Những năm qua, Hội LHPN xã Bàu Lâm, huyện Xuyên Mộc đã triển khai nhiều mô hình sản xuất nhằm tạo việc làm cho hội viên. Trong đó, mô hình tổ hợp tác may gia công đã phát huy hiệu quả, tạo việc làm cho 50 chị em phụ nữ nông thôn.
Chị em hăng say làm việc tại cơ sở may gia công quần áo trẻ em của bà Nguyễn Thị Thúy Oanh (ấp 2 Đông, xã Bàu Lâm). |
Năm 2017, Hội LHPN xã Bàu Lâm thành lập tổ hợp tác may gia công với 3 cơ sở đặt tại ấp 2 Đông và 2B. Lao động chủ yếu là phụ nữ tại địa phương. Để tạo điều kiện cho chị em có con nhỏ vừa có thêm thu nhập vừa có thời gian chăm sóc con cái, gia đình, cơ sở cho phép các chị nhận hàng về nhà may. Những ngày đầu thành lập, tổ hợp tác có 14 phụ nữ tham gia sản xuất, đến nay số nhân công tăng lên 50 người với mức thu nhập ổn định từ 4-7 triệu đồng/tháng/người.
Trong căn nhà cấp 4 được tận dụng làm cơ sở may gia công, bà Nguyễn Thị Thúy Oanh (ấp 2 Đông, xã Bàu Lâm) thoăn thoắt phân loại, xếp gọn những tấm vải được cắt hình váy, quần, áo trẻ em. Bà Oanh cho biết, năm 2017, được sự giới thiệu của Hội LHPN xã Bàu Lâm, bà mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Xuyên Mộc để mở cơ sở may gia công quần áo trẻ em tại nhà với 8 máy may công nghiệp.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho chị em có việc làm, cải thiện thu nhập, bà Oanh giao khoán sản phẩm. Mỗi ngày, sau khi đưa con đến trường, các chị mới đến cơ sở làm việc, buổi chiều lại về sớm để đón con và có thể nhận thêm hàng về nhà làm. Bên cạnh những thợ may lành nghề, bà Oanh còn nhiệt tình hướng dẫn người mới học việc. Hiện nay, cơ sở may của bà Oanh tạo việc làm ổn định cho 10 nhân công, 1 lao động thời vụ và 3 chị em khác nhận hàng về may tại nhà. Lượng hàng và thu nhập luôn ổn định, môi trường làm việc thoải mái nên chị em phụ nữ địa phương gắn bó với cơ sở.
Bà Lương Thị Ngọc Thúy (ấp 3, xã Bàu Lâm) nhân công của cơ sở may cho hay, trước đây bà làm thợ cắt tóc, nhưng sức khỏe không bảo đảm theo nghề nên đã nghỉ làm. Được sự giới thiệu của cán bộ Hội, bà Thúy tìm đến cơ sở may của bà Oanh và đã được hướng dẫn nhiệt tình. “Hàng nhận may ổn định, tháng nào tôi cũng có thêm khoản thu nhập khoảng 4 triệu đồng. Ở nhà vừa chăm sóc gia đình, con cái, lại có thêm thu nhập trang trải cuộc sống khiến tôi tự tin hơn”, bà Thúy bày tỏ.
Tại 2 cơ sở may gia công khác ở ấp 2B thuộc tổ hợp tác, hơn 1 tháng nay, lượng hàng về nhiều, công việc bận rộn hơn nhưng ai nấy đều vui vẻ, tập trung làm việc. Những chị không biết may, ngày đầu còn bỡ ngỡ, nhận được sự chỉ dẫn nhiệt tình của chủ sơ sở nên tiến bộ rất nhanh, sản phẩm ngày càng tinh xảo, ít lỗi.
Sau nhiều năm làm việc cho một công ty may ở TP. Hồ Chí Minh, năm 2017, ông Lê Văn Nhân (tổ 5, ấp 2B, xã Bàu Lâm) về quê nhà mở cơ sở may gia công Nhân Đức. Ban đầu, cơ sở chỉ có 5 máy may công nghiệp. Năm 2018, gom hết số tiền dành dụm nhiều năm, cộng với khoản vay 24 triệu đồng của chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, ông đầu tư mở rộng cơ sở, mua thêm máy may. Hiện tại, cơ sở may gia công của ông có 17 máy may, tạo việc làm cho 14 chị em phụ nữ tại địa phương với mức thu nhập từ 5-7 triệu đồng/tháng/người.
Bà Lê Thị Thanh Sang, Chủ tịch Hội LHPN xã Bàu Lâm cho biết, những năm qua Hội đã xây dựng nhiều mô hình hay, mang lại hiệu quả thiết thực. Trong đó, các mô hình như: gia công tách vỏ hạt điều, góp vốn xoay vòng, may gia công… đã và đang phát huy hiệu quả. “Hội LHPN xã Bàu Lâm sẽ tiếp tục đồng hành với chị em phụ nữ tại địa phương, tìm kiếm và nhân rộng các mô hình hay, tạo việc làm, giúp hội viên vươn lên trong cuộc sống”, bà Sang nói.
Bài, ảnh: MAI NGỌC