Để phòng chống dịch bệnh COVID-19, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, UBND tỉnh đã quyết định cho HS các cấp tiếp tục nghỉ học đến hết tháng 2/2021. Để thích ứng, nhiều phụ huynh đã xoay xở tìm cách nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ trong khi ba mẹ vẫn đi làm.
Có 2 con đang học tiểu học phải dừng đến trường do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, anh Đặng Khắc Hưng (phường Thắng Nhì, TP. Vũng Tàu) phải xin nghỉ phép để trông coi và hướng dẫn con học trực tuyến. |
NHỜ NGƯỜI TRÔNG CON
Chị Nguyễn Kim Anh (trú tại đường Huyền Trân Công Chúa, phường 8, TP. Vũng Tàu) chia sẻ, vợ chồng chị có 2 con trai, bé lớn đang học lớp 5, bé nhỏ 5 tuổi, đang học MN. Vợ chồng chị đều đi làm, không có người thân ở gần nên khi các con nghỉ học, anh chị chọn phương án thuê người đến nhà trông con. “Vợ chồng tôi đã nhờ được cô giáo cũ của con đến trông các bé từ 7 giờ đến 17 giờ. Cô kèm bé lớn học và trông bé nhỏ. Buổi trưa cô ở lại nấu cơm cho 2 con nên chúng tôi rất yên tâm”, chị Kim Anh nói.
Tương tự, chị Đinh Thị Thắm (ngụ phường Thắng Nhất, TP. Vũng Tàu) cho biết, gia đình chị có một bé gái 2 tuổi đang học MN tư thục. Khi trường thông báo HS dừng đến trường để phòng chống dịch bệnh, chị đã đăng lên mạng xã hội để tìm người trông trẻ tại nhà. “Sau khi tìm hiểu một số nơi, tôi quyết định gửi con cho một cô giáo MN gần nhà. Cô là GV, có kinh nghiệm chăm sóc trẻ nên yên tâm hơn”, chị Thắm nói.
Theo khảo sát của phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, dù các trường học cho HS dừng đến trường, một số nhóm trẻ gia đình, tự phát được thành lập nhằm đáp ứng nhu cầu gửi con của phụ huynh. Phí trông giữ trẻ từ 100-150 ngàn đồng/ngày. Cô T.A (trú tại phường 2, TP. Vũng Tàu), một người trông giữ trẻ tại nhà cho hay: “Tôi là giáo viên MN nên nhận trông trẻ tại nhà trong thời gian nghỉ dạy vì dịch bệnh. Tôi chỉ nhận giữ 2 cháu để bảo đảm việc chăm sóc và an toàn sức khỏe cho các bé, cũng như tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19”.
Nhiều phụ huynh cũng tìm ra các giải pháp nhằm trông giữ hoặc giám sát con trong khi ba mẹ đi làm. Chị Nguyễn Thị Thúy (trú phường Thắng Nhì, TP. Vũng Tàu) cho hay, chị giao chìa khóa cho con và dặn các con không ra khỏi nhà. Gia đình chị còn lắp đặt hệ thống camera có tiếng nói để theo dõi, nhắc các con học tập, vui chơi theo thời khóa biểu. “Tuy không yên tâm bằng có người lớn giám sát nhưng đây cũng là cách quản lý con phù hợp trong thời gian nghỉ học để phòng dịch”, chị Thúy nói.
CẢNH GIÁC VỚI DỊCH BỆNH VÀ TAI NẠN THƯƠNG TÍCH
Bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT nhìn nhận, trong thời gian HS dừng đến trường, nhiều phụ huynh gặp khó khăn trong việc trông coi, giáo dục trẻ. Sở GD-ĐT đã yêu cầu các cơ sở giáo dục MN xây dựng video hướng dẫn các hoạt động giáo dục theo lĩnh vực phát triển, vệ sinh, dinh dưỡng, kỹ năng… phù hợp từng độ tuổi, gửi tới phụ huynh HS, người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ qua các ứng dụng trên mạng (Zalo, Viber, Messenger) để hỗ trợ phụ huynh. Tuy nhiên, cha mẹ, người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ nên bố trí thời gian hợp lý để cùng chơi, cùng học, tạo hứng thú cho trẻ xem video bài giảng với thời gian hợp lý, đảm bảo sức khỏe, an toàn và không gây áp lực cho trẻ. Sở GD-ĐT đã thẩm định 16 sáng kiến giải pháp và 432 video chăm sóc, giáo dục trẻ để tạo ngân hàng dữ liệu cung cấp cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Bà Châu cũng lưu ý, trong giai đoạn này, ngoài việc chú trọng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cho trẻ, phụ huynh cần đặc biệt lưu ý tới việc phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ tại nhà.
Theo khuyến cáo của Bộ LĐTBXH và Bộ Y tế, trẻ ở nhà cũng có nhiều nguy cơ tai nạn thương tích nếu không được người lớn chú ý và phòng ngừa. Đó là các khu vực như phòng bếp, phòng khách, nơi cất giữ thuốc, nhà kho, ao hồ, nơi chứa nước xung quanh nhà cùng các vật dụng như bình thủy, dao kéo, hóa chất gia dụng và thuốc uống… Vì vậy, để phòng, tránh thương tích cho trẻ, các gia đình cần rà soát, liệt kê các yếu tố nguy cơ gây tai nạn thương tích và tổn thương cho trẻ trong nhà để có kế hoạch sửa chữa, loại bỏ. Đồng thời, cần dạy cho trẻ biết về các yếu tố nguy cơ và các biện pháp phòng chống thương tích thông qua các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.
Về việc phụ huynh tìm nơi trông giữ trẻ trong thời gian nghỉ học để phòng dịch, một cán bộ quản lý giáo dục cho rằng, việc trông giữ trẻ tự phát gây khó khăn cho việc phòng chống dịch bệnh COVID-19 nếu người trông giữ trẻ và phụ huynh, HS không nắm được lịch trình của nhau, không tuân thủ các quy định về phòng chống dịch... Không chỉ vậy, nơi trông giữ trẻ trong thời gian HS nghỉ dịch hầu hết là các nhóm trẻ tự phát chưa được cấp phép, không bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ có thể tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cho trẻ. Vì vậy, phụ huynh cần cân nhắc, lựa chọn những phương án phù hợp nhất.
Bài, ảnh: KHÁNH CHI