.

Nỗ lực đưa người mất việc trở lại thị trường lao động

Cập nhật: 18:04, 19/02/2021 (GMT+7)

Cùng với việc chi trả trợ cấp thất nghiệp, công tác tư vấn, hỗ trợ học nghề và giới thiệu việc làm trên địa bàn tỉnh đang được đẩy mạnh nhằm đưa người mất việc làm trở lại thị trường lao động. Để công tác này phát huy hiệu quả, các cơ quan chức năng cần tiếp tục hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động. 

Người lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.
Người lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.

ĐIỂM TỰA CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG

Theo báo cáo của Sở LĐTBXH, năm 2020, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến việc làm, tiền lương của 47.387 người lao động (NLĐ). Tại các DN trong các KCN trên địa bàn tỉnh có 6.727 lao động nghỉ, ngừng việc, trong đó có 6.457 lao động nghỉ, ngừng việc có hưởng lương (không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng) và 1.550 lao động bị mất việc làm. Tỷ lệ người hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cũng tăng đột biến. 

Ông Phạm Quang Việt, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh dẫn chứng: “Năm 2020, ngành BHXH phối hợp với ngành LĐTBXH giải quyết chế độ BHTN cho 19.138 người (tăng 18,6% so với năm 2019) với số tiền chi trả hơn 359,5 tỷ đồng. Đến nay, 100% người thuộc diện thụ hưởng đã nhận tiền trợ cấp hoặc được hỗ trợ học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp. “Đối với NLĐ tham gia BHTN bị mất việc làm, dù lựa chọn hưởng trợ cấp theo hình thức nhận tiền hay học nghề, thì họ cũng có “phao cứu sinh” để vượt qua giai đoạn khó khăn”, ông Việt nói. 

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, chính sách BHTN trở thành “điểm tựa” giúp NLĐ vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống. Ngày 18/2, đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh nộp hồ sơ hưởng trợ cấp BHTN, chị Lê Ngọc Điệp (phường 12, TP. Vũng Tàu) cho biết, chị là công nhân may với mức lương hơn 5 triệu đồng/tháng. Công ty vừa giải thể do hết thời hạn thuê mặt bằng và ảnh hưởng COVID-19 nên chị mất việc làm. Vì vậy, chị đã đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. “Ngoài việc được tư vấn về chế độ trợ cấp thất nghiệp, tôi còn được tư vấn về chính sách hỗ trợ học nghề và tìm việc làm mới. Tôi đang tìm công việc mới để sớm ổn định cuộc sống”, chị Điệp chia sẻ. 

Để đưa lao động mất việc trở lại thị trường lao động và nâng cao hiệu quả giải quyết việc làm cho nhóm lao động đặc thù này, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tăng cường kết nối với các tỉnh, thành trong cả nước, nhất là các tỉnh, thành có thị trường lao động phát triển để giải quyết việc làm cho lao động. Đồng thời, trung tâm cũng kết nối với các cơ sở đào tạo, 82 xã, phường, thị trấn để tạo mối liên kết chặt chẽ về thị trường lao động-việc làm. Trung tâm cũng liên kết với các DN trên địa bàn tỉnh để nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động cũng như việc đào tạo bổ sung, nâng cao tay nghề cho lao động. Cách làm này nhằm tạo kênh thông tin đa chiều, đa lĩnh vực về thị trường lao động, giúp lực lượng lao động nói chung, NLĐ hưởng trợ cấp thất nghiệp nói riêng có thêm cơ hội lựa chọn học nghề, tìm việc làm phù hợp, qua đó hạn chế tình trạng thất nghiệp. 
(Ông Phạm Quang Việt,
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ- Việc làm tỉnh)

ĐÀO TẠO, CHUYỂN ĐỔI NGHỀ 

Trong bối cảnh thị trường lao động, việc làm gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc chi trả trợ cấp thất nghiệp và đào tạo nghề, giải quyết việc làm mới, ổn định thu nhập cho NLĐ là rất cần thiết. Nhiều khóa đào tạo ngắn hạn dưới 3 tháng miễn phí dành cho NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đang được triển khai. Ông Phạm Quang Việt cho rằng, NLĐ học nghề sẽ có cơ hội việc làm rộng mở bởi những công việc mới hình thành thường đòi hỏi NLĐ có trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp. Tiếc rằng, số lao động chọn học nghề còn rất ít. Năm 2020, BR-VT giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp cho 19.138 người, nhưng số lao động quay trở lại thị trường lao động chỉ 10,8%. 

Là một trong những DN phối hợp đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp, ông Nguyễn Xuân Linh, Giám đốc Công ty TNHH Đào tạo và Dịch vụ Thương mại Anh Thư (phường Thắng Nhất, TP. Vũng Tàu) cho biết, năm 2020, công ty liên kết với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức tư vấn, đào tạo nghề lái xe nâng, vận hành cẩu trục, hàn cơ bản 3G, kỹ thuật xây dựng cho lao động thất nghiệp. Sau khi hoàn thành khóa học, NLĐ có nhu cầu, công ty sẽ giới thiệu việc làm miễn phí. Tuy nhiên, số lượng lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp đăng ký học nghề rất ít. Năm 2020, công ty tiếp nhận chưa tới 10 hồ sơ học nghề với nhiều nghề khác nhau. Do vậy, công ty rất khó bố trí thời gian đào tạo. Theo ông Linh, nguyên nhân khiến lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp ít chọn học nghề là vì phần lớn họ có cuộc sống khó khăn, muốn nhận tiền trợ cấp để trang trải cuộc sống trước mắt, hơn là chọn hình thức hỗ trợ học nghề. Hơn nữa, mức hỗ trợ học nghề hiện nay còn thấp (tối đa 1 triệu đồng/người/tháng, thời gian tối đa là 6 tháng) nên không hấp dẫn NLĐ. 

Hiện nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã liên kết với các đơn vị đào tạo dạy các nghề như lái xe hạng B2, hạng C, đào tạo nghề hàn cơ bản, hàn công nghệ cao, kỹ thuật xây dựng, lái xe nâng... cho lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Thời gian lao động học nghề phụ thuộc vào thời gian đào tạo của từng nghề, nhưng không quá 6 tháng. Mức hỗ trợ học nghề cho NLĐ đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tùy theo mức chi phí học nghề của từng nghề và thực hiện theo quy định của Chính phủ. Trường hợp NLĐ đang hưởng trợ cấp thất nghiệp có nhu cầu học nghề với chi phí cao hơn mức hỗ trợ theo quy định thì phải trả phần vượt quá mức hỗ trợ.

Bài, ảnh: NHÃ UYÊN

.
.
.