Những năm qua, chủ trương giảm nghèo bền vững luôn được chính quyền các cấp quan tâm thực hiện và đã đạt nhiều thành tựu quan trọng. Đó là đánh giá tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 47/2016/NQ-HĐND về Đề án giảm nghèo bền vững và phong trào thi đua “Bà Rịa-Vũng Tàu chung tay vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016-2020, diễn ra chiều 6/1.
Ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Bằng khen cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác giảm nghèo. |
NHIỀU CÁCH LÀM HAY
TP. Bà Rịa là địa phương đầu tiên trong tỉnh không còn hộ nghèo. Cụ thể, đầu năm 2016, tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn quốc gia và chuẩn tỉnh trên địa bàn TP. Bà Rịa là 2.386 hộ, chiếm tỷ lệ 9,43% so với tổng số hộ dân trên địa bàn. Đến cuối năm 2019, số hộ nghèo trên địa bàn thành phố chỉ còn là 57 hộ (chiếm tỷ lệ 0,22% và đều là đối tượng bảo trợ xã hội, không có khả năng thoát nghèo).
Để có được kết quả trên, TP. Bà Rịa đã triển khai đồng bộ, hợp lý nhiều chính sách hỗ trợ cho người nghèo. Vốn vay được giải quyết kịp thời cho hộ nghèo đầu tư và phát triển sản xuất, góp phần tăng thu nhập và cải thiện đời sống. Thành phố cũng tăng cường cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; tạo điều kiện cho người nghèo được tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch vệ sinh môi trường… Bên cạnh đó, việc thực hiện các nội dung về nâng cao chất lượng cuộc sống người dân trên địa bàn thành phố cũng tạo điều kiện nâng cao chất lượng đời sống về vật chất và tinh thần của nhân dân nói chung, người nghèo, hộ nghèo trên địa bàn nói riêng.
Gia đình chị Nguyễn Thị Bích Thương (tổ 1, khu phố 4, phường Phước Hưng, TP. Bà Rịa) là một trong những gia đình được thụ hưởng thành quả từ chính sách giảm nghèo của TP. Bà Rịa. Từ hộ thuộc diện cận nghèo quốc gia năm 2016, đến năm 2019 gia đình chị đã thoát nghèo. Hiện nay, thu nhập của gia đình chị đạt 10 triệu đồng/tháng và đã có được căn nhà mơ ước nhờ vào các chính sách hỗ trợ giảm nghèo. Chị Thương cho biết, trước đây do không có vốn làm ăn nên vợ chồng chị phải đi làm thuê và trồng rau kiếm thêm thu nhập nhưng rất bấp bênh. “Năm 2017, vợ chồng tôi được vay 20 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để mở rộng mô hình trồng rau ăn lá. Chúng tôi cũng được hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt. Nhờ đó, gia đình tôi đã có thu nhập ổn định, thoát nghèo”, chị Thương phấn khởi nói.
Huyện Đất Đỏ cũng là địa phương có tỷ lệ hộ thoát nghèo khá cao nhờ thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo bền vững. Năm 2016, trên địa bàn huyện có 2.174 hộ nghèo, hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 11,31% số hộ dân. Đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,31%; trong đó, hộ nghèo chuẩn quốc gia còn lại là 0,22%.
Bà Trần Thị Kim, Trưởng Phòng LĐTBXH huyện Đất Đỏ cho biết, ngay từ khi triển khai, huyện đã chú trọng phân tích và đánh giá đúng tình hình hộ nghèo trên địa bàn huyện, từ đó đưa ra giải pháp, kế hoạch hỗ trợ giảm nghèo phù hợp, đúng đối tượng. “Các chính sách hỗ trợ giảm nghèo được huyện triển khai đồng bộ, kịp thời, lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế xã hội của huyện; cùng với sự chung tay của các tổ chức chính trị xã hội, các hội đoàn thể, các doanh nghiệp trong và ngoài huyện nên hiệu quả càng cao”, bà Kim nói.
Để giảm nghèo bền vững, chúng ta phải huy động được mức cao nhất mọi nguồn lực của xã hội cho công tác này. Các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể và nhân dân trong tỉnh cần thể hiện trách nhiệm của mình, chung tay, góp sức thực hiện thật tốt công tác giảm nghèo; rà soát các chỉ tiêu và giải pháp cụ thể, tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương, chính sách giảm nghèo, khắc phục những thiếu sót, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu và nhiệm vụ giảm nghèo giai đoạn 2021-2025.
(Ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh)
|
TỶ LỆ HỘ NGHÈO GIẢM MẠNH
Báo cáo kết quả thực hiện Đề án giảm nghèo bền vững, bà Đinh Thị Trúc My, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, chuẩn nghèo của tỉnh về tiêu chí thu nhập cao hơn 1,7 lần; chuẩn trợ cấp xã hội cao hơn 1,2 lần mức chuẩn do Chính phủ quy định. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo trên địa bàn bằng nhiều giải pháp thiết thực, phù hợp điều kiện thực tế.
Theo đó, nguồn vốn bố trí để thực hiện các chính sách giảm nghèo (tín dụng ưu đãi, hỗ trợ y tế, giáo dục, trợ cấp tiền điện, thực hiện các dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo...) được ưu tiên bố trí đầy đủ, kịp thời.
Ngoài ra, hàng năm UBMTTQVN tỉnh và các tổ chức thành viên cũng huy động sự đóng góp của các cá nhân, DN để hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, cấp học bổng cho HS nghèo hiếu học, hỗ trợ khó khăn đột xuất và thăm hỏi, tặng quà hộ nghèo trong các dịp lễ, tết...
Dịp này, UBND tỉnh đã tặng Bằng khen 15 tập thể, 15 gia đình, 30 cá nhân; Sở LĐTBXH đã trao Giấy khen cho 10 tập thể và 20 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua Bà Rịa-Vũng Tàu chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. |
Các chính sách, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện có hiệu quả, tác động trực tiếp đến nhiều lĩnh vực của đời sống người nghèo, giúp hộ nghèo phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Một số nhu cầu thiết yếu của người nghèo cơ bản được đáp ứng. Về lâu dài, tác động của chương trình giúp người nghèo có cơ hội tự vươn lên thoát nghèo bền vững. Đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là đối tượng nghèo được ưu tiên hỗ trợ về con giống, nhà ở, nước sinh hoạt, miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho con em đồng bào nghèo... Tỉnh cũng đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu như điện, đường, trường, trạm; tạo điều kiện cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhờ thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo, trợ giúp xã hội nói trên, số hộ nghèo, hộ cận nghèo của tỉnh cuối năm 2020 chỉ còn 2.083 hộ, chiếm tỷ lệ 0,73% so với tổng số hộ dân, giảm 7,47% so với đầu năm 2016.
MAI THIÊN