quan tâm giúp đỡ về tinh thần lẫn vật chất của các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị, DN đã giúp đồng bào dân tộc Châu Ro vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19, chuẩn bị Tết cổ truyền đầm ấm. Tết năm nay mặc dù không tổ chức lễ cúng tổ tiên tập trung nhưng bà con vẫn rất vui”, ông Bạch Thanh Hiển, Bí thư Chi bộ ấp Tân Thuận vui vẻ nói.

VUI XUÂN

Mặc dù đón Tết cổ truyền cùng dân tộc, nhưng cách đón Tết của đồng bào dân tộc Châu Ro có những nét riêng. Bên cạnh Tết cổ truyền, người Châu Ro còn có lễ YangVa (cúng Thần lúa) diễn ra từ tháng 2 đến giữa tháng 3 Âm lịch. Đây là lễ hội truyền thống lớn nhất của cộng đồng Châu Ro, với mong muốn mưa thuận gió hòa, một mùa bội thu, năm mới bình an, hạnh phúc đến mọi nhà. Tại mỗi gia đình, ngoài việc mua sắm quần áo mới cho con, cháu, họ còn chuẩn bị những món ăn đậm chất của người Châu Ro.

Con cháu gia đình ông Đào Văn Tâm (thôn Lồ Ồ, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức) tề tựu đón Tết cổ truyền.
Con cháu gia đình ông Đào Văn Tâm (thôn Lồ Ô, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức) tề tựu đón Tết cổ truyền.

“Tết đến, nhà ai cũng có thịt heo, thịt gà, măng tre khô… cho mâm cỗ đón Tết Nguyên đán như người Kinh. Một số hộ Châu Ro còn làm thêm món canh bồi, cơm lam, thịt nướng xiên, bánh dày, bánh kẹp để tưởng nhớ ông bà. Theo phong tục, Tết đến bà con Châu Ro lại quây quần tại Nhà Văn hóa Bàu Chinh thưởng thức món ăn tự làm và uống rượu cần. Người trẻ múa hát, bậc cao niên thì chúc nhau sức khỏe, hỏi chuyện làm ăn, con cháu học hành… Nhưng năm nay, các hoạt động này không diễn ra vì mọi người đang cùng chính quyền chung tay phòng, chống dịch COVID-19”, bà Lý Thị Nhiễn (77 tuổi, thôn Tân Châu, xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức) chia sẻ.

Còn ông Đào Văn Tâm (thôn Lồ Ô, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức) cho biết, Tết cổ truyền năm nào cũng vậy, con cháu tập trung đông đủ, mừng tuổi ông bà và nhận bao lì xì đầu năm. “Năm nay, sản xuất thuận lợi, quê hương có nhiều đổi mới, bà con trong thôn đón Tết vui hơn. Nhưng để đảm bảo thực hiện đúng quy định về phòng, chống dịch COVID-19, chúng tôi đón tết đơn giản, nhưng vẫn đầm ấm và vui tươi”, ông Tâm nói.

BR-VT hiện có 28 dân tộc thiểu số sinh sống, với hơn 7.450 hộ/gần 32.000 nhân khẩu, chiếm 3% dân số toàn tỉnh. Trong đó, dân tộc Châu Ro chiếm khoảng 8.000 người, sinh sống tập trung chủ yếu ở TX. Phú Mỹ và các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, Đất Đỏ.

Bài, ảnh; ĐINH HÙNG

 

;
.