Thổi hồn... vào vảy cá

Thứ Sáu, 18/12/2020, 18:17 [GMT+7]
In bài này
.

Đó là dự án khởi nghiệp của Lê Ngọc Biết, chàng trai sinh năm 1998, cựu sinh viên trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh tại cuộc thi “Đổi mới sáng tạo ngành khai thác và chế biến hải sản tỉnh BR-VT năm 2020”. Từ những thứ bỏ đi như: vảy cá, xương cá, râu tôm hùm… nhưng qua bàn tay khéo léo của Lê Ngọc Biết, nó đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật sống động.

Lê Ngọc Biết và các cộng sự với bức tranh “Dạ vũ song ngư” làm từ vảy cá.
Lê Ngọc Biết và các cộng sự với bức tranh “Dạ vũ song ngư” làm từ vảy cá.

Sinh ra và lớn lên ở vùng biển Phú Yên, Ngọc Biết rất thích các loại hải sản. Khi trở thành sinh viên của trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, Biết luôn mơ ước tự tay mình làm ra được một sản phẩm gắn bó với nghề biển. Năm 2017, khi còn là sinh viên tại TP. Hồ Chí Minh, trong một lần đi chợ, Ngọc Biết thấy những người làm cá xong bỏ đi rất nhiều vảy, thải ra môi trường gây ô nhiễm. Cầm những chiếc vảy cá lấp lánh lên tay Ngọc Biết chợt nảy ra ý tưởng sẽ “thổi hồn” cho những chiếc vảy cá bỏ đi này...

Nghĩ là làm, Ngọc Biết ra chợ xin vảy cá. Từ một mớ phế thải hỗn hợp nào vảy, ruột, phân… Ngọc Biết đem về nhà tách vảy, rửa sạch với xà bông rồi đem phơi khô, rồi nhuộm màu. Biết tâm sự: “Thời gian đầu làm chưa quen, có không ít lần tôi ói mửa, nhức đầu vì suốt ngày cắm cúi vào đống phế thải từ các loại hải sản này”. Khó khăn nhưng Ngọc Biết vẫn không bỏ cuộc. Sau khi xử lý xong vảy cá, Biết vẽ demo tranh và ghép từng vảy cá vào bản vẽ. Bức tranh đầu tiên của Ngọc Biết là “Cá chép hóa rồng” có kích thước 40x50cm được làm từ gần 1.000 vảy cá chép, xương cá chép và vỏ tôm hùm. Trong đó chủ yếu là vảy cá. Theo đó, vảy cá chép được cắt gọt tỉ mỉ và dùng sơn móng tay khoác lên đó những màu sắc sặc sỡ. Thế nhưng, làm thế nào để khử được mùi tanh của vảy cá và để vảy cá giữ được lâu mà không bị các loại côn trùng tấn công, đó là điều khiến Ngọc Biết phải suy nghĩ, nghiên cứu để hoàn thiện hơn sản phẩm của mình. Từng là học sinh giỏi hóa, Ngọc Biết thức trắng nhiều đêm liền để tìm ra loại enzim có thể tách vảy cá, khử mùi tanh mà vảy cá vẫn bóng đẹp. Đó là công nghệ tách protein gây tanh của Viện Khoa học ứng dụng ĐH Công nghệ TP. Hồ Chí Minh.

Theo tính toán của Ngọc Biết, cứ 5kg phế thải cá thì tách được khoảng 1kg vảy cá thô. Sau khi tách vảy xong, Biết sử dụng công nghệ tách protein gây tanh để khử mùi, phơi khô và nhuộm màu. Do đặc tính trơn, khó bám dính so với vải hay giấy nên nhuộm màu cho vảy cá cũng cần nghiên cứu sâu hơn. Ngọc Biết đã chọn hóa chất xử lí vảy cá tự nhiên, an toàn nên thời gian nhuộm màu cũng lâu hơn. Theo đó, để nhuộm một mẻ vảy sẽ mất khoảng 48 tiếng, gấp đôi thời gian nhuộm các loại hóa chất thông thường.

Thành công với công nghệ mới, Biết tự tin cho ra mắt nhiều bức tranh phong thủy, tranh phong cảnh khó hơn, kích thước lớn hơn như: bức tranh “Chợ Bến Thành” từ 1.000 vảy cá chồn; bức “Dạ vũ song ngư” (kích thước 68x86cm)… Hiện, Biết và nhóm cộng sự của mình đã sản xuất được gần 100 bức tranh bán tại chợ Bến Thành và một số cửa hàng lưu niệm với giá từ 2-5 triệu đồng/bức tùy mức độ khó, dễ và kích thước tranh. Theo Biết, hiện anh đang nghiên cứu phiên bản thương mại nhằm kết nối với các đơn vị du lịch để có thị trường đầu ra phong phú hơn.

Ngoài tranh, Ngọc Biết còn dùng vảy cá để làm hoa mai, hoa hồng đẹp mắt. Tham gia vòng chung kết và đạt giải triển vọng tại cuộc thi “Đổi mới sáng tạo ngành khai thác và chế biến hải sản tỉnh BR-VT năm 2020”, nhiều người đã không khỏi ngạc nhiên trước những bông hồng màu xanh, màu đỏ, những chậu mai cảnh vàng rực rỡ đẹp tự nhiên như hoa thật lại được làm từ vảy cá. Theo lời kể của Ngọc Biết, sau một thời gian làm tranh bằng vảy cá, anh nảy ra ý tưởng sao không thử làm hoa mai, hoa hồng từ những chiếc vảy cá này. Khi vảy khô sẽ cong lại giống như cánh hoa mai, giống như cánh hồng. Do đó, Biết quyết định triển khai mô hình làm cánh mai vàng từ vảy cá sau đó gắn lại thành những cành mai bon sai rực rỡ sắc màu. Giá mỗi cây mai (tùy kích cỡ) sẽ dao động từ 150-500 ngàn đồng/sản phẩm. Còn hoa hồng mỗi bông có giá 90-150 ngàn đồng, mỗi bông được làm từ khoảng 50 vảy cá chẽm. “Hiện tại tôi và các cộng sự đang tập trung sản xuất hoa hồng với số lượng lớn 1.000 bông để cung ứng cho thị trường ngày lễ tình nhân Valetine 14/2/2021 sắp tới”, Biết cho hay.

Không chỉ cho ra những sản phẩm đẹp, dự án “Tranh và hoa làm từ vảy cá” còn được đánh giá cao bởi tính cộng đồng, giá trị thực tiễn. Bởi tính từ năm 2017 đến nay Biết và cộng sự của mình đã thu gom được 2 tấn vảy và xương cá các loại góp phần bảo vệ môi trường. Bởi vảy cá cũng là một chất khó phân hủy giống như túi ni-long. Ngoài ra, dự án của Biết còn tạo công ăn việc làm ổn định cho 20 lao động phổ thông (chuyên ghép vảy cá theo mẫu) tại Trung tâm lao động khuyết tật Quận 3 (TP. Hồ Chí Minh). “BR-VT là một địa phương có thế mạnh về hải sản nên đây là vùng nguyên vật liệu phong phú để chúng tôi thu gom vảy cá, xương cá, nang mực, râu tôm hùm… để sản xuất tranh và hoa. Mục đích hiện tại của chúng tôi khi thực hiện dự án là biến rác thải thành tiền, tạo ra một sản phẩm đặc trưng của vùng biển làm quà tặng cho khách du lịch. Quan trọng hơn nữa là dự án này còn nhằm tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều người”, Biết vui vẻ nói.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

 
;
.