BR-VT là 1 trong 4 địa phương có hoạt động cho thuê lại lao động nhiều nhất cả nước (theo thống kê của Bộ LĐTBXH). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các quy định pháp luật về hoạt động này bộc lộ những bất cập khiến cho công tác quản lý gặp nhiều khó khăn, NLĐ chịu thiệt thòi.
Thanh tra Sở LĐTBXH kiểm tra về việc thực thi pháp luật đối với ATVSLĐ, BHXH, BHYT... tại DN trên địa bàn TX.Phú Mỹ năm 2019. |
NHIỀU VI PHẠM VỀ THUÊ LẠI LAO ĐỘNG
Theo ông Nguyễn Phi Hùng, Trưởng Phòng Lao động-Việc làm-Tiền lương, Sở LĐTBXH, do là lĩnh vực còn khá mới tại Việt Nam nên việc quản lý hoạt động cho thuê lại lao động vẫn còn nhiều bất cập. Theo quy định, hoạt động cho thuê lại lao động là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, không thuộc nhóm khuyến khích hoạt động, kinh doanh và phải được cấp phép. Trên thực tế, hoạt động cho thuê lại lao động dễ xảy ra tranh chấp, phát sinh các trường hợp tiêu cực như nợ lương, trả thù lao không tương xứng sức lao động... giữa bên cho thuê lao động và bên thuê lao động.
Theo đánh giá của Sở LĐTBXH, nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực cho thuê lao động đã nhập nhèm giữa hình thức cho thuê lao động sang hình thức cung cấp dịch vụ lao động, gây ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của NLĐ… Có những DN trả lương cho NLĐ thấp hơn rất nhiều so với thỏa thuận đã ký với bên thuê lại lao động. Anh N.N (phường Rạch Dừa, TP.Vũng Tàu) là một trong những lao động chịu thiệt thòi vì điều đó. Anh cho hay: “Tôi được công ty cho một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực dầu khí thuê lại làm việc với chức danh thợ hàn, tiền công hơn 400 ngàn đồng/ngày. Trong khi thực tế, công ty thu của đơn vị thuê lại là 500 ngàn đồng/ngày. Biết vậy, nhưng hiện tại công việc đang khó khăn nên tôi vẫn chấp nhận làm”.
Trong năm 2020, qua kiểm tra của Sở LĐTBXH tại 7 DN hoạt động cho thuê lại lao động trên địa bàn tỉnh, đã ghi nhận một số DN vi phạm các quy định của pháp luật. Ông Nguyễn Phi Hùng, cho biết, vi phạm phổ biến nhất là tình trạng DN cho thuê lao động không đúng với những ngành nghề đã được pháp luật quy định. Việc trả lương cho NLĐ thấp hơn so với mức lương thỏa thuận với bên thuê lại lao động. Hợp đồng cho thuê lao động không minh bạch, không rõ ràng khiến NLĐ chịu nhiều thiệt thòi. Vì thế, quyền lợi của NLĐ tại các DN cho thuê lao động khó bảo đảm.
“Trong quá trình thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về lao động, BHXH tỉnh, Sở LĐTBXH đã từng xử phạt 2 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực cho thuê lại lao động. Văn bản kết luận thanh tra nêu rõ, lỗi vi phạm của 2 đơn vị này là không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ, không tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc theo quy định 3 tháng/lần. Thực tế này cho thấy, NLĐ đang chịu nhiều thiệt thòi. Thông qua kiểm tra, ngoài các thiếu sót như các đơn vị khác, 2 đơn vị này còn cho thuê lại lao động với các ngành nghề nằm ngoài nhóm công việc được phép cho thuê lại lao động đã được quy định”, ông Nguyễn Văn Điểu, Chánh Thanh tra Sở LĐTBXH thông tin.
Hoạt động cho thuê lại lao động còn nhiều bất cập, gây khó khăn trong quản lý đối với cơ quan chức năng. Trong ảnh: NLĐ được cho thuê lại đang làm việc cho DN hoạt động trong lĩnh vực dầu khí. |
BẤT CẬP TRONG THỰC THI QUY ĐỊNH
Bên cạnh đó, cũng theo Sở LĐTBXH, một số quy định của pháp luật về tổ chức quản lý hoạt động cho thuê lại lao động còn bất cập. Chẳng hạn, khái niệm về hoạt động cho thuê lại lao động được quy định tại Khoản 2 Điều 53 Bộ luật Lao động, nhưng tại Nghị định 29/2019/NĐ-CP của Chính phủ chưa có hướng dẫn chi tiết về nội dung này. Các DN cho thuê lao động đã tận dụng kẽ hở này để ký hợp đồng với NLĐ dựa trên thời hạn mà DN đối tác thuê lao động. Sau khi kết thúc hợp đồng cho thuê lại thì hợp đồng với NLĐ cũng chấm dứt. Đây là thiệt thòi lớn cho NLĐ.
Về phía DN hoạt động trong lĩnh vực cho thuê lại lao động đã được cấp phép, bản thân họ cũng gặp nhiều khó khăn vì danh mục công việc được cho thuê quá ít (hiện nay là 20 danh mục công việc). Đại diện một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực cung ứng lao động nằm trên đường 30/4, TP.Vũng Tàu cho biết: “Chúng tôi chủ yếu cho các DN trong lĩnh vực dầu khí thuê lao động làm việc trên bờ và trên các giàn khoan. Tuy nhiên, hiện danh mục cho phép thuê lao động rất hẹp nên chúng tôi gặp khó khăn. Rất nhiều lĩnh vực đối tác cần thuê lao động, nhưng công ty không thể đáp ứng được do vướng quy định”.
PHẢI BẢO ĐẢM QUYỀN LỢI CHO NLĐ
Theo ông Nguyễn Phi Hùng, để hoạt động cho thuê lại lao động được thực hiện tốt, ngoài tăng cường thanh kiểm tra để tuyên truyền, hướng dẫn cho DN thì cần xử lý nghiêm các DN cố tình vi phạm.
Theo thống kê của Sở LĐTBXH, BR-VT hiện có 24 DN được cấp giấy phép cho thuê lại lao động đang hoạt động với tổng số lao động cho thuê là 4.299 người. Lĩnh vực ngành nghề cho thuê lại lao động chủ yếu hỗ trợ dự án; quản lý, vận hành, bảo dưỡng và phục vụ trên giàn khoan dầu khí; dọn dẹp vệ sinh tòa nhà, nhà máy; nhân viên bán hàng… Hầu hết các DN thuê lại lao động trên địa bàn tỉnh là các nhà thầu khoan, chủ giàn, nhà thầu dầu khí có nhu cầu thuê lại lao động phổ thông và công nhân kỹ thuật. Thời hạn cho thuê lại lao động của những DN này khoảng thời gian từ 1-12 tháng với mức thu nhập của lao động cho thuê lại dao động từ 6 đến 92,5 triệu đồng/người/tháng. |
Tại buổi làm việc với Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương, Bộ LĐTBXH ngày 3/12, đại diện Sở LĐTBXH đã đề xuất cần bổ sung thêm quy định về trách nhiệm phối hợp kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện ký quỹ hoạt động cho thuê lại lao động giữa Ngân hàng Nhà nước và cơ quan quản lý Nhà nước về lao động. Đồng thời, đề nghị Bộ LĐTBXH cần có hướng dẫn chi tiết về công việc “hỗ trợ dự án”, “hỗ trợ bán hàng” trong danh mục các công việc được thực hiện cho thuê lại lao động. Đề nghị nâng mức tiền ký quỹ hoạt động cho thuê lại lao động để bảo đảm mức ký quỹ thanh toán tiền lương hoặc bồi thường cho NLĐ thuê lại.
“Bản chất của hợp đồng cho thuê lại lao động là NLĐ giao kết hợp đồng lao động với một người sử dụng lao động là DN cho thuê lại lao động. Sau đó, NLĐ được chuyển sang làm việc và chịu sự điều hành của người sử dụng lao động khác. Vì thế, đề nghị Nghị định hướng dẫn chi tiết quy định này. Cụ thể, NLĐ cho thuê lại lao động là NLĐ đang làm việc tại DN trong một khoảng thời gian nhất định và được sự đồng ý của NLĐ (bằng phụ lục hợp đồng lao động) mới được thực hiện cho thuê lại lao động, thời gian của hợp đồng lao động phải cao hơn thời gian cho thuê lại lao động”, ông Hùng đề xuất.
Bài, ảnh: NHÃ UYÊN