THÔNG TUYẾN TỈNH BHYT TRONG ĐIỀU TRỊ NỘI TRÚ: Người dân mừng, bệnh viện lo
Từ ngày 1/1/2021, chính sách thông tuyến tỉnh trong điều trị nội trú đối với khám, chữa bệnh (KCB) bằng BHYT chính thức có hiệu lực. Người có thẻ BHYT đi KCB không đúng tuyến tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh trong phạm vi cả nước được Quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị nội trú như KCB đúng tuyến.
Các trung tâm y tế tuyến huyện sẽ giảm bệnh nhận do quy định thông tuyến tỉnh. Trong ảnh: Người bệnh đến khám bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Châu Đức. |
NGƯỜI BỆNH CÓ NHIỀU LỰA CHỌN
Chính sách thông tuyến tỉnh trong điều trị nội trú đối với KCB bằng BHYT được quy định tại Khoản 6, Điều 22, Luật BHYT. Quy định này chỉ áp dụng đối với trường hợp KCB điều trị nội trú tại các cơ sở KCB tuyến tỉnh, không cần giấy chuyển tuyến. Theo quy định cũ, các trường hợp KCB trái tuyến điều trị nội trú chỉ được Quỹ BHYT chi trả 60% phạm vi và mức hưởng BHYT. Còn với quy định mới, tùy theo diện đối tượng tham gia BHYT, người bệnh sẽ được thanh toán chi phí điều trị nội trú với các mức 100%, 95% hoặc 80%.
Chị Lê Thị Cẩm Lệ, con gái bệnh nhân Lê Văn Lau (62 tuổi, ấp Sông Cầu, xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức) cho biết, ba chị bị tai biến nhẹ, cộng với bệnh tăng huyết áp nên phải thường xuyên đến Bệnh viện Bà Rịa khám và điều trị nội trú. Mỗi lần đưa ông Lau đến KCB và điều trị nội trú ở Bệnh viện Bà Rịa, gia đình chị phải đến Trạm Y tế xã Nghĩa Thành hoặc Trung tâm Y tế huyện Châu Đức xin giấy chuyển viện cho ông. Từ ngày 1/1/2021, gia đình chị không phải làm thủ tục này nữa mà đưa ông lên thẳng Bệnh viện Bà Rịa để điều trị nội trú. “Điều trị ở Bệnh viện Bà Rịa, ba tôi vẫn được Quỹ BHYT chi trả 100% mức hưởng theo BHYT. Bệnh viện khang trang, đội ngũ bác sĩ chuyên môn giỏi nên bệnh tình của ba tôi bình phục nhanh hơn”, chị Lệ nói.
Việc không cần xin giấy chuyển viện khi KCB tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh trong phạm vi cả nước giúp người bệnh giảm bớt thủ tục hành chính và có nhiều sự lựa chọn trong KCB. Cụ thể, người bệnh sẽ có cơ hội chọn điều trị tại các cơ sở y tế có chất lượng dịch vụ tốt, đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên môn không chỉ tại các bệnh viện tuyến tỉnh ở địa phương mà còn có thể tại các địa phương khác.
Việc thông tuyến tỉnh BHYT khiến các bệnh viện có chất lượng tốt sẽ quá tải bệnh nhân. Trong ảnh: Bác sĩ Bệnh viện Bà Rịa thực hiện ca phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cho bệnh nhân. |
BỆNH VIỆN LO
Trái ngược với niềm vui của bệnh nhân, các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh bày tỏ lo ngại với chính sách thông tuyến tỉnh trong điều trị nội trú KCB bằng BHYT. Chính sách này đòi hỏi các bệnh viện tuyến tỉnh phải tự nâng cao chất lượng, đầu tư trang thiết bị để phục vụ bệnh nhân.
Bác sĩ Lê Minh Hiếu, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bà Rịa cho biết, đơn vị có 900 giường bệnh, nhưng thực tế phải bố trí hơn 1.200 giường mới đáp ứng nhu cầu điều trị nội trú cho bệnh nhân. Nhiều thời điểm, bệnh viện điều trị nội trú cho hơn 1.000 người/ngày. Trong số này có nhiều bệnh nhân điều trị nội trú trái tuyến. Trung bình mỗi tháng, bệnh viện tiếp nhận khoảng 9.200 ca điều nội trú từ các cơ sở KCB tuyến huyện chuyển lên. Do chính sách thông tuyến tỉnh trong điều trị nội trú KCB bằng BHYT nên Bệnh viện Bà Rịa dự đoán, số lượng bệnh nhân đến điều trị tại đơn vị sẽ tăng mạnh, có thể dẫn đến tình trạng quá tải bệnh nhân.
Khi quá tải bệnh nhân, chi phí BHYT trong điều trí nội trú của bệnh viện tăng cao dẫn đến nguy cơ vượt định mức chi phí BHYT được giao. Bệnh viện sẽ gặp khó khăn về kinh phí để mua thuốc, hóa chất… phục vụ người bệnh. Vì vậy, Bệnh viện Bà Rịa sẽ có quy định tiêu chuẩn nhập viện điều trị nội trú phù hợp với yêu cầu chuyên môn, không chỉ định điều trị nội trú các trường hợp không thực sự cần thiết. Đồng thời, bệnh viện sẽ tăng cường chỉ đạo tuyến, hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới về chuyên môn, nâng cao chất lượng KCB để giảm thiểu bệnh nhân đến điều trị nội trú tại Bệnh viện Bà Rịa.
Ngược lại, Bệnh viện Lê Lợi thì lo… thiếu bệnh nhân. Hiện nay, bệnh viện Lê Lợi có 420 giường bệnh nội trú. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, công suất giường bệnh chỉ đạt gần 80%, còn những năm trước công suất giường luôn đạt và vượt 100%. Trung bình mỗi năm, bệnh viện có 2,5% bệnh nhân được bệnh viện cho chuyển viện tiếp tục điều trị nội trú. Nhưng khi chính sách thông tuyến tỉnh có hiệu lực, bệnh nhân sẽ lựa chọn những cơ sở KCB tuyến tỉnh có điều kiện, phương tiện kỹ thuật chữa trị bệnh tốt hơn. Do đó, Bệnh viện Lê Lợi có thể bị mất đi lượng bệnh nhân đáng kể. Lượng bệnh nhân này sẽ dồn về các bệnh viện tuyến tỉnh tại TP.Hồ Chí Minh và gây áp lực cho những cơ sở KCB tại đây.
Chính sách thông tuyến tỉnh áp dụng với tất cả các bệnh viện tuyến tỉnh và bệnh viện tuyến ngành, không áp dụng tại các bệnh viện tuyến trung ương đóng chân trên địa bàn các tỉnh, thành phố như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Trung ương 108, Bệnh viện Nhi Đồng 1… Chính sách này không áp dụng cho bệnh nhân khám ngoại trú. Khi KCB trái tuyến ngoại trú tại bệnh viện tuyến tỉnh, người bệnh không được hưởng BHYT mà phải tự trả chi phí. |
Bác sĩ Nguyễn Thanh Phước, Giám đốc Bệnh viện Lê Lợi cho rằng, nếu bệnh viện không nâng cao chất lượng điều trị, thay đổi phong cách phục vụ bệnh nhân thì sẽ không thu hút và giữ chân được người bệnh. “Do vậy, thời gian tới, Bệnh viện Lê Lợi sẽ tập trung phát triển chuyên môn, trong đó có việc triển khai các dịch vụ y tế có chất lượng, kỹ thuật cao; cử bác sĩ tham gia lớp đào tạo, học tập nâng cao chuyên môn, nhất là bác sĩ của các chuyên khoa sâu. Đồng thời, chúng tôi cũng chú trọng thay đổi thái độ phục vụ bệnh nhân để người bệnh cảm thấy yên tâm và tin tưởng khi điều trị tại bệnh viện”, bác sĩ Phước nói thêm.
Bài, ảnh: TUỆ LÂM