Xôi ngũ sắc là món ngon đặc sản của núi rừng Tây Bắc không thể thiếu trong những mâm cỗ ngày Tết. Bằng các thứ lá cây rừng và gạo nếp nương, người miền núi Tây Bắc đã sáng tạo ra một món ăn đẹp mắt và độc đáo. Ngày nay, không cần phải đến các tỉnh Tây Bắc mới có thể thưởng thức được xôi ngũ sắc, người dân BR-VT có thể dễ dàng đặt mua xôi ngũ sắc cho mâm cỗ ngày Tết từ các cửa hàng làm xôi, gà…
Xôi ngũ sắc là món ăn được nhiều người ưa chuộng dịp Tết. |
Xôi ngũ sắc thường được làm với 5 màu khác nhau: đỏ, xanh, trắng, tím, vàng tượng trưng cho “ngũ hành”. Trong đó, màu đỏ mang ý nghĩa của khát vọng. Màu xanh tượng trưng cho màu xanh của núi rừng, cầu mong đất đai tươi tốt. Màu vàng tượng trưng cho sự no ấm đủ đầy. Màu tím tượng trưng đất đai trù phú. Màu trắng tượng trưng cho sự chung thuỷ trong tình yêu. Đồng bào dân tộc thiểu số Tây Bắc quan niệm màu sắc của món xôi càng đẹp tượng trưng cho sự phát đạt, thịnh vượng cho gia đình. Với hình thức bắt mắt, độ dẻo thơm khó lẫn khiến xôi ngũ sắc trở thành món ăn làm nên bản sắc cho người dân tộc thiểu số các tỉnh Tây bắc như: Hà Giang, Cao Bằng, Thái Nguyên…
Cùng là 5 màu nhưng cách chế biến xôi ngũ sắc còn tùy thuộc vào điều kiện cũng như tập tục của từng vùng mà cách pha trộn màu sắc để tạo nên món xôi này cũng khác nhau. Tuy nhiên có điểm chung là để xôi được thơm ngon, màu sắc bắt mắt công đoạn chọn nguyên liệu rất quan trọng. Theo chị Trần Thái Thụy Đan Phượng, chủ cửa hàng xôi hoa đậu Đan Phượng (20 Nguyễn Văn Trỗi, phường 4, TP. Vũng Tàu), để có được món xôi ngũ sắc ngon, chị thường dùng gạo nếp thơm dẻo, hạt đều không lẫn tẻ, trộn với các loại lá và quả tự nhiên để nhuộm màu. Để xôi có được 5 màu đẹp khác nhau, người ta chia nếp thành 5 phần bằng nhau để nhuộm. Chẳng hạn để có xôi màu đỏ thì dùng quả gấc ướp rượu trắng để ngâm với nếp. Màu xanh thì dùng lá gừng, lá cơm nếp xay nhuyễn lấy nước rồi cho nếp vào ngâm. Màu vàng dùng củ nghệ già giã lấy nước. Màu tím thì dùng lá cẩm. Còn màu trắng chính là màu nếp nguyên thủy. Theo kinh nghiệm của những người nấu xôi ngũ sắc thì để cho hạt xôi mềm dẻo thì đem nếp ngâm trong nước từ 6 - 8 tiếng trước khi nấu. Sau đó đem đồ xôi trên bếp lửa đều để cho xôi được chín dẻo, thơm đậm. Mỗi màu sẽ đồ ở một chõ riêng, đây được coi là công đoạn khó nhất đòi hỏi sự khéo léo của người làm.
Xôi sau khi đồ xong được trưng bày theo nhiều cách khác nhau. Người dân tộc Thái thường bày xôi ra mẹt, thành hình bông hoa 5 cánh tượng trưng cho hoa ban, loại hoa đặc trưng của núi rừng Tây Bắc. Người dân tộc Nùng thì có cách bày ra đĩa, ra mẹt có lót lá chuối hoặc lá dong. Với người Tày, thường dùng lá dong hoặc lá chuối để gói xôi ngũ sắc, giúp cho xôi được mềm, dẻo, giữ được độ ấm vừa phải, đặc biệt khi mở gói xôi ra có mùi thơm của lá rong. Còn ở thành phố, cách đơn giản nhất là xôi được bày ra đĩa hoặc được cho vào hộp để giao luôn cho khách.
Ngoài các địa chỉ nhận đặt xôi ngũ sắc theo đơn của khách, trên các trang bán hàng online, xôi ngũ sắc cũng được nhiều cơ sở nhận đặt vào dịp Tết với mức giá giao động từ 60-100 đồng/đĩa tùy loại lớn nhỏ. Chị Bùi Thu Hiền (chung cư 5 tầng, đường Lê Hồng Phong, TP. Vũng Tàu cho biết, chị quê ở Hà Giang đến Vũng Tàu sinh sống đã hơn 10 năm. Nhưng mỗi dịp Tết Nguyên đán, chị đều đặt xôi ngũ sắc để chưng lên bàn thờ gia tiên trong mâm cỗ cúng tất niên. Theo chị Hiền, đĩa xôi nếp ngũ sắc hoàn thành và được bày lên mâm cỗ không chỉ đẹp mắt mà còn tượng trưng cho ngũ hành: kim - mộc - thủy - hỏa - thổ. Vì vậy, theo quan niệm của chị, ngày lễ, Tết được ăn xôi ngũ sắc sẽ mang lại nhiều điều may mắn, tốt lành.
Bài, ảnh: QUANG VŨ