Quà tặng của tự nhiên

Thứ Sáu, 22/01/2021, 18:03 [GMT+7]
In bài này
.

Quả gấc, nho rừng, cây tràm gió... dưới bàn tay khéo léo của những người phụ nữ năng động, bỗng trở thành cơ duyên để khởi nghiệp.  

Chị Trần Thị Vân (ấp Phú Thọ, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) bên sản phẩm Nho rừng Vân Trần.
Chị Trần Thị Vân (ấp Phú Thọ, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) bên sản phẩm Nho rừng Vân Trần.

BÉN DUYÊN QUẢ NHO RỪNG

Sản xuất các sản phẩm chế biến từ quả nho rừng là cách khởi nghiệp của chị Trần Thị Vân (37 tuổi, ấp Phú Thọ, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc). Nhớ lại chặng đường đầu tiên theo đuổi đam mê, chị Vân kể, sản phẩm nho rừng Vân Trần ra đời rất tình cờ. Hơn 6 năm trước, khi biết quả nho rừng có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, nhất là tim mạch, xương khớp, chị cùng chồng vượt đường xa lặn lội vào rừng tìm loại quả này. “Suốt buổi sáng đi bộ tìm khắp cánh rừng, thành quả vợ chồng tôi mang về hơn 1 tạ quả nho chín mọng. Khi đem về nhặt bỏ cuống, rửa sạch, hong khô, tôi làm mẻ nho rừng ngâm đường phèn đầu tiên. Gần 1 năm sau đem ra thưởng thức, nho rừng có vị thơm đặc trưng, ngọt thanh và uống rất ngon”, chị Vân chia sẻ. 

Thành công với mẻ si-rô nho đầu tiên, chị Vân tiếp tục tìm hái nho làm thêm rượu tặng người thân. Mỗi món quà chế biến từ quả nho rừng trao đi, chị Vân lại nhận được những lời khen hết lòng từ người nhận. Mọi người sau khi thưởng thức rất thích và “đặt hàng” chị Vân làm rượu nho rừng. Mỗi lần vào rừng tìm nho, phát hiện loại quả này có rất nhiều ở địa phương nhưng ít ai để ý tới công dụng của nó nên chị Vân muốn làm một điều gì đó để không lãng phí sự ưu ái của thiên nhiên dành cho quê mình. Nghĩ là làm, chị Vân tự tay làm tất cả mọi việc, từ đi tìm hái quả nho cho tới lựa chọn phân loại quả, phơi khô, đưa vào ủ rồi ngâm với đường...  

Chị Vân đã lần lượt cho ra mắt các sản phẩm thức uống từ nho rừng là vang nho, si-ro nho, rượu nho. Chị Vân “bật mí”, quá trình chế biến nho rừng thành các thức uống khác nhau quan trọng nhất là phân loại quả và phơi khô. Trong khi phân loại quả nho rừng phải bảo đảm những trái bị hỏng, dập được loại bỏ để không ảnh hưởng đến quá trình lên men tự nhiên của thức uống. Quả nho sau khi chọn lọc phải được đặt trên lớp khăn mỏng và sấy khô bằng quạt gió. Điều này vừa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, vừa bảo đảm chất lượng của sản phẩm. Hơn nữa, quả có ở rừng tự nhiên nên trong mỗi chùm nho rất nhiều côn trùng, kiến, bò cạp nên khi nhặt cuống, người làm phải hết sức cẩn thận. Theo chị Vân, nho rừng thường chín rộ từ tháng 8 đến tháng 10 hàng năm nên chị phải tranh thủ thu mua từ những người đi rừng. 

Sản phẩm nho rừng Vân Trần của chị Vân đang tạo công ăn việc làm thời vụ cho hơn 10 lao động ở địa phương. Nhớ lại chặng đường đầu tiên theo đuổi đam mê, chị Vân cho biết khó khăn về thời gian vì chị vừa làm Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Hiệp, vừa lo tất cả các khâu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Chị Vân vui vẻ nói: “Điều khiến tôi vui nhất là mình tận dụng được nguồn nguyên liệu ở địa phương để tạo ra sản phẩm hữu ích cho sức khỏe và góp phần tạo công ăn việc làm cho chị em phụ nữ những lúc nhàn rỗi”.

Chị Nguyễn Thị Thùy Trang (ấp Phú Bình, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) thành công với sản phẩm tinh dầu tràm Nina.
Chị Nguyễn Thị Thùy Trang (ấp Phú Bình, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) thành công với sản phẩm tinh dầu tràm Nina.

KHỞI NGHIỆP TỪ CÂY TRÀM GIÓ

Cũng là tấm gương khởi nghiệp thành công, chị Nguyễn Thị Thùy Trang (30 tuổi, ấp Phú Bình, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) lại có ý tưởng khởi nghiệp từ chế biến tinh dầu tràm. Là con dâu xứ Huế, gia đình chồng có truyền thống sản xuất tinh dầu tràm nên mỗi lần về quê, thưởng thức hương tinh dầu bay ra từ xưởng sản xuất, chị Trang “rất mê”. “Tôi thích hương thơm của tinh dầu tràm. Mỗi lần xức lên tay hoặc đốt chút tinh dầu, cảm giác rất dễ chịu, rất thư giãn. Hơn nữa, nhà có 2 con nhỏ, tôi thường xuyên dùng dầu tràm tự nhiên bôi cho con khi bị cảm, ho và vết côn trùng cắn. Chính vì mê mùi hương ấy, tôi đã quyết tâm học cách chế biến tinh dầu để tạo ra sản phẩm phục vụ cho bà con ở BR-VT”, chị Trang cho biết. 

Với sự giúp sức nhiệt tình từ phía gia đình chồng, chị Trang sản xuất thành công mẻ tinh dầu tràm đầu tiên. Chị chia sẻ: “Tràm gió là cây tự nhiên có nhiều ở các cánh rừng BR-VT. Thường 1 tạ lá tràm gió nấu từ 8-10 giờ sẽ cho ra 500ml tinh dầu. Các công đoạn thực hiện đều bằng thủ công, từ hong khô lá đến đun củi, chưng cất. Song quan trọng nhất để làm tinh dầu là khâu chọn lá phải làm sao chọn lá nhiều tinh dầu và nấu không có mùi hôi. Tôi phải mất nhiều thời gian để tìm hiểu, điều chỉnh công thức mới cho ra mẻ tinh dầu ưng ý nhất. Khi tinh dầu đạt tới độ thơm nhất và đuổi được côn trùng thì tôi mới dám đưa ra thị trường giới thiệu”. 

Cùng với sự tiếp sức về vốn vay từ nguồn Ngân hàng Chính sách xã hội và Chi hội Phụ nữ ấp, chị Trang có thêm 70 triệu đồng để đầu tư 2 dây chuyền sản xuất tinh dầu tràm. Năm 2018, chị Trang bắt đầu thực hiện các thủ tục đăng ký nhãn hàng tinh dầu tràm “Nina”, kiểm tra chất lượng sản phẩm và giấy phép đăng ký sản xuất, kinh doanh mặt hàng. Vừa sản xuất, chị Trang vừa tìm kiếm thị trường để đưa sản phẩm của mình tới khách hàng. Bằng sự kiên trì, sản phẩm tinh dầu tràm Nina hiện đã có mặt tại hệ thống cửa hàng mẹ và bé, tiệm thuốc tây khắp BR-VT, TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây. Sản phẩm tinh dầu tràm Nina đã được công nhận thân thiện với môi trường, phù hợp với làn da nhạy cảm của trẻ nhỏ. Hơn nữa, sản phẩm được làm từ nguyên liệu tươi mới và được sản xuất từ nguồn tài nguyên bản địa. Hiện nay, chị Trang đang trồng thử nghiệm cây tràm gió để thực hiện ước mơ hình thành vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất ở địa phương. Chị Thùy Trang cho biết: “Mong muốn của tôi là đưa những sản phẩm của mình đến mọi miền đất nước và xuất khẩu ra nước ngoài để nhiều người đều biết đến tinh dầu tràm tự nhiên 100% của BR-VT”. 

MỸ PHẨM THẢO DƯỢC

Sinh sống ở vùng nhiều nguyên liệu, với kiến thức và kinh nghiệm nhiều năm làm trong ngành mỹ phẩm, chị Đỗ Thị Ngọc Thảo (thôn Trung Nghĩa, xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức) nghiên cứu thực hiện các ý tưởng chế tạo sản phẩm từ gấc và cây thảo dược. Chị Thảo cho biết, son gấc là sản phẩm đầu tay khi chị bắt đầu con đường khởi nghiệp. Son gấc giúp mềm môi, chống lão hóa, thúc đẩy quá trình tái tạo cấu trúc da giá 50 ngàn đồng/thỏi được khách hàng đón nhận. 

Với lợi thế kinh nghiệm làm trong ngành mỹ phẩm, tháng 5/2020, chị Thảo thành lập Công ty TNHH MTV Natural Nguyên Thảo. Tiếp theo, chị Thảo còn cho ra thị trường các dòng mỹ phẩm, sữa tắm, nhất là dầu gội đầu nhà nấu mang thương hiệu Green Natural Nguyên Thảo... với nguyên liệu tạo thành sản phẩm đều được chiết xuất từ cây thảo dược. Những sản phẩm sau này chẳng những đạt chất lượng mà mẫu mã còn đẹp, đa dạng kiểu dáng hơn. 

Riêng sản phẩm dầu gội thảo dược Green Natural Nguyên Thảo được Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh công nhận sản phẩm đáp ứng đầy đủ các chỉ tiêu an toàn và được Sở Y tế xác nhận, cấp phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm bày bán ở nhiều nhà thuốc, tiệm tóc, cửa hàng trên địa bàn tỉnh. Năm 2020, sản phẩm mới là sữa tắm thảo dược dành cho người lớn và trẻ em của chị được Sở Y tế công nhận cho lưu hành và có mặt trên thị trường. Các sản phẩm của chị được mời đi trưng bày, giới thiệu ở các triển lãm, hội thảo trong tỉnh và được nhiều người đánh giá cao. “Nhận thấy nhu cầu làm đẹp từ sản phẩm thiên nhiên của phụ nữ ngày càng nhiều nên tôi muốn tạo ra sản phẩm thân thiện, an toàn với làn da phụ nữ. Tôi rất vui vì những nỗ lực của mình đã được khách hàng tin tưởng đón nhận”, chị Thảo nói.

Bài, ảnh: NHÃ UYÊN

 
;
.