Trẻ dậy thì sớm không can thiệp có thể mất 20cm chiều cao
Dậy thì sớm khiến nhiều trẻ khi trưởng thành sẽ thấp hơn bạn cùng trang lứa 10-20cm nếu không được can thiệp y tế kịp thời. Trẻ còn phải đối mặt với nhiều hệ lụy trong tương lai như rối loạn tâm lý, tăng nguy cơ trầm cảm và các hành vi chống đối xã hội.
Bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2 khám và tư vẫn cho người nhà của trẻ. |
CHƯA LỚN ĐÃ DẬY THÌ
Bé gái hơn 7 tuổi đã phát triển ngực, có kinh nguyệt, bé trai mới lên 9 tuổi đã vỡ giọng, mặt nổi trứng cá, xuất hiện ria mép, tinh hoàn phát triển lớn… là những dấu hiệu dễ nhận ra của trẻ bị dậy thì sớm. Dậy thì sớm khiến trẻ lóng ngóng, tự ti, thậm chí là bị kỳ thị khi cơ thể quá khác so với bạn bè. Đáng lưu ý, cơ thể phát triển nhưng nhận thức và suy nghĩ vẫn là của trẻ em độ tuổi nhi đồng, chưa biết nhận thức những hành vi lạm dụng và chưa biết cách bảo vệ mình nên trẻ có nguy cơ bị lạm dụng cao hơn. Có con bị dậy thì sớm, cha mẹ cũng bối rối, gặp nhiều khó khăn trong việc chăm sóc, hướng dẫn và bảo vệ con.
Bé N.T.T.K (6 tuổi, 7 tháng) được mẹ đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM thăm khám vì mới hết học kỳ 1, lớp 1 cháu đã kêu đau vùng vú, ngực lớn lên,... Dù mới học lớp 1, cháu đã cao 1,30cm, bằng chiều cao của trẻ khoảng 11 tuổi. Kết quả xét nghiệm cũng ghi nhận hormone nội tiết của cháu tăng cao. BS. CKII. Hoàng Ngọc Quý, Trưởng khoa Thận - Nội tiết, Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết đây là một trưởng hợp dậy thì sớm điển hình. Dậy thì sớm ở trẻ em ngày càng phổ biến và tuổi dậy thì có khuynh hướng sớm hơn so với thế hệ trước đây. Đặc biệt, có một tỉ lệ nhỏ trẻ có biểu hiện dậy thì sớm khi còn ít tháng tuổi, 2, 3 tuổi… liên quan đến bệnh lý, cần có sự kiểm tra theo dõi và can thiệp phù hợp.
Theo bác sĩ Quý: Trẻ được xem là dậy thì sớm nếu xuất hiện đặc tính sinh dục thứ phát (phát triển vú, huyết trắng, kinh nguyệt, lông mu, lông nách, tinh hoàn, dương vật…) trước 8 tuổi ở bé gái và trước 9 tuổi ở bé trai. Từ lúc xuất hiện những triệu chứng dậy thì cho đến lúc các đặc tính sinh dục thứ phát xuất hiện đầy đủ, ở nữ là từ 10,5-11 tuổi, ở nam là 11,5-12 tuổi. Tỷ lệ dậy thì sớm gặp ở bé gái cao hơn gấp 5 lần so với bé trai.
Để đánh giá dậy thì sớm cần thực hiện: Các xét nghiệm nội tiết tố sinh dục trong máu, xét nghiệm đánh giá tuổi xương, chụp MRI não… nhằm xác định đúng nguyên nhân gây ra dậy thì sớm và kịp thời điều trị.
Dậy thì sớm được chia thành 3 nhóm
Dậy thì sớm trung ương: Dậy thì sớm do sự bài tiết quá mức hormone sinh dục từ vùng Hạ đồi-tuyến yên trong não. Đây là nhóm dậy thì sớm thường gặp nhất. Cụ thể tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, đang quản lí khoảng 500 trẻ dậy thì sớm, trong đó có khoảng 400 trẻ dậy thì sớm trung ương.
Có khoảng 90-95% dậy thì sớm trung ương ở bé gái là vô căn, tức là không có nguyên nhân thực thể gây ra tình trạng này. Có 5-10% trường hợp bé gái dậy thì sớm trung ương là do có khối u não, dị tật não. Tỷ lệ bé trai dậy thì sớm trung ương thấp hơn, nhưng đáng lưu ý là có tới gần một nửa số lượng bé trai dậy thì sớm trung ương được phát hiện có u não, bất thường não, dị tật não gây kích thích tuyến sinh dục.
Dậy thì sớm ngoại vi: Dạng này ít phổ biến hơn so với dậy thì sớm trung ương. Thường liên quan đến u buồng trứng ở bé gái, bướu tinh hoàn ở bé trai hay có bất thường ở tuyến thượng thận…
Dậy thì sớm không hoàn toàn: Nhóm này đặc trưng với việc phát triển sớm, đơn độc, một đặc tính sinh dục thứ phát ở trẻ, chẳng hạn như tăng sinh tuyến vú, tăng kích thước tinh hoàn…
|
TRẺ HOANG MANG, CHA MẸ RỐI TRÍ
Khi nghe con được chẩn đoán là dậy thì sớm, chị T. mẹ cháu K. và gia đình ngỡ ngàng. Chị chưa thể chấp nhận sự thật và chưa biết phải làm gì với con. Bác sĩ Quý chia sẻ: “Đa số các bậc cha mẹ đều khá bối rối, tâm lý nặng nề, họ “không chịu tin” và “không thể chấp nhận” việc trẻ dậy thì sớm là sự thật. Đặc biệt với người cha, khi con gái dậy thì sớm, đồng nghĩa việc họ không còn được thể hiện tình cảm, chăm sóc trẻ theo cách giống như lúc trước. Với một số người, đây là... cú sốc tâm lý. Một số phụ huynh đưa con đến khám tại bệnh viện cho biết họ ngại ngùng, cố gắng dấu đi việc trẻ dậy thì sớm.
Giáo sư George Patton, Đại học Melbourne và các cộng sự đã thực hiện nghiên cứu trên 3.491 trẻ em và gia đình tại Úc, phát hiện 16% trẻ em gái và 6% trẻ em trai đã bắt đầu dậy thì từ 8 đến 9 tuổi. Nghiên cứu cho thấy bé trai dậy thì sớm gặp nhiều khó khăn về hành vi hơn và khả năng điều chỉnh cảm xúc xã hội kém hơn. Các bé gái dậy thì sớm cũng gặp nhiều khó khăn hơn trong việc điều chỉnh cảm xúc xã hội ngay từ khi còn nhỏ. Nhưng ít gặp vấn đề về hành vi hơn bé trai khi trưởng thành.
Tuổi dậy thì là thời kỳ gia tăng căng thẳng và thách thức, khi trẻ phải học cách thích nghi với các vai trò xã hội thay đổi. Vì lý do này, các vấn đề sức khỏe tâm thần thường khởi phát ở tuổi vị thành niên. Bản thân trẻ dậy thì sớm chịu nhiều thiệt thòi và hụt hẫng vì cơ thể phát triển, trẻ phải ý tứ trong cử chỉ, các thành viên khác giới trong nhà (cha, anh trai…) tiết chế các hành động thể hiện sự tiếp xúc gần gũi. Trẻ dậy thì sớm thường ngại ngùng, đôi khi tránh né các hoạt động cộng đồng vì mặc cảm, tự ti, thậm chí là có cảm giác bất an, lo lắng khi ngoại hình mình khác biệt so với các bạn đồng trang lứa. Nhiều trẻ còn bị bạn bè cô lập, kỳ thị, dẫn tới những tổn thương tâm lý cho trẻ dậy thì sớm.
Trẻ dậy thì sớm cần được trang bị kiến thức, được hướng dẫn về cách vệ sinh, chăm sóc cơ thể khi con có kinh nguyệt. Gia đình thông báo và nhờ sự trợ giúp của giáo viên tại trường để giáo viên có thể hỗ trợ kịp thời khi trẻ gặp khó khăn tại lớp học. Cần sự giải thích và lưu ý về các kiến thức bảo vệ bản thân trước nguy cơ bị lạm dụng tình dục. Dặn dò cẩn trọng khi gặp người lạ để tránh người có ý đồ xấu |
ĐIỀU TRỊ DẬY THÌ SỚM CẢI THIỆN CHIỀU CAO CỦA TRẺ
Thông thường, xương phát triển tương đương với tuổi của trẻ, nhưng với trẻ dậy thì sớm thì tuổi xương sẽ lớn hơn tuổi thực. Vì thế, các bé dậy thì sớm sẽ ngưng quá trình phát triển sớm hơn so với các bạn cùng trang lứa. Các thống kê cho thấy, trẻ em dậy thì sớm thường có chiều cao khi trưởng thành thấp hơn khoảng 12cm (đối với nữ) và khoảng 20cm (đối với nam). Nếu trẻ dậy thì sớm được điều trị bằng thuốc ngăn chặn làm tuyến yên không tiết ra nhiều gonadotropin, trẻ có thể cao thêm từ 8-10cm.
BS. Hoàng Ngọc Quý cho biết: Chỉ điều trị để ngăn sự phát triển nhanh các cơ quan sinh dục thứ phát đối với các trường hợp dậy thì sớm trung ương. Và không phải tất cả các trường hợp dậy thì sớm trung ương đều cần điều trị. Hiện chỉ có chỉ định điều trị với thuốc khi dậy thì tiến triển nhanh và/hoặc gây rối loạn tâm lý xã hội đáng kể. Quyết định điều trị còn tuỳ thuộc vào tuổi, tốc độ tiến triển dậy thì, tốc độ phát triển chiều cao và ước lượng chiều cao cuối cùng. Giải pháp tối ưu hiện nay là chích thuốc có tác dụng làm chậm lại quá trình dậy thì, chờ cho đến lúc bé đủ tuổi dậy thì cho “đúng quy trình”. Thuốc giúp ức chế sự bài tiết của các hormone hướng sinh dục và các hormone sinh dục, giữ ổn định hoặc giảm triệu chứng của dậy thì sớm và để phòng ngừa kinh nguyệt sớm và giảm chiều cao ở tuổi trưởng thành. Quá trình phát triển tâm lý xã hội của các em nhờ đó cũng ít gặp khó khăn hơn.
TRẦN NHUNG