Cẩn trọng suy thận cấp vì... ăn khế

Thứ Bảy, 20/02/2021, 10:14 [GMT+7]
In bài này
.

Liên tục dùng 8kg khế trong 3 ngày với mục đích giảm đau khớp, ông P.V.L (63 tuổi, Cần Thơ) rơi vào suy thận cấp và phải chạy thận nhân tạo để lọc máu. Rất may, sau thời gian điều trị tích cực chức năng thận của ông L. đã hồi phục. 

Bác sĩ kiểm tra, theo dõi quá trình lọc máu cho người bệnh suy thận do ăn khế.
Bác sĩ kiểm tra, theo dõi quá trình lọc máu cho người bệnh suy thận do ăn khế.

NGỘ ĐỘC NƯỚC ÉP KHẾ

Ông L. chia sẻ: “Khế vào mùa nhìn ngon, mùi thơm rất hấp dẫn, bà xã lại nghe nói ăn khế tốt, giúp giảm đau khớp nên bà xã đã ép nước khế cho tôi uống. Ai ngờ đâu…”. Trong vòng 3 ngày, ông đã tiêu thụ tổng cộng khoảng 8kg khế, chủ yếu dưới dạng nước ép. Đến sáng ngày thứ tư ông bị nhức đầu, buồn nôn, rung chân, huyết áp tăng, người phù. Ông được đưa đến Bệnh viện Bình Dân để điều trị. Tại đây, qua khai thác bệnh sử, các bác sĩ ghi nhận ông L. vốn là bệnh nhân bị đái tháo đường đã 27 năm nay. Dựa trên các kết quả xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán ông L. bị tổn thương thận cấp do ăn khế và được chỉ định lọc máu điều trị. Sau khi điều trị tích cực, ông L. đã hồi phục và được trở về nhà. Hiện nay, ông tiếp tục theo dõi chức năng thận tại bệnh viện và được các bác sĩ khuyến cáo loại bỏ hoàn toàn khế ra khỏi khẩu phần ăn hằng ngày.

KHẾ CÓ CHỨA CHẤT GÂY ĐỘC THẦN KINH

BS. CKI Lê Thị Thùy Dương, Khoa Lọc máu - Nội thận, Bệnh viện Bình Dân cho biết: Ông L. không phải là trường hợp đầu tiên bị suy thận cấp có liên quan tới việc ăn, uống quá nhiều nước ép khế. Bệnh viện từng tiếp nhận các trường hợp suy thận, ngộ độc thần kinh, co giật, hôn mê do độc chất caramboxin có trong trái khế. Đối với trường hợp của ông L., do đái tháo đường đã gây tổn thương các mạch máu nhỏ trong thận, ảnh hưởng đến chức năng lọc của thận, khiến thận giảm khả năng đào thải độc chất. Khi dùng lượng lớn nước ép khế, thận phải tăng hoạt động để loại bỏ lượng lớn chất độc caromboxin trong khế ra khỏi cơ thể, dẫn tới suy thận cấp. Lượng độc chất không được thải trừ hết gây tình trạng ngộ độc thần kinh khiến tình trạng sức khỏe của ông thêm nguy kịch.

Bác sĩ Thùy Dương cũng cho biết thêm: Mặc dù có nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe, nhưng khế là loại trái cây chứa nhiều a-xít oxalic, một chất có khả năng tạo sỏi tiết niệu nếu ăn thường xuyên. Do vậy, những người có tiền sử bệnh thận hoặc đang bị bệnh thận, sỏi thận… tốt nhất nên tránh ăn khế để hạn chế nguy cơ tái phát sỏi. Ngoài ra, cần phải lưu ý là trong loại trái cây này còn chứa chất độc thần kinh caromboxin, có thể gây ói mửa, rối loạn tâm thần, hôn mê, động kinh, thậm chí tử vong. Với những người có chức năng thận bình thường, cơ thể khỏe mạnh, có khả năng để chuyển hóa và đào thải các chất độc có trong khế ra khỏi cơ thể nhưng người bị rối loạn chức năng thận thì có thể gặp nguy hiểm. Nếu có vấn đề về chức năng thận, người bệnh nên được thăm khám và trao đổi với các chuyên gia dinh dưỡng về các loại thực phẩm hằng ngày, không nên có suy nghĩ là thực phẩm tự nhiên thì có thể ăn thoải mái, vì có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.

Khế vẫn là trái cây tốt cho người có sức khỏe bình thường, tuy nhiên không nên ăn nhiều, ăn thường xuyên. Là loại trái cây chứa ít ca-lo, cung cấp nhiều khoáng chất vi lượng như Ca, Fe, Na, vitamin C, K, A, C, B1, B2 và chất chống ô-xy hóa dạng flavonoids và giàu chất xơ hòa tan nên có khả năng: chống viêm, hỗ trợ tiêu hóa, giảm lượng đường huyết, hỗ trợ ngăn ngừa bệnh tim mạch, hỗ trợ giảm huyết áp hoặc bệnh lý tim mạch…

NHIỀU NGƯỜI BỊ SUY THẬN MÀ KHÔNG BIẾT

Theo bác sĩ Lê Thị Thùy Dương, ngoài việc không biết khế có chứa chất độc, một trong những lý do mà bệnh nhân tiêu thụ một lượng lớn khế mỗi ngày mà không lo đến nguy cơ suy thận cấp hay ngộ độc là vì họ không biết là chức năng thận của mình đã suy giảm. Suy thận ở giai đoạn sớm chỉ có thể được phát hiện qua xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, siêu âm. Đa số người bệnh chỉ đi khám khi có các triệu chứng suy thận nặng hơn như chán ăn, mệt mỏi, phù, tiểu ít, đau nhức cơ, tràn dịch màng bụng, màng phổi. Do đó những người có nguy cơ suy thận cao như bị bệnh viêm cầu thận, đái tháo đường, cao huyết áp, dùng thuốc tùy tiện, dùng thuốc giảm đau kéo dài nên được đánh giá chức năng thận. Nếu được phát hiện sớm, suy thận có thể được điều trị bảo tồn, trì hoãn việc phải lọc máu định kỳ và hạn chế nguy cơ phải ghép thận. Nếu người bệnh suy thận mạn mà ăn khế có thể làm khởi phát một đợt suy thận cấp trên nền suy thận mạn, và có thể tử vong.

Đối với các bác sĩ, nếu tiếp nhận các trường hợp bị suy thận cấp, suy thận mạn không rõ nguyên do, cần hỏi xem người bệnh có ăn, uống nước khế ép hay không. Ngay cả những người có chức năng thận bình thường cũng nên cẩn thận, không ăn khế với số lượng quá nhiều vì có báo cáo khoa học cho thấy việc ăn khế thường xuyên cũng có hại đối với người có sức khỏe bình thường.

Bài, ảnh: TRẦN NHUNG

;
.