"Hiểu mình - hiểu nghề - sáng tương lai"

Thứ Ba, 12/01/2021, 18:10 [GMT+7]
In bài này
.

“Em muốn học một ngành nhưng ba mẹ lại định hướng ngành khác. Em làm sao để thuyết phục ba mẹ?”; “Em muốn theo học một ngành được xem là “hot” hiện nay, nhưng không biết ra trường có việc làm hay không?”… là những câu hỏi được các HS đặt ra trong chương trình tư vấn hướng nghiệp “Hiểu mình-hiểu nghề- sáng tương lai” do Tỉnh Đoàn tổ chức.

Nguyễn Thị Tú Anh, Lớp 12A3, Trường THPT Trần Hưng Đạo bày tỏ phân vân giữa ngành Đông Phương học và Nhật Bản học với TS Huỳnh Anh Bình.
Nguyễn Thị Tú Anh, Lớp 12A3, Trường THPT Trần Hưng Đạo bày tỏ phân vân giữa ngành Đông Phương học và Nhật Bản học với TS Huỳnh Anh Bình.

LÀM SAO ĐỂ CHỌN ĐÚNG NGHỀ?

Trường THPT Phú Mỹ (TX. Phú Mỹ) sáng đầu tuần đông vui hơn. Sau tiết chào cờ, tại sân trường diễn ra chương trình tư vấn do Tỉnh Đoàn phối hợp Trung tâm Hướng nghiệp TP. Hồ Chí Minh tổ chức. 

Trần Anh Thư, lớp 12N1 chia sẻ, hoàn cảnh gia đình em rất khó khăn. Ba mẹ bị bệnh, mất sức lao động, chỉ có anh chị của Thư đi làm, trong khi Thư và người em song sinh đang học lớp 12. “Gia đình em không đủ khả năng lo cho cả 2 con lên ĐH cùng lúc. Em phải làm thế nào để viết tiếp ước mơ ĐH của mình?”, Thư hỏi. Người em song sinh - Anh Thy thì băn khoăn: “Em nên chọn ngành công nghệ thông tin hay thiết kế để ra trường là có việc làm ngay?”.

Nguyễn Trần Anh Minh, lớp 12A1 cho biết, em muốn học ngành marketing nhưng gia đình lại hướng em theo ngành ngân hàng. “Em đã giải thích với ba mẹ là em muốn học maketing nhưng ba mẹ em nói đó không phải là một nghề ổn định. Em phải thuyết phục ba mẹ thế nào ạ?”, Minh đặt vấn đề.

Tương tự, buổi tư vấn hướng nghiệp tại Trường THPT Trần Hưng Đạo (TX. Phú Mỹ) cũng diễn ra sôi động với những cánh tay liên tục giơ lên của các em HS. Ngoài ra, các HS còn đặt nhiều câu hỏi xoay quanh những thắc mắc về việc đi du học hay học trong nước, ngành nào đang “hot”, nếu không đậu ĐH thì nên thi vào CĐ hay học nghề...

CHỌN NGHỀ SỞ THÍCH HAY SỞ TRƯỜNG?

Chuyên gia tâm lý, TS. Huỳnh Anh Bình, Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp TP. Hồ Chí Minh chưa vội trả lời ngay mà đặt câu hỏi: “Những em nào còn chưa biết mình sẽ học ngành gì và nghề gì phù hợp?”. Gần nửa số HS giơ tay bày tỏ băn khoăn. TS. Bình tiếp tục: “Vậy theo các em, khi chọn nghề, chúng ta ưu tiên chọn theo sở thích hay sở trường?”. Nhiều HS cho biết sẽ chọn theo sở thích vì có thích mới đạt được mục tiêu đã chọn.

Chuyên gia tâm lý, TS. Huỳnh Anh Bình tư vấn: “Việc chọn nghề theo sở thích, không xét đến sở trường là một trong những sai lầm của HS. Nhiều em chọn nghề “hot”, nghề mình thích hoặc chọn theo lựa chọn gia đình dù mình không có khả năng làm tốt. Nhiều SV của các trường ĐH nổi tiếng sắp tốt nghiệp hoặc đã tốt nghiệp rồi mới phát hiện mình chọn ngành không phù hợp”.

Tham gia Ban tư vấn, đại diện Trường ĐH Bà Rịa-Vũng Tàu, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, Trường ĐH Việt-Đức, Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn, Trường CĐ Kỹ nghệ 2, Trường CĐ FPT, Học viện Chất lượng cao MNI... đã lần lượt trả lời những thắc mắc của HS. Ông Trần Anh Tuấn, Phó Viện trưởng, Giám đốc Chương trình Dự báo nhân lực (Viện Nghiên cứu Đào tạo Kinh tế Quốc tế thuộc Hiệp hội Nghiên cứu khoa học Đông Nam Á - Việt Nam) lưu ý: Các em cần có nền tảng là khối lượng kiến thức đã học trên ghế nhà trường để đạt điểm tốt trong kỳ thi học kỳ, thi tốt nghiệp. Ngoài ra, các em cũng cần tính đến việc chọn trường, ngành nghề phù hợp với khả năng và điều kiện kinh tế gia đình. “Chính các em phải chịu trách nhiệm về việc chọn ngành nghề chứ không phải ba mẹ mình”, ông Tuấn khẳng định.

TS. Huỳnh Anh Bình cho rằng, xu thế xét tuyển bằng học bạ sẽ tăng, do đó HS cần phải làm “đẹp” học bạ của mình. Cụ thể, cái “đẹp” ở đây không chỉ là điểm văn hóa mà còn là những kỹ năng tích lũy được thông qua các hoạt động văn nghệ, TDTT... “Nhà tuyển dụng không quan tâm bạn học trường nào, ngành nào mà quan tâm bạn có năng lực ra sao đối với lĩnh vực đó, nghĩa là bạn phải tự thể hiện khả năng của mình”, TS. Huỳnh Anh Bình nói thêm.

Phần lớn các em gặp phải 2 vấn đề: chọn ngành nhưng không hiểu ngành mình sẽ theo học và không xác định được bản thân yêu thích ngành nghề gì. Điều này thể hiện qua khảo sát của Bộ LĐTBXH, có tới 60% SV tốt nghiệp ra trường làm trái ngành nghề. Vì vậy, chúng tôi phối hợp tổ chức tư vấn cho HS để các em xác định rõ hơn mục tiêu của bản thân và thực hiện tốt nhất mục tiêu đó.
(TS Huỳnh Anh Bình, Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp
TP.Hồ Chí Minh)
 

Bài, ảnh: DIỄM QUỲNH

;
.