Thay vì đến trung tâm y tế tuyến huyện hoặc bệnh viện tỉnh để khám, điều trị định kỳ, bệnh nhân tăng huyết áp (THA) và đái tháo đường (ĐTĐ) có thể đến trạm y tế địa phương. Chương trình quản lý, điều trị THA và ĐTĐ được triển khai ở các tuyến y tế cơ sở đã giúp bệnh nhân thuận lợi hơn.
Người dân được nhân viên Trạm Y tế xã Long Sơn (TP.Vũng Tàu) kiểm tra bệnh tăng huyết áp. |
Mỗi ngày, Trạm Y tế (TYT) xã Long Sơn (TP. Vũng Tàu) tiếp đón khoảng 70 bệnh nhân đến khám và điều trị. Hơn 50% trong số này là bệnh nhân THA, ĐTĐ đến lấy thuốc về uống. Ông Nguyễn Tiến Khoa, Phụ trách TYT xã Long Sơn cho biết, trạm đang điều trị 576 trường hợp THA và hơn 480 bệnh nhân ĐTĐ. Trạm có một bác sĩ đa khoa; được trang bị máy đo huyết áp, dụng cụ test chỉ số đường huyết và mỗi bệnh có 2 loại thuốc điều trị.
Do điều kiện địa lý xa các bệnh viện tuyến tỉnh và Trung tâm Y tế Vũng Tàu nên TYT xã Long Sơn trở thành địa chỉ khám, chữa bệnh thuận lợi với người dân địa phương. Bà Lê Thị Thơ (SN 1964, ở thôn 7) bị ĐTĐ từ tháng 7/2019. Thời gian đầu, bà đến Bệnh viện Bà Rịa để khám và điều trị. Sau đó, bà được tư vấn chuyển về TYT xã Long Sơn. Từ đó đến nay, tháng nào bà cũng đến TYT xã khám và lấy thuốc. Nhờ tuân thủ lịch uống thuốc đầy đủ nên chỉ số đường huyết của bà Thơ đã hạ từ 8mmol xuống 6,5mmol. “Mỗi lần đến khám, tôi đều được cấp thuốc uống. Nhà tôi ở gần TYT nên rất thuận tiện trong việc đi lại”, bà Thơ nói.
TYT xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) cũng đang quản lý gần 430 bệnh nhân THA. Khi đến khám, bệnh nhân được bác sĩ kê toa và hẹn tái khám 1 lần/tháng. Các trường hợp bệnh nặng, bác sĩ sẽ tư vấn và chuyển lên bệnh viện tuyến trên để điều trị, đến khi ổn định lại được chuyển về TYT xã tiếp tục theo dõi, quản lý và điều trị. Đại diện TYT xã Bình Châu cho hay, tình trạng bệnh, lịch sử các lần đến khám và lấy thuốc về uống của người bệnh được lưu lại trên phần mềm điện tử để quản lý. Bác sĩ còn tư vấn cho người bệnh thay đổi chế độ sinh hoạt nhằm cải thiện tình trạng bệnh và nhắc người bệnh thực hiện đúng, đủ lịch uống thuốc và tái khám định kỳ để đạt hiệu quả cao nhất. Ngoài ra, theo chương trình, hàng năm TYT xã còn tổ chức khám sàng lọc sức khỏe cho hàng trăm người dân trên địa bàn, giúp phát hiện sớm bệnh tật, trong đó có THA.
Bà Hoàng Thị Kim Điệp (SN 1964, ấp Bình Tiến, xã Bình Châu) là một trong những bệnh nhân được phát hiện bệnh THA thông qua chương trình khám sàng lọc ở cộng đồng. 5 năm qua, bà vẫn đều đặn đến TYT xã để khám và lấy thuốc THA hàng tháng. Nhờ đó, huyết áp của bà được duy trì ổn định. Bà cũng dần thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt và động viên cả nhà làm theo bằng cách giảm muối trong bữa ăn, tập thể dục thường xuyên.
Bác sĩ Lê Thị Hải Yến, Phụ trách Khoa Dinh dưỡng-Bệnh không lây nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết, thực hiện Chương trình mục tiêu y tế-dân số giai đoạn 2016-2020, đến nay 100% TYT tuyến xã được đào tạo về dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh nhân THA, ĐTĐ.
Tuy nhiên, theo bà Yến, số người mắc bệnh THA đến khám sàng lọc, đăng ký điều trị ở tuyến y tế cơ sở còn ít. Nhiều người còn chủ quan với căn bệnh nguy hiểm này. Cụ thể, toàn tỉnh có 70 ngàn người được phát hiện THA nhưng chỉ có 30% trong số này được các cơ sở y tế quản lý và điều trị. Tương tự, 21 ngàn người được phát hiện ĐTĐ, nhưng cũng chỉ 40,6% bệnh nhân được điều trị. Do vậy, công tác quản lý, điều trị THA và ĐTĐ ở cộng đồng cần tiếp tục tăng cường.
Giai đoạn 2021-2025, ngành y tế đặt mục tiêu hơn 50% bệnh nhân phát hiện THA và ĐTĐ được quản lý và điều trị. Định kỳ hàng năm, ngành kiểm tra sức khỏe cho người dân thông qua theo dõi chỉ số khối cơ thể, đo huyết áp, xét nghiệm đường máu, khám sàng lọc một số bệnh tại tuyến y tế cơ sở và cộng đồng. Ngành cũng lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho cá nhân để cập nhật, theo dõi tình trạng quản lý, khám, tư vấn sức khỏe liên tục và lâu dài cho từng đối tượng. Ngành còn cung cấp các dịch vụ chẩn đoán, điều trị, quản lý bệnh THA, ĐTĐ và chăm sóc, hỗ trợ người bệnh tại TYT tuyến xã.
(Ông Nguyễn Viết Điện, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở Y tế)
|
Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG